HĐND tỉnh giám sát việc xử lý ô nhiễm môi trường: Xác định trách nhiệm tại chỗ, xử lý kịp thời tình trạng ô nhiễm môi trường

Thứ năm - 31/05/2012 00:00 84 0

Ngày 16.5.2008, Đoàn giám sát HĐND tỉnh, do ông Phan Văn Sử, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng đoàn đã đến huyện Tân Châu và huyện Hoà Thành giám sát tình hình tổ chức thực hiện chính sách xử lý ô nhiễm môi trường đối với một số cơ sở sản xuất kinh doanh và công tác quản lý Nhà nước về môi trường trên địa bàn huyện.

Tại Tân Châu:

Báo cáo với đoàn giám sát UBND huyện Tân Châu cho biết, toàn huyện hiện có 34 công ty, cơ sở chế biến (gồm 12 cơ sở chế biến mủ cao su; 20 cơ sở chế biến khoai mì và 2 nhà máy chế biến mía đường lớn nhất tỉnh). Thời gian qua, hoạt động bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện có chuyển biến tích cực, mức độ ô nhiễm chưa đến mức nghiêm trọng. Chỉ có 4 cơ sở có khả năng gây ô nhiễm nghiêm trọng cần xử lý là Công ty TNHH Việt Mã, Công TNHH Kim Yến, DNTN Minh Toàn và Nhà máy chế biến mủ thuộc Công ty Cao su Tân Biên. Trong  đó, Nhà máy chế biến mủ cao su đã lập hồ sơ thiết kế, xây dựng hệ thống xử lý nước thải với công suất 2000m3/ngày đêm, hiện đang xét  thầu, dự kiến khởi công xây dựng trong tháng 5 và đến tháng 8.2008 sẽ đưa vào hoạt động. Công ty TNHH Việt Mã cũng đã hợp đồng xây dựng hệ thống xử lý nước thải theo phương pháp bioga từ tháng 2.2008 và dự kiến đến tháng 4.2009 sẽ đưa vào sử dụng. Còn lại Công TNHH Kim Yến và  DNTN Minh Toàn chưa có động thái chuyển biến tích cực nào.

Thời gian qua, Phòng TN - MT huyện kết hợp với các ngành chức năng kiểm tra các cơ sở sản xuất đóng trên địa bàn huyện được 42 lượt; UBND huyện lập đoàn kiểm tra định kỳ và đột xuất các cơ sở có đơn khiếu nại của nhân dân, đã phạt tiền hơn 137 triệu đồng với 21 trường hợp xây dựng hệ thống xử lý nước thải chưa đúng quy định và vượt tiêu chuẩn cho phép gấp nhiều lần ra môi trường. Tuy nhiên, việc xử lý ô nhiễm ở huyện còn gặp nhiều khó khăn: Cán bộ chuyên môn quản lý về môi trường còn thiếu, chưa có kinh nghiệm về công tác quản lý thanh tra, giám sát; UBND các xã, thị trấn chưa kịp thời phát hiện và báo cáo, kiến nghị với các cấp có thẩm quyền xử lý các đơn vị vi phạm Luật Bảo vệ môi trường tại địa phương. UBND huyện Tân Châu kiến nghị UBND tỉnh và Sở Nội vụ bổ sung thêm biên chế chuyên trách về công tác quản lý môi trường; Sở Tài nguyên-Môi trường thường xuyên mở các lớp đào tạo ngắn hạn, các lớp tập huấn về kiến thức chuyên môn cho cán bộ quản  lý về môi trường; Các ngành chức năng tỉnh tăng cường tổ chức các buổi tập huấn, hội thảo cho các đơn vị, doanh nghiệp để nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường tốt hơn. Sau khi nghe báo cáo, đoàn giám sát đã đến xem xét thực tế việc xử lý nước thải ở hai cơ sở chế biến bột mì trên địa bàn huyện.

Tại Hoà Thành:

UBND huyện Hoà Thành báo cáo cho biết, trên địa bàn huyện, tình trạng ô nhiễm môi trường tập trung ở các cơ sở sản xuất gạch xây dựng và chế biến khoai mì. Thực hiện Quyết định 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, vào tháng 12.2007, UBND huyện đã ban hành 23 quyết định về việc thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh gạch xây dựng ô nhiễm môi trường. Qua kiểm tra có 19 cơ sở vẫn tiếp tục hoạt động, không chấp hành Quyết định của UBND huyện, UBND huyện đã ra quyết định xử phạt 19 cơ sở này với số tiền 7,5 triệu đồng/cơ sở, và lập đoàn kiểm tra thực hiện quyết định của huyện xử lý đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở cố tình vi phạm. Trên địa bàn huyện có 21 cơ sở chế biến khoai mì (lò mì rấm). Trong đó có 12 cơ sở vi phạm về môi trường, Thanh tra Sở TN - MT đã xử phạt. Thực hiện Quyết định 759/QĐ-UBND của UBND tỉnh, có 19 cơ sở cam kết xây dựng hoàn chỉnh hệ thống xử lý chất thải. Nhưng đến ngày 9.4.2008, UBND huyện lập đoàn kiểm tra các cơ sở chế biến khoai mì theo nội dung đã cam kết, thì cả 19 cơ sở đến nay vẫn chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Đoàn đã lập biên bản đình chỉ hoạt động cho đến khi xây dựng xong hệ thống xử lý nước thải, nhưng các cơ sở vẫn hoạt động. Từ thực trạng đó, UBND huyện Hoà Thành kiến nghị: Cần kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không thực hiện xử lý ô nhiễm môi trường để đảm bảo việc thực hiện nghiêm Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Đề nghị tỉnh sớm xử lý đất chùa Gò Kén để giải quyết việc thuê đất của các cơ sở sản xuất gạch, đồng thời giải quyết chuyển đổi công nghệ ở khu vực này.

Ông Phan Văn Sử thay mặt đoàn giám sát HĐND tỉnh ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của UBND các huyện, đồng thời yêu cầu các địa phương cần tăng cường giáo dục để nâng cao nhận thức về môi trường cho cộng đồng; xác định trách nhiệm tại chỗ, xử lý kịp thời tình trạng ô nhiễm môi trường tại địa phương.

 
Đoàn giám sát xem xét việc xử lý nuớc thải ở Công ty TNHH Kim Yến.
 


D.H
 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây