Họp mặt kỷ niệm 55 năm chiến thắng Tua Hai – Tây Ninh vững bước đi lên

Thứ hai - 26/01/2015 16:00 142 0
Tối 25.1, tại Khu di tích lịch sử Chiến thắng Tua Hai (ấp Tua Hai, xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành), UBND tỉnh Tây Ninh long trọng tổ chức buổi họp mặt kỷ niệm 55 năm chiến thắng Tua Hai lịch sử, chiến thắng đã trở thành “phát pháo lệnh” mở đầu cao trào đồng khởi vũ trang toàn miền Nam (26.1.1960 – 26.1.2015).

Tua hai_0.JPG

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thu Thủy phát biểu ôn lại lịch sử của trận đánh Tua Hai.

Tham dự buổi họp mặt có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên; Thiếu tướng Trần Văn Hùng- Phó Chính ủy Quân khu 7; lãnh đạo Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh; các mẹ Việt Nam Anh hùng; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; những nhân chứng từng tham gia trận đánh căn cứ Tua Hai, và khoảng 2.500 cán bộ, chiến sĩ, nhân dân Tây Ninh

.Tua hai_1.JPG

Tua hai_2.JPG

Đại biểu thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ trong đêm họp mặt kỷ niệm 55 năm Chiến thắng Tua Hai.

Phát biểu ôn lại lịch sử của trận đánh Tua Hai cách đây 55 năm, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thu Thủy nhấn mạnh: Trước tình hình cách mạng miền Nam nói chung và Tây Ninh nói riêng phải hứng chịu những tổn thất nghiêm trọng, mà theo đánh giá của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn "Lực lượng miền Nam ở vào thế hết sức nguy hiểm. Cơ sở Đảng tan vỡ bảy tám phần mười, quần chung căm hờn nhưng bị kìm kẹp gay gắt, cơ hồ như phải quỵ xuống không vùng lên nổi"…

Trước tình hình đó, Đảng và Bác Hồ đã xác định: Con đường phát triển cơ bản của cách mạng miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Đây là chủ trương đúng đắn, tạo ra một sự chuyển biến căn bản và nhảy vọt của phong trào cách mạng miền Nam và Tua Hai đã vinh dự được Xứ ủy Nam Kỳ chọn làm điểm mở đầu đồng khởi vũ trang toàn miền Nam.

Tua Hai là một cứ điểm quan trọng của Trung đoàn 32 thuộc sư đoàn 21 chủ lực ngụy, đồng thời là trung tâm huấn luyện biệt kích và là kho vũ khí lớn để trang bị cho những đơn vị mới thành lập. Đánh vào Tua Hai chính là đánh vào chỗ mạnh của địch, đánh thẳng vào khối chủ lực ngụy, tạo ra sự đột biến về thế và lực, thúc đẩy phong trào nổi dậy của nhân dân phát triển lên thành cao trào cách mạng trên khắp các vùng nông thôn miền Nam. Đây là trận đánh lớn nhất, huy động được lực lượng vũ trang đông nhất, mạnh nhất của miền Nam lúc bấy giờ với 5 đại đội, 300 cán bộ đảng viên cùng có sự phối hợp với đơn vị vũ trang địa phương và đông đảo nhân dân Tây Ninh. Bên cạnh đó còn có sự tham gia của lực lượng ta trong hàng ngũ quân địch…

Vào lúc 0 giờ 30 phút ngày 26.1.1960, trận đánh Tua Hai bắt đầu. Quân ta nhanh chóng đánh chiếm kho súng, lấy vũ khí địch để đánh địch. Với cách đánh mưu trí và dũng cảm, chỉ trong vòng 3 giờ, quân ta đã làm chủ căn cứ, tiêu diệt sở chỉ huy, đánh tan rã ba tiểu đoàn địch; bắt sống, diệt và làm tan rã hai tiểu đoàn; bắt, giáo dục, thả tại chỗ 500 tù binh, thu hơn 1.500 súng các loại và nhiều đạn, phá huỷ nhiều vũ khí và phương tiện chiến tranh.

Ngay sau chiến thắng Tua Hai, nhân dân phối hợp với các lực lượng vũ trang tiếp tục giải phóng hàng chục quận lỵ, chi khu; tiêu diệt hàng chục đồn bót địch, phá rã hơn 100 bộ máy tề nguỵ. Cả một vùng rộng lớn phía Bắc và đại bộ phận các huyện phía Nam của Tây Ninh được giải phóng hoàn toàn. Ảnh hưởng của chiến thắng Tua Hai còn lan rộng ra các tỉnh khác của miền Đông, làm bùng lên ngọn lửa đồng khởi trong vùng, góp phần phá vỡ hàng loạt và từng mảng chính quyền địch ở khắp nông thôn miền Nam.

Vận dụng và phát huy và những bài học quý báu của chiến thắng Tua Hai lịch sử, ngày 30.4.1975 bằng chính lực lượng của mình, Đảng bộ và nhân dân Tây Ninh đã giải phóng tỉnh nhà, góp phần vào thắng lợi chung của sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Khu di tích chiến thắng Tua Hai đã trở thành di tích lịch sử, một địa chỉ đỏ, mỗi năm thu hút hàng vạn người dân Tây Ninh và cả nước đến tham quan, học tập truyền thống.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Đảng bộ đã lãnh đạo quân dân Tây Ninh vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức, vừa hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng nền kinh tế với xuất phát điểm gần như "trắng" về công nghiệp. Trải qua 40 năm kể từ khi tỉnh được giải phóng, Tây Ninh đã đạt được những thành tựu bước đầu rất quan trọng. Thị xã Tây Ninh nay được công nhận là đô thị loại III, thành phố trực thuộc tỉnh, với diện mạo ngày càng khang trang, hiện đại. Khắp các vùng quê, từ thị trấn cho đến tận vùng nông thôn sâu, biên giới đang thay da đổi thịt từng ngày, kinh tế-xã hội không ngừng phát triển, đời sống người dân không ngừng được nâng lên, quốc phòng - an ninh được giữ vững. Tây Ninh đang hướng đến mục tiêu cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp vào năm 2020.

 Tua hai_4.JPG

NSƯT Tạ Minh Tâm cùng với vũ đoàn Phương Việt thể hiện bài hát Linh thiêng Việt Nam.

Cũng trong buổi họp mặt, các đại biểu tham dự còn được thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc sắc "Tự hào 55 năm Chiến thắng Tua Hai- Tây Ninh vững bước đi lên" do Nghệ sĩ ưu tú Lê Thuỵ làm tổng đạo diễn. Chương trình có sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ, ngôi sao ca nhạc nổi tiếng như NSƯT Thanh Thuý, NSƯT Tạ Minh Tâm, NSƯT Ánh Tuyết, Quốc Đại…

15 phút bắn pháo hoa nghệ thuật đã khép lại chương trình họp mặt đầy ý nghĩa, với niềm tin tưởng rằng Đảng bộ và nhân dân Tây Ninh nhất định có đầy đủ tài và lực để xây dựng tỉnh nhà giàu mạnh, vững chắc, cuộc sống của người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Theo BTNO

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây