Những vấn đề được Thường trực HĐND tỉnh đưa ra trong phiên chất vấn và trả lời trực tiếp tại kỳ họp, đó là nhóm vấn đề về lĩnh vực giao thông vận tải, tập trung vào công tác quản lý hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh; nhóm vấn đề về lĩnh vực giáo dục và đào tạo, tập trung vào hiệu quả hoạt động của Trung tâm giáo dục thường xuyên; công tác đầu tư, quản lý và sử dụng thiết bị dạy học tại các cơ sở giáo dục; nhóm vấn đề về lĩnh vực xây dựng, tập trung vào việc triển khai thực hiện và công tác quản lý quy hoạch đô thị.
Khi tiến hành chất vấn theo nhóm vấn đề, ngoài người trả lời chính, chủ tọa cũng mời các giám đốc sở, ngành khác cùng trả lời nội dung có liên quan. Những chất vấn của đại biểu đã gửi nhưng không thuộc nhóm các vấn đề nêu trên, Thường trực HĐND tỉnh yêu cầu cơ quan, cá nhân có trách nhiệm trả lời bằng văn bản theo quy định.
Ông Nguyễn Thành Tâm - Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 07.12. |
Mở đầu phiên chất vấn, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Tấn Tài trình bày phần trả lời những vấn đề mà đại biểu đã gửi câu hỏi trước đó và tại các buổi thảo luận tổ.
Trong phần đặt câu hỏi trực tiếp tại hội trường, đại biểu Lý Bá Thuận nêu tình trạng xe quá tải né trạm cân gây hư hỏng đường; đại biểu Phạm Thị Thanh Vân nêu tình trạng xe chở cát vượt tải trọng đi thành từng đoàn nhiều chiếc trong khu vực lòng hồ Dầu Tiếng.
Trả lời vấn đề mà đại biểu nêu, ông Nguyễn Tấn Tài cho biết, tình trạng này xảy ra khoảng 6 tháng nay, ngành Giao thông đã biết và cho tăng cường các lực lượng thanh tra, kiểm tra để xử lý, tuy nhiên do nguồn nhân lực ít, không thể theo dõi và kiểm soát thường xuyên.
Vế tình trạng “cò canh đường” rất khó xử lý, để hạn chế tình trạng này, Sở đã cho các doanh nghiệp ký cam kết không chất hàng quá tải, quá khổ, tuy nhiên, việc chở hàng hóa quá tải vẫn xảy ra.
Theo ông Tài, ngoài lực lượng thanh tra tỉnh, Chủ tịch UBND cấp huyện, thành phố cũng có quyền chỉ đạo xử lý vi phạm trên. Sắp tới đây, ngành Giao thông sẽ tiếp tục cho chủ phương tiện ký cam kết không chở hàng quá tải; tăng cường sử dụng cân xách tay để xử phạt phương tiện vi phạm.
Về tình trạng đường xuống cấp, đại biểu Phạm Văn Đặng cho rằng, không chỉ là trách nhiệm của ngành Giao thông. Tuy nhiên, qua phần trả lời của Giám đốc Sở GTVT, đại biểu thấy ngành chưa làm rõ việc thi công các tuyến đường có đảm bảo chất lượng không; công tác quản lý khai thác, sử dụng, kiểm soát xe quá tải, quá khổ; công tác phối hợp giữa ngành giao thông với lực lượng công an, chính quyền địa phương trong quản lý hiện nay như thế nào? có hay không tình trạng “xe nhà” trong lực lượng cảnh sát giao thông…
Trả lời các vấn đề trên, Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Tấn Tài cho rằng có 2 nguyên nhân gây nên tình trạng đường hư hỏng, là chất lượng và kiểm soát tải trọng. Về quản lý chất lượng, ngành Giao thông đã yêu cầu doanh nghiệp thi công đường tăng thời gian bảo hành lên gấp 3 lần đối với công trình mới và 2 lần đối với đường sửa chữa.
Về kiểm soát tải trọng, ông Tài nhấn mạnh, Chủ tịch UBND cấp huyện/thành phố có toàn quyền điều hành, chỉ đạo lực lượng thanh tra trên địa bàn trong việc xử lý xe vi phạm tải trọng. Bên cạnh đó, qua đường dây nóng của ngành, nhân dân cũng có thể phản ánh kịp thời đến cơ quan chức năng có thẩm quyền khi phát hiện xe chở quá tải.
Theo đại biểu Trần Văn Hận, một trong những nguyên nhân hư đường là do làm đường không có mương thoát nước. Trước đây, khi làm đường thì không có nhà dân, nhưng sau khi đường làm xong, nhiều khu dân cư được hình thành, và có không ít nhà được thiết kế nền cao hơn mặt đường, dẫn đến tình trạng đường bị ngập úng mỗi khi trời mưa, góp phần làm hư hỏng mặt đường.
Đại biểu Mai Văn Hải phản ánh, cử tri khá bức xúc về tình trạng đường hư sửa chữa chậm, chất lượng sửa chữa thấp, thậm chí sửa chữa đường vào thời điểm mùa mưa không thích hợp, gây khó khăn cho việc đi lại. Cử tri đề nghị ngành Giao thông nghiên cứu, thử nghiệm việc giao khoán cho doanh nghiệp sửa chữa đường…
Giải trình các vấn đề liên quan đến kiểm soát tải trọng, đại tá Nguyễn Tri Phương - Giám đốc Công an Tây Ninh cho biết thêm, ngành đã tăng cường, đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát xe quá tải. Ngành tập trung vào những tuyến đường như QL 22B, ngã tư Bình Minh, ngã tư Thanh Điền, ngã ba Vịnh,... kiên quyết xử lý tình trạng xe quá khổ quá tải. Riêng đối với vấn đề cát tặc, đối tượng này hoạt động ngày càng tinh vi hơn, cho cò đeo bám các lực lượng; ngành đã xử lý 720 vụ quá tải, quá khổ; phối hợp các lực lượng xử lý kiên quyết các đối tượng kinh doanh không phép, chở quá tải, quá khổ.
Chủ tọa kỳ họp, ông Nguyễn Thành Tâm cho rằng, đây là vấn đề nóng, qua phiên chất vấn đã có 9 đại biểu đặt câu hỏi, có đại biểu còn chất vấn lại để làm rõ hơn vấn đề. Đánh giá về phần trả lời chất vấn, Chủ toạ kỳ họp đề nghị ngành Giao thông tham mưu cho UBND tỉnh phân định rõ trách nhiệm các ngành, các cấp trong các vấn đề liên quan, cần tăng cường phối hợp liên ngành.
Đại biểu Phạm Văn Đặng phát biểu ý kiến chất vấn. |
Đối với Nhóm vấn đề về lĩnh vực giáo dục và đào tạo, đại biểu Lê Anh Tuấn cho rằng, cần phải rà soát, chấn chỉnh và có giải pháp sử dụng cơ sở vật chất, thiết bị dạy và học sao cho có hiệu quả hơn.
Đại biểu Nguyễn Văn Hùng cũng băn khoăn với việc, vẫn còn nhiều Trung tâm GDTX được xây dựng khá tốn kém, nhưng hiệu suất sử dụng chưa cao, thậm chí còn lãng phí. Ông Hùng ví dụ, Trung tâm GDTX Châu Thành chỉ có 21 học viên, Trung tâm GDTX Tân Biên có 18 nhân viên và cũng chỉ có 18 học sinh…
Trả lời chất vấn của đại biểu, bà Mai Thị Lệ- Giám đốc Sở GD&ĐT khẳng định, theo luật quy định là không thể dừng hoạt động các Trung tâm GDTX. Tuy nhiên, bà Lệ cũng đã tiếp thu ý kiến của đại biểu về sự lãng phí của các trung tâm, và cho biết, ngành giáo dục sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan tiến hành khảo sát, báo cáo và tham mưu UBND tỉnh có giải pháp chấn chỉnh.
Kết thúc phần chất vấn đối với Giám đốc Sở GD&ĐT, ông Nguyễn Thành Tâm- Chủ tọa kỳ họp cho biết, đã có 9 lượt đại biểu đặt vấn đề, việc khai thác sử dụng thiết bị thời gian qua chưa phát huy hiệu quả, lãng phí…do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan. Ông Tâm đề nghị ngành Giáo dục cần có kế hoạch phối hợp các ngành, giải quyết tốt các vấn đề mà đại biểu, cử tri tỉnh nhà quan tâm.
Về nhóm vấn đề trong lĩnh vực xây dựng, ông Trương Văn Ngôn – Giám đốc Sở Xây dựng đã trả lời một cách thẳng thắn các vấn đề mà đại biểu nêu ra. Cụ thể, về tình trạng đường cao hơn nền nhà, có khi nhà cao hơn đường; tình trạng ngập úng nguyên nhân là từ đâu, việc lấn chiếm không gian trong xây dựng… Bên cạnh đó, Giám đốc Sở Xây dựng cũng đã nhận những sai sót, tồn tại liên quan đến ngành xây dựng mà ông là người đứng đầu.
Trong phần chất vấn Giám đốc Sở Xây dựng có vấn đề liên quan đến ngành Giao thông, đó là vấn đề cao độ nền đường cao hơn nền nhà, đã được Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Tấn Tài trả lời, nhận trách nhiệm.
Phát biểu kết luận phiên chất vấn, ông Nguyễn Thanh Tâm- Chủ tịch HĐND tỉnh nêu rõ, những nhóm vấn đề được HĐND tỉnh lựa chọn chất vấn kỳ này là xác đáng, phù hợp với thực tế, được cử tri, dư luận xã hội quan tâm, đánh giá cao. Chủ tọa kỳ họp cũng đề nghị các đại biểu HĐND, Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đặc biệt là cử tri hãy tham gia giám sát việc tổ chức thực hiện của ngành chức năng.
Thường trực HĐND tỉnh cũng sẽ có trách nhiệm đôn đốc, chỉ đạo điều hoà phối hợp các hoạt động này, nhất là phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh để tổ chức thực hiện tốt những vấn đề cử tri quan tâm và được lãnh đạo các sở, ngành cam kết trong phần trả lời chất vấn tại kỳ họp.
Theo Báo Tây Ninh Online