Hoạt động đoàn ĐBQH Tây Ninh tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XIV: Dự án Luật Quy hoạch- tích hợp và… trùng lắp (*)

Thứ sáu - 27/10/2017 09:00 105 0
ĐBQH Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) nhận định, theo dự thảo Luật Quy hoạch, quy hoạch chung thành phố trực thuộc Trung ương thuộc nhóm quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn (quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 5). Điều này có nghĩa sau khi quy hoạch được thông qua, quy hoạch chung của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vẫn tiếp tục tồn tại và chịu sự điều chỉnh của 2 luật, đó là Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 và Luật Xây dựng năm 2014.

Dự án Luật Quy hoạch- tích hợp và… trùng lắp (*)

ĐBQH Trịnh Ngọc Phương phát biểu góp ý dự án Luật Quy hoạch.

Ngày 25.10, thảo luận ở hội trường kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XIV về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Quy hoạch, ĐBQH Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) nhận xét: Theo quy định tại Điều 5 của dự thảo luật, các quy hoạch được xếp theo thứ tự: Một là, quy hoạch cấp quốc gia; Hai là, quy hoạch vùng; Ba là, quy hoạch tỉnh; Bốn là, quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn.

Như vậy, quy hoạch được xếp theo thứ bậc là từ cao xuống thấp. Tuy nhiên, không thể khẳng định quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn thấp hơn quy hoạch tỉnh hay không. Trong khi đó, dự thảo luật chỉ có quy trình nội dung lập quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh (tại các Điều 16, 23, 24, 25, 26, 27, 28) mà không quy định về quy trình, nội dung lập quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn trong dự thảo Luật Quy hoạch, nhưng cho phép thực hiện theo Luật Quy hoạch đô thị và Luật Quy hoạch xây dựng, tức là các luật hiện hành không theo dự thảo Luật Quy hoạch.

Đồng thời, việc cho phép thẩm định phê duyệt điều kiện thực hiện, điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn cũng không theo quy định của Luật Quy hoạch, dẫn đến các tiêu chí lập quy hoạch (thuộc Điều 5, dự án luật) không thống nhất với nhau. Theo đại biểu Xuyền, cần phải xác định quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn phải có quy hoạch chi tiết của quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh hay không, để tạo ra một hệ thống quy hoạch thống nhất từ trên xuống dưới.

Do vậy, đại biểu tỉnh Thái Bình đề nghị sửa đổi theo hướng quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn là quy hoạch chi tiết của quy hoạch quốc gia, quy hoạch tỉnh và quy hoạch vùng (tại khoản 1, Điều 3), vì khi đã tích hợp vào quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng thì nó không còn là quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn nữa, không đúng với tên gọi của nó nữa.

Đề cập đến vấn đề trên, ĐBQH Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) cũng nhận định, theo dự thảo Luật Quy hoạch, quy hoạch chung thành phố trực thuộc Trung ương thuộc nhóm quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn (quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 5).

Điều này có nghĩa sau khi quy hoạch được thông qua, quy hoạch chung của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vẫn tiếp tục tồn tại và chịu sự điều chỉnh của 2 luật, đó là Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 và Luật Xây dựng năm 2014. Trong khi đó, theo dự thảo Luật Quy hoạch, đối với cấp tỉnh chỉ có 1 quy hoạch đó là “quy hoạch tỉnh” (quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 5).

Như vậy, ở các tỉnh thì “các quy hoạch cấp tỉnh khác”, kể cả “quy hoạch xây dựng cấp tỉnh” và “quy hoạch vùng tỉnh” được tích hợp vào quy hoạch tỉnh. Trong khi ở các thành phố trực thuộc Trung ương lại có 2 quy hoạch cấp tỉnh cùng tồn tại là “quy hoạch tỉnh” và “quy hoạch chung xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương”, điều này chưa thực sự phù hợp với quan điểm tích hợp trong dự thảo của Luật Quy hoạch.

Bên cạnh đó, đại biểu Phương kiến nghị bỏ Điều 30, vì theo ông, việc bổ sung thêm Điều 30 quy định về “quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành” là không phù hợp với quy định tại Điều 5 về hệ thống quy hoạch và không đúng với tinh thần của luật.

Đồng thời, điều này sẽ trùng lắp với quy định ở một số điều khác (Điều 4, Điều 6, Điều 16 và Điều 22) và đâm ra dài dòng luật. Do đó, chỉ liệt kê các quy hoạch được quy định tại các luật hiện hành (tại Điều 3) nhằm làm giảm đi số lượng luật phải sửa đổi, nhưng sẽ dẫn đến thay đổi kết cấu nội dung của Luật Quy hoạch.

Mặt khác, việc lập thẩm định phê duyệt các quy hoạch này (quy định tại Điều 30) được thực hiện theo luật chuyên ngành sẽ dẫn đến phạm vi điều chỉnh của Luật Quy hoạch sẽ không điều chỉnh chung các loại quy hoạch phát triển nữa.

Về việc sửa đổi các luật liên quan đến quy hoạch để bảo đảm đồng bộ với Luật Quy hoạch, tránh khoảng trống pháp luật, đại biểu Trịnh Ngọc Phương đề nghị bổ sung (vào Điều 71) là tất cả các luật chỉ sửa đổi đơn giản, không làm thay đổi nội hàm, chính sách và ban hành danh mục các luật sửa đổi nhiều nội dung hơn. Như vậy, (Điều 71) sẽ làm rõ được vấn đề là “một luật sửa nhiều luật”.

Theo Báo Tây Ninh Online

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây