Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp công dân: Vụ tranh chấp đất thuộc Nông trường cao su Xa Mát

Thứ năm - 31/05/2012 00:00 168 0

Có nhiều người bị mạo danh để khiếu kiện tập thể

Ngày 9.11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Châu cùng tổ công tác của Thanh tra chính phủ và của tỉnh, lãnh đạo UBND huyện Tân Biên, Công ty cao su Tân Biên đã đến xã Tân Lập, Tân Biên, để tiếp xúc với 187 hộ dân khiếu nại, tranh chấp đất thuộc Nông trường Cao su Xa Mát.

Theo giải trình của lãnh đạo Công ty Cao su Tân Biên, Nông trường Cao su Xa Mát (NTCS XM) có diện tích 1.000 ha, được thành lập năm 1985, trên địa bàn ấp Tân Tiến và ấp Tân Đông của xã Tân Lập, huyện Tân Biên, trực thuộc Công ty cao su Thiện Ngôn (nay là Công ty cao su Tân Biên). Sau khi điều chỉnh và thu hồi 39,62 ha giao cho Vườn quốc gia Lò Gò Xa - Mát vào năm 1997, hiện diện tích của NTCS XM còn 960,38 ha (ấp Tân Tiến 665 ha và ấp Tân Đông 295,38 ha). Khi mới thành lập, toàn bộ diện tích đất NTCS XM là rừng và rất nhiều bom mìn nên không có dân cư sinh sống ở đây. Công ty cao su Tân Biên (CTCS TB) khai hoang đến đâu thì quản lý, trồng cao su đến đó. Cây rừng trên đất của NTCS XM chưa khai thác thì do Sở Lâm nghiệp quản lý. Sau khi nhận đất, cán bộ, công nhân viên của CTCS TB phải tiến hành rà phá bom, mìn trên diện tích đất được giao (đã có gần 20 cán bộ, nhân viên của CTCS TB đã hy sinh vì  bom, mìn khi khai khẩn đất). Sau đó, CTCS TB tiến hành khai hoang cơ giới hoàn chỉnh đưa vào sử dụng ổn định trong một thời gian dài mà không bị ai khiếu nại. Tuy nhiên, thời gian gần đây, ông Nguyễn Văn Lợi, ngụ tổ 22, ấp Tân Tiến, xã Tân Phú, Tân Châu “đại diện” cho 628 hộ dân (trong đó có 501 người ký tên và 127 người không ký tên) thảo đơn khiếu nại “đòi” đất NTCS XM đang sử dụng.

Phát biểu tại cuộc tiếp xúc, nhiều người dân cho rằng vào khoảng năm 1973, họ là những Việt Kiều từ Campuchia về nước và được Chính quyền cách mạng cấp cho một số đất để sản xuất ổn định cuộc sống tại các khu vực Tân Khai, Tân Chánh… thuộc xã Tân Lập. Năm 1977, do giặc Pôn Pốt tràn sang giết hại đồng bào dọc biên giới Tây Nam nên nhiều người bỏ nơi này về sống ở xã Tân Phú (nay thuộc Tân Châu) và một số nơi khác. Kết thúc chiến tranh biên giới vùng đất trên còn bom mìn rất nhiều, đã có nhiều người chếât vì bom mìn nên nhiều hộ dân không dám về ở hoặc sản xuất trên đất cũ. Một thời gian sau nữa, khi họ trở lại nơi xưa thì đất đã bị NTCS XM “lấy” để sử dụng. Nhiều người cho biết họ rất khó khăn trong cuộc sống từ nhiều năm qua cho đến nay bởi không có đất để sản xuất…  Tuy nhiên, cũng tại cuộc họp nhiều người bày tỏ thái độ bất bình trước việc “ai đó” đã ghi tên họ vào danh sách những hộ đứng đơn khiếu nại. Những người này (trong đó có một vị nguyên là Phó chủ tịch xã Tân Lập giai đoạn mới giải phóng) đã thẳng thắn bày tỏ sự không đồng tình với “ai đó” có ý đồ lôi kéo người khác viết đơn tập thể, khai man, khai khống diện tích, tụ tập khiếu kiện đông người, khiếu kiện vượt cấp. Những hộ này ý thức được rằng làm như thế là không được pháp luật cho phép, nên họ rất mong Đảng, Nhà nước xem xét, làm rõ những ai dù không được sự đồng ý của bà con nhưng vẫn cố ý ghi tên tuổi của họ vào danh sách khiếu nại tập thể  trong khi họ không hề có ý định khiếu kiện.

Tại buổi tiếp xúc, có những người nguyên là cán bộ lãnh đạo xã Tân Lập những năm 1973 – 1990 đã có ý kiến trình bày về nguồn gốc đất đang tranh chấp. Theo những người dân nguyên là cán bộ xã Tân Lập, việc bà con Việt kiều được Chính quyền cách mạng vận động về nước sinh sống và được cấp đất năm 1973 là có thật. Khi chiến tranh biên giới Tây Nam xảy ra, nhiều người dân đã bỏ đất đi nơi khác và được Nhà nước cấp đất ở nơi cư trú mới. Chỉ có một số ít hộ còn bám trụ ở lại giữ đất và sản xuất, có người khai phá thêm đất hoang, có người sang nhượng đất và   sinh sống bằng nghề buôn bán… cho đến nay. Sau chiến tranh vài năm, UBND xã Tân Lập thông báo vận động nhân dân về lại địa phương xây dựng quê hương và bảo vệ biên giới, nhưng chỉ có một số ít người quay về. Sau đó, Tân Lập đón nhiều đồng bào từ các nơi khác đến định cư sinh sống ngày một đông. Lúc đó, do không còn quỹ đất nên chính quyền xã Tân Lập vận động người dân khai khẩn đất rừng, rà phá bom mìn để lấy đất sản xuất. Đến năm 1992, khi có Luật Đất đai, UBND xã Tân Lập thông báo cho nhân dân biết: Ai đang sử dụng đất không có tranh chấp thì làm thủ tục đăng ký sử dụng đất theo quy định. Việc Nhà nước thu hồi đất của dân để giao cho NTCS XM là có, tuy nhiên, trước khi thu hồi, UBND xã và CTCS TB đã tiến hành khảo sát, thống kê diện tích đất nằm trong quy hoạch giao cho NTCS XM để tiến hành hỗ trợ công khai phá. UBND xã Tân Lập và CTCS TB đã 3 lần thông báo và tiến hành hỗ trợ tiền công khai phá cho những hộ có đất đang sản xuất bị thu hồi và nhiều hộ đã nhận tiền với số tiền khoảng 200 đồng/ha.

Sau khi nghe tường trình của các bên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Châu nói: Việc viết đơn khiếu nại tập thể và khiếu nại vượt cấp (ra Trung ương) của một số hộ dân là không nên. Nếu có bức xúc phải trình bày cụ thể trong đơn khiếu nại của từng cá nhân gởi cấp thẩm quyền địa phương giải quyết. UBND tỉnh cùng Tổ công tác và Thanh tra Chính phủ tiếp thu ý kiến của tất cả mọi người và sẽ có hướng xác minh, làm rõ những vấn đề mà người dân còn bức xúc để giải quyết hợp tình, hợp lý, tôn trọng tính lịch sử, tính đạo lý và trên cơ sở pháp luật. Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị bà con đang khiếu nại không nên vì sự bức xúc nhất thời,  nghe lời xúi giục của kẻ xấu mà “mắc bẫy”.

TRẦM QUỲNH DU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây