ĐBQH Trịnh Ngọc Phương đang phát biểu.
Những năm qua tình hình thế giới có nhiều biến động, chúng ta còn nhiều khó khăn nhưng nền kinh tế và tình hình xã hội đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, thực trạng các vấn đề về kinh tế - xã hội cũng có nhiều tồn tại, cần phải mổ xẻ, đúc rút kinh nghiệm và đưa ra phương án để những năm tới thực hiện tốt hơn. Tôi xin nêu một số vấn đề như sau:
Trước hết, về vấn đề người lao động và người sử dụng lao động. Pháp luật về lao động trong những năm qua đã có sửa đổi, bổ sung và được triển khai đạt hiệu quả khích lệ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại xuất phát không phải từ một phía.
Về phía người sử dụng lao động, tình trạng không ký hợp đồng lao động với người lao động xảy ra không ít. Hiện nay, mức lương tối thiểu vùng ngày càng được nâng lên thì người sử dụng lao động phải tìm mọi cách để giảm chi phí và các khoản đóng góp chung như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, thất nghiệp...
Các lĩnh vực thường xảy ra (tình trạng trên) là lao động mang tính chất lưu động hay mùa vụ, mà theo quy định vẫn phải thực hiện (mọi quy định) đối với người lao động. Các tranh chấp lao động xảy ra đều liên quan đến lợi ích như: tiền công, tiền lương, thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi cũng như cách thức chi trả các quyền lợi đã không đáp ứng đúng cho người lao động. Việc không xây dựng hoặc có xây dựng nhưng không triển khai nội quy lao động đến người lao động vẫn xảy ra.
Ngược lại, có những nơi xây dựng nội quy lao động, quy chế của đơn vị mang tính hà khắc nên đã xảy ra đình công như thời gian vừa qua. Trong các tranh chấp về lao động thì vai trò của tổ chức công đoàn cơ sở rất hạn chế, hoặc không phát huy được vai trò của mình là đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động.
Về phía người lao động, tình trạng vi phạm hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể, nội quy lao động vẫn còn phổ biến, ý thức lao động kém, tác phong làm việc của người lao động không tuân thủ quy định cũng là một nhân tố giảm đi lợi thế cạnh tranh, mời gọi đầu tư. Rất nhiều trường hợp người sử dụng lao động dày công đào tạo nhưng chỉ một thời gian, người lao động bỏ sang nơi khác làm việc.
Hiện tượng ăn cắp chất xám, bản quyền tác giả, phát minh sáng chế, bí mật kinh doanh cũng xuất phát từ người lao động. Hiện nay, sau mỗi dịp nghỉ, như Tết Nguyên đán, không ít doanh nghiệp đã rơi vào cảnh lao đao vì người lao động tự ý nghỉ việc. Người sử dụng lao động có thể bị tổn thất rất nhiều về vật chất, nhưng lớn hơn là uy tín kinh doanh trên thương trường mà nguyên nhân xuất phát từ ý thức của người lao động.
Người sử dụng lao động có quyền khởi kiện buộc người lao động bồi thường vật chất, nhưng con đường tố tụng mất nhiều thời gian và công sức nên việc kiện tụng ít khi xảy ra. Vì vậy, tôi cho rằng để nâng cao ý thức của người lao động thì ngoài việc tuyên truyền pháp luật, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, đã đến lúc phải xây dựng hệ thống thông tin chung về người lao động để họ ý thức được rằng, nếu ý thức lao động kém thì cho dù có đi làm ở đâu cũng không nơi nào muốn nhận.
Về vấn đề khu kinh tế cửa khẩu, tôi muốn nói đến các khu kinh tế cửa khẩu trên đất liền, nhất là cửa khẩu biên giới giáp với Campuchia. Hiện nay các khu kinh tế cửa khẩu này đứng im, đất quy hoạch có nhưng triển khai quy hoạch và kêu gọi đầu tư không được, đến nay gần như bỏ hoang, một số các khu kinh tế cửa khẩu không hoạt động, hoặc chỉ sống nhờ vào chính sách ưu đãi đầu tư.
Vì vậy, tôi kiến nghị Chính phủ nên xem xét và có hướng giải quyết. Tôi được biết, năm 2011, Chính phủ đã giao cho Bộ Xây dựng rà soát lại các khu kinh tế cửa khẩu, đánh giá mức độ của các khu kinh tế này. Đến nay, không biết Bộ Xây dựng đã báo cáo Chính phủ chưa, nhưng những bất cập vẫn xảy ra nhiều ở các khu kinh tế cửa khẩu. Bên cạnh đó cũng có bất cập, chồng chéo giữa chính quyền địa phương và các ban quản lý đầu tư, bất cập giữa các khu kinh tế, cho nên rất khó thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.
Vấn đề cuối cùng, về vấn đề quy hoạch sử dụng đất, tôi kiến nghị trên đường vành đai biên giới hiện nay, đoạn qua Tây Ninh, đã giao cho Bộ Quốc phòng trong dự án 47, tuy nhiên, chỉ được (đưa vào quy hoạch) một đoạn tới huyện Tân Biên, còn đoạn từ Tân Biên qua các huyện Châu Thành, Bến Cầu nối với tỉnh Long An thì trong quy hoạch sử dụng đất chưa có đưa vào. Tôi kiến nghị Bộ Tài nguyên - Môi trường xem xét, nghiên cứu đưa vào, để (phòng ngừa) sau này triển khai lại không có đất để thực hiện nối tuyến xuống Long An.
Theo BTNO