Kỷ niệm Tây Ninh- 180 năm hình thành và phát triển

Thứ sáu - 09/09/2016 16:00 299 0
Sáng ngày 9/9, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh Tây Ninh long trọng tổ chức lễ kỷ niệm Tây Ninh- 180 năm hình thành và phát triển.

Đến dự có các đồng chí: Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang nguyên Chủ tịch nước; Nguyễn Văn Nên - Bí thư Trung ương Đảng, Chánh văn phòng Trung ương Đảng; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; các vị khách quốc tế (Campuchia,, Hàn Quốc) và lãnh đạo hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh (trước đây là tỉnh Hà Bắc kết nghĩa với Tây Ninh) và một số  tỉnh, thành phố phía Nam.

IMG_1213.JPG

Các đại biểu Trung ương dự buổi lễ

Phía tỉnh có đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh;Nguyễn Minh Tân- Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ; Phạm Văn Tân,Phó Bí thư- Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Thành Tâm, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ- Chủ tịch HĐND tỉnh; Huỳnh Văn Quang- Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ- Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh , các đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Tỉnh uỷ các thời kỳ và nhiều cán bộ cách mạng lão thành, Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang...

IMG_3347.JPG

Phát biểu của Bí thư Tỉnh ủy Trần Lưu Quang tại buổi lễ

Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Phạm Văn Tân cho biết, trước thế kỷ XVI, vùng đất Tây Ninh vẫn còn là một vùng đất hoang sơ chưa được khai phá. Đến thế kỷ XVII, những lớp lưu dân người Việt từ vùng Ngũ Quảng - Đàng Trong vào vùng Đồng Nai - Gia Định khai khẩn đất đai, ruộng vườn, dựng làng, lập ấp.

Chính sự hiện diện của những lớp lưu dân này với các hoạt động khai khẩn đất đai, phát triển sản xuất đã hình thành và phát triển nên vùng đất Tây Ninh. Từ một vùng đất hoang sơ, toàn rừng rậm và nhiều thú dữ đã dần hình thành nên nhiều làng, ấp trù phú. Quá trình khai hoang, dựng làng, lập ấp đó gắn liền với công lao của các bậc tiền nhân như: Anh em Quan lớn Trà Vong Huỳnh Công Giản, Huỳnh Công Thắng, Huỳnh Công Nghệ và các ông Đặng Văn Trước, Trần Văn Thiện...

Quá trình khai khẩn đất đai và bồi tụ dân cư diễn ra ngày càng mạnh mẽ, vào năm Minh Mạng thứ 17 (Bính Thân, 1836), Vua Minh Mạng đã cho thành lập phủ Tây Ninh trực thuộc tỉnh Gia Định, gồm hai huyện Tân Ninh và Quang Hoá. Từ đó, địa danh Tây Ninh ra đời với tư cách là một đơn vị hành chính cấp phủ, lần đầu tiên có tên trên bản đồ hành chính Việt Nam. Với tên Tây Ninh là thể hiện cho khát vọng về một vùng biên giới phía Tây Nam của Tổ quốc sẽ được an ninh mãi mãi.

Thế nhưng sự bình yên chưa được bao lâu, năm 1859 thực dân Pháp đánh chiếm Gia Định. Nhiều cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp đã nổ ra trên vùng đất Phương Nam trong đó có vùng đất Tây Ninh; đáng chú ý là năm 1861, Lãnh binh Tòng đưa gần 300 viên binh, vượt qua các chốt chặn của giặc Pháp đánh tiêu hao quân địch, sau đó ông rút về Trảng Bàng, Tây Ninh lập căn cứ, tiếp tục đánh Pháp để bảo vệ quê hương, hay ông Khâm Tấn Trường dựng thành An Cơ để đánh Pháp, lãnh binh Két lợi dụng rừng rậm, đêm tối tấn công đồn giặc ở vùng Long Giang, Long Khánh,… huyện Bến Cầu ngày nay. Trang sử dựng nước, giữ nước vùng đất Tây Ninh không chỉ thấm đẫm mồ hôi mà còn có cả máu xương của bao lớp anh hùng, các bậc tiền nhân. Sau khi chiếm lấy 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ, thực dân Pháp thiết lập bộ máy cai trị thuộc địa, chia miền Đông Nam kỳ làm 7 khu tham biện trong đó có Tây Ninh. Và Tây Ninh từ một đơn vị hành chính cấp phủ, sau nhiều lần chuyển đổi chế độ hành chính, đến năm 1900, chính quyền thực dân Pháp ra nghị định đổi tên tiểu khu Tây Ninh trở thành tỉnh Tây Ninh. Trải qua các thời kỳ dưới sự quản lý của chính quyền thực dân Pháp và nguỵ quyền Sài Gòn, cho đến sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, Tây Ninh vẫn luôn được xác định là đơn vị hành chính cấp tỉnh cho đến ngày nay.

 Năm 1930, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, các phong trào cộng sản hoạt động mạnh mẽ ở các vùng Gia Định, Chợ Lớn, Thủ Dầu Một, ánh sáng của Đảng đã nhanh chóng đến với Tây Ninh. Các cơ sở Đảng đầu tiên lần lượt được thành lập ở Giồng Nần, Quán Cơm, Phước Chỉ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Tây Ninh đã đoàn kết một lòng, nhất tề đứng lên, cùng cả nước hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Đỉnh cao là Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, đánh đổ phát xít Nhật, thực dân Pháp và tay sai phản động, giành lấy chính quyền về tay nhân dân.

Quyết tâm bảo vệ chính quyền cách mạng, giữ vững nền độc lập vừa giành được, Đảng bộ, quân và dân Tây Ninh tiếp tục bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ 30 năm chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

 Hoà chung dòng thác cách mạng của dân tộc, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Tây Ninh luôn nêu cao tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí đấu tranh kiên cường, chịu đựng mọi gian khổ, hy sinh, một lòng theo Đảng, tận trung với nước, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. 

     Sau đại thắng mùa xuân 1975, niềm vui hoà bình chưa trọn vẹn, Tây Ninh lại phải tiếp tục với cuộc chiến đấu mới bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế cao cả giúp nước bạn Campuchia hồi sinh sau họa diệt chủng. Thật sự Tây Ninh mới chỉ bắt tay xây dựng lại quê hương từ năm 1986.

  Từ một tỉnh với hơn 80% dân số chủ yếu sống bằng nghề nông, nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu, đến nay đã có bước phát triển, với mức tăng trưởng bình quân (giai đọan 2010- 2015) là 11,1%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá; tỷ trọng cơ cấu công nghiệp và  thương mại, dịch vụ tăng nhanh từ 23 % (năm 1985) lên 75 % (năm 2015). Từ chỗ chưa có cơ sở sản xuất, kinh doanh nào đáng kể, đến nay đã phát triển trên 4.200 doanh nghiệp. Hình thành 5 khu công nghiệp, thu hút vốn đầu tư nước ngoài đăng ký gần 4 tỷ đô la mỹ và vốn đầu tư trong nước đăng ký gần 40.000 tỷ đồng. Thu ngân sách từ khoảng 3 tỷ đồng năm 1985 thì đến năm 2015 đạt gần 6.000 tỷ đồng. Đặc biệt, từ khi Trung ương quan tâm chỉ đạo, xây dựng Hồ Dầu Tiếng, công trình thuỷ nông lớn nhất nước, mang lại hiệu quả thiết thực, vô cùng ý nghĩa, làm mát dịu, xanh tươi một vùng đất khô cằn. 

Đến nay Tây Ninh đã có hệ thống giao thông tương đối phủ khắp; hệ thống thuỷ lợi trải đều trên đồng ruộng; tỷ lệ hộ sử dụng điện lưới quốc gia đạt 99 %; tỷ lệ hộ dân dùng nước sạch, hợp vệ sinh đạt 97 %; bưu chính, viễn thông phát triển. Hệ thống trường học, bệnh viện được quan tâm đầu tư đáp ứng yêu cầu ngày càng tốt hơn cho nhân dân. Bộ mặt nông thôn, đô thị được xây dựng, chỉnh trang, nâng cấp ngày càng khang trang, văn minh, sạch đẹp hơn, có 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, thị xã Tây Ninh đạt đô thị loại III và trở thành thành phố thuộc tỉnh vào năm 2013.

Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng nâng lên; thu nhập bình quân đầu người đến năm 2015 đạt trên 55 triệu đồng, tăng gấp 55 lần so với năm 1976; không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới còn 4,3 %. Công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo các gia đình chính sách, gia đình có công với nước được quan tâm thực hiện thường xuyên. đến nay tỉnh đã cơ bản xóa xong nhà tạm bợ, nhà dột nát cho hộ nghèo.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chúc mừng Đảng bộ và nhân dân tỉnh Tây Ninh nhân sự kiện quan trọng này. Theo phó Thủ tướng, trong sự nghiệp cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Tây Ninh là "thủ đô kháng chiến" thời kỳ chống Mỹ, nơi đứng chân của các cơ quan đầu não lãnh đạo cách mạng miền Nam. Bước sang thời kỳ đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tây Ninh tiếp tục phát huy truyền thống, năng động sáng tạo, giành nhiều kết quả to lớn về cơ cấu kinh tế, hạ tầng xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống của người dân không ngừng được nâng lên, quốc phòng, an ninh được cũng cố.

IMG_3326.JPG

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biều chào mừng tại buổi lễ

Phó Thủ tướng đề nghị trong thời gian tới Tây Ninh cần phát huy hơn nữa tìm năng, lợi thế vượt trội là kề cận với Thành phố Hồ Chí Minh có nền kinh tế phát triển nhanh, năng động lài là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; có cửa khẩu quốc tế Mộc Bài và Xa Mát; cầu nới giữa Thành phố Hồ Chí Minh với Thủ đô Phnôm Pênh của Vương quốc Campuchia, là đầu mối giao thương trung chuyển hàng hóa, dịch vụ, du lịch, thương mại giữa các nước trong tiểu vùng sông Mê Kông thông qua đường xuyến Á đi qua bằng đường bộ sang Campuchia.

Song song đó, Tây Ninh cũng cần tập trung phát triển công nghiệp, đáng chú ý là công nghiệp chế biến gắn với các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh và công nghiệp phụ trợ, công nghiệp có hàm lượng chất xám cao; ưu tiên huy động nguồn nhân lực để khai thác, phát huy tìm năng du lịch với các địa danh sẵn có như: Di tích Quốc gia đặc biệtTrung ương cục miền Nam, Tòa thánh Cao Đài, Núi Bà Đen, Hồ Dầu Tiếng, Vườn Quốc gia Lò Gò Xa Mát./.

Lê Đức Hoảnh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây