Quang cảnh cuộc họp
Tại cuộc họp, ông Đặng Đức Hoàng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng trình bày nội dung tờ trình về việc bổ sung phân loại đô thị loại IV đối với xã Phước Đông (huyện Gò Dầu), xã Mỏ Công (huyện Tân Biên) và chủ trương điều chỉnh Quyết định 22/2014/QĐ-UBND ban hành Chương trình phát triển đô thị tỉnh Tây Ninh, giai đoạn 2014-2020 và định hướng đến năm 2030.
Chương trình phát triển đô thị tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2014 - 2020 và định hướng đến năm 2030, định hướng giai đoạn đến năm 2015 có 9 đô thị với tỷ lệ đô thị hóa 33%; giai đoạn 2016-2020 có 14 đô thị với tỷ lệ đô thị hóa là 48%; giai đoạn 2021-2025, có 15 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa là 52%; giai đoạn 2026-2030 có 19 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa 57%.
Ông Đặng Đức Hoàng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng phát biểu tại cuộc họp
Kết quả phân loại đô thị và tỷ lệ đô thị hóa tỉnh Tây Ninh đến tháng 9/2018 theo định hướng phát triển đô thị, giai đoạn 2016-2020, có 1 đô thị loại III (thành phố Tây Ninh), 3 đô thị loại IV, 10 đô thị loại V. Hiện trạng, tỷ lệ đô thị hóa tỉnh Tây Ninh năm 2017 đạt 19,58%, dự kiến năm 2018 đạt 27,98%.
Hiện nay, tỉnh có 9 đô thị gồm 1 thành phố thuộc tỉnh và 8 thị trấn. Trong số 6 đô thị loại V hiện hữu và dự kiến nâng loại đô thị loại IV đều bị vướng tiêu chí về quy mô dân số. Trong thời gian 5 năm (từ năm 2014 đến tháng 9/2018), việc triển khai đầu tư phát triển đô thị của các huyện còn rất chậm, việc đầu tư xây dựng dàn trải không tập trung do thiếu nguồn lực, tỷ lệ đạt tiêu chí, tiêu chuẩn phân loại đô thị chỉ đạt khoảng 10% so với quy định. Bên cạnh đó, việc đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tại các đô thị mới chưa được triển khai đồng bộ, chưa thu hút nhà đầu tư và người dân đến sinh sống và làm việc, nhất là các đô thị dự kiến hình thành trong giai đoạn 2016-2020. Trên cơ sở rà soát đánh giá hiện trạng của các đô thị, Sở Xây dựng đề xuất tiến hành phân loại đô thị đối với các xã gắn liền với hệ thống đô thị cửa khẩu, thay vì đánh giá, phân loại đô thị cửa khẩu riêng biệt như trước đây.
Đồng thời, trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội, một số đô thị có sự phát triển nổi trội (không có trong Chương trình phát triển đô thị tỉnh Tây Ninh, giai đoạn 2014-2020 và định hướng đến năm 2030), có mối liên kết thuận lợi với các đô thị phụ cận và đô thị lớn trong khu vực, có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của huyện cũng như đẩy nhanh quá trình đô thị hóa của tỉnh như xã Phước Đông (huyện Gò Dầu) và xã Mỏ Công (huyện Tân Biên). Trên cơ sở đó, Sở Xây dựng đề xuất 2 phương án để điều chỉnh Chương trình phát triển đô thị tỉnh Tây Ninh, giai đoạn 2014-2020 và định hướng đến năm 2030, chọn phương án thứ 2 trình UBND tỉnh xem xét, với nội dung không phân loại đô thị đối với các đô thị cửa khẩu mà tiến hành phân loại đô thị đối với các xã, chứa đô thị cửa khẩu, có khả năng đạt tiêu chí đô thị theo quy định và bổ sung một số đô thị dự kiến hình thành mới. Cụ thể, tiến hành phân loại đô thị đối với các xã Tân Lập (huyện Tân Biên), xã Tân Đông, Tân Hà (huyện Tân Châu) và điều chỉnh thời gian phân loại từ giai đoạn 2016-2020 sang giai đoạn 2026-2030; điều chỉnh không phân loại 3 đô thị (Phước Đông-Bời Lời, Bình Thạnh và Tân Hòa); bổ sung 2 đô thị hình thành mới là xã Phước Đông và xã Mỏ Công. Theo đó, đề xuất điều chỉnh nội dung Quyết định 22/2014/QĐ-UBND cho phù hợp.
Sau khi nghe ý kiến phát biểu của các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng kết luận, thống nhất với nội dung Sở Xây dựng trình và đề xuất chọn phương án 2 của Sở Xây dựng. Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Xây dựng tiếp thu, hoàn chỉnh lại hồ sơ, trong đó, đánh giá rõ, mặt được, chưa được, nguyên nhân chủ quan, khách quan cùng giải pháp thực hiện theo dự kiến điều chỉnh.
Hội nghị cũng lấy ý kiến Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thị trấn Tân Châu, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh đến năm 2030. Nội dung này Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng cũng thống nhất với sự cần thiết phải điều chỉnh quy hoạch, để huyện Tân Châu có khung quy hoạch mới, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, thu hút đầu tư; đơn vị tư vấn cần tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu, điều chỉnh lại cho phù hợp, phân tích nguyên nhân, giải pháp thực hiện trong thời gian tới theo quy hoạch điều chỉnh, đảm bảo tính khả thi.
XV