Ngày 30.5.2008, Đoàn Giám sát HĐND tỉnh Tây Ninh, do ông Phan Văn Sử, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh dẫn đầu đã đến các huyện Tân Biên và Dương Minh Châu giám sát tình hình thực hiện Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế –xã hội 5 năm 2006 - 2010 trong lĩnh vực chuyển đối cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Tại Tân Biên báo cáo của UBND huyện cho biết, thời quan gian qua việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trên địa bàn huyện đúng hướng. Nhiều hộ nông dân khá lên nhờ vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Tuy nhiên, do yếu tố thị trường chi phối, nên việc chuyển đổi cây trồng vật nuôi theo kế hoạch rất khó thực hiện. Trong trồng trọt diện tích cây mía đã giảm nhanh chóng, trong khi đó cây mì và cây cao su tăng rất nhanh. Cao su từng bước lấn dần cây mía, kể cả những khu vực vùng trũng đã được quy hoạch trồng mía. Cụ thể đến cuối năm 2007, diện tích mía trên địa bàn huyện hơn 6.020 ha (bằng 78, 8% so với năm 2005), đến cuối tháng 5. 2008, chỉ còn 2.862 ha, (chỉ bằng 47,56% so với năm 2007); Năm 2007 diện tích cây mì 13.728 ha, tăng 2,7% so với năm 2005; Cây cao su 15.925 ha, tăng 44,30 so với năm 2005; cây điều 2000 ha, giảm 23% so với năm 2005. Trong chăn nuôi, do ảnh hưởng giá cả, dịch bệnh, nên đàn gia sức của huyện giảm. So với năm 2005, trong năm 2007 đàn trâu giảm 35,5%; đàn bò giảm 9,1% và đàn heo giảm 10%. Khó khăn trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi của huyện là diện tích cây trồng và vật nuôi luôn biến động theo giá thị trường. Hiện tượng phá bỏ cây trồng này để chuyển qua cây trồng khác xảy ra thường xuyên trong nông dân. Hiện nay nông dân đang có xu hướng phá bỏ cây mía, cây điều để phát triển cây cao su; Tình hình dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi có thể xảy ra bất cứ lúc nào; Giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao làm ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm; Công tác chuyển giao khoa học công nghệ còn nhiều bất cập …Huyện kiến nghị với cấp tỉnh cho rà soát bổ sung quy hoạch cây trồng vật nuôi cho phù hợp với tình hình mới.
Tại Dương Minh Châu, thời gian qua cơ cấu kinh tế trên địa bàn huyện phát triển hợp lý, việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng đa dạng, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn. Tuy nhiên cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch còn chậm chưa theo sát với thị trường. Việc triển khai các dự án còn bị động lúng túng, chậm phân khai vốn ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và chưa có sự thống nhất về thủ tục giữa tỉnh và huyện; Việc triển khai các chính sách hỗ trợ của Nhà nước còn chậm, thủ tục còn rườm rà; Đội ngũ cán bộ, khoa học kỹ thuật thiếu và yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu hiện nay. Kiến nghị tỉnh cần tăng cường đầu tư cho công tác tuyên truyền phổ biến chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhất là vùng sâu, vùng xa, tăng cường thực hiện các chương trình dự án phát triển kinh tế địa phương để người dân biết và tham gia rộng rãi hơn; Có kế hoạch hỗ trợ giải quyết sản phẩm đầu ra để người dân yên tâm sản xuất; Có chính sách khuyến khích bồi dưỡng nhân tài, có kế hoạch đào tạo lại cán bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao trình độ năng lực quản lý các dự án chương trình quốc gia…
Phát biểu tại các buổi làm việc, ông Phan Văn Sử, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh ghi nhận các ý kiến đề xuất của các huyện, đồng thời ông cũng đề nghị cấp huyện rà soát lại một cách chính xác diện tích các loại cây trồng, và căn cứ vào tình hình phát triển cây trồng, vật nuôi của địa phương để điều chỉnh chỉ tiêu nghị quyết hợp lý trong kỳ họp giữa nhiệm kỳ. Từ đó lưu ý điều chỉnh việc đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi một cách hợp lý cho từng vùng, chú ý đến sự phát triển bền vững của nông nghiệp, nông thôn.
Duy Huân