Tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh có đồng chí Nguyễn Thành Tâm - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Nguyễn Thanh Ngọc – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Nguyễn Thanh Phong – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo; các sở, ban, ngành, trường học; lãnh đạo UBND và Phòng Giáo dục và Đạo tạo, Trung tâm Giáo dục thường xuyên các huyện, thị xã, thành phố.
Lãnh đạo tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh
Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), nét nổi bật nhất trong năm học vừa qua là ngành đã thực hiện tốt mục tiêu kép đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 và hoàn thành kế hoạch năm học 2019 - 2020. Bộ GDĐT đã điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học; hướng dẫn tinh giản nội dung dạy học chương trình học kỳ 2 năm học 2019 - 2020 đảm bảo những nội dung cốt lõi, nền tảng; hướng dẫn các địa phương, cơ sở giáo dục dạy học qua internet và trên truyền hình; hướng dẫn các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm thực hiện việc dạy học trực tuyến, đào tạo từ xa trong thời gian học sinh, sinh viên nghỉ học ở trường để phòng, chống dịch Covid-19.
Đến thời điểm này, sau 2 đợt dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, gần 1,5 triệu giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các cấp và gần 24 triệu học sinh, sinh viên cả nước đều an toàn trước dịch bệnh. Các phương pháp, hình thức giáo dục mới được các thầy cô, các nhà trường sáng tạo, linh hoạt, nhất là trong dạy học trực tuyến, góp phần hoàn thành kế hoạch cả năm học và tạo tiền đề thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ trong ngành Giáo dục.
Thực hiện tốt mục tiêu kép tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 vừa đảm bảo sự nghiêm túc, khách quan, công bằng của Kỳ thi. Công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm những năm gần đây đã nền nếp, chất lượng hơn, giảm nhiều áp lực, tốn kém cho thí sinh và các trường so với trước đây. Các trường đại học, cao đẳng sư phạm đã phát huy tốt tinh thần tự chủ, mở rộng các phương thức tuyển sinh ngoài phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi tôt nghiệp THPT, như xét học bạ, xét tuyển thẳng, thi đánh giá năng lực... Qua đó góp phân nâng cao chất lượng đầu vào của các trường.
Triển khai Nghị quyết 88/2014/QH13 về đổi mói chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông, Bộ GDĐT đã thẩm định, phê duyệt 5 bộ SGK lớp 1 để các địa phương, cơ sở giáo dục lựa chọn, đưa vào giảng dạy. Lần đầu tiên Việt Nam có nhiều bộ SGK khác nhau theo cùng một khung chương trình giáo dục phổ thông thống nhất. Điều này đánh dấu thành công bước đâu của chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK, phá tan sự độc quyền trong công tác xuất bản, phát hành SGK như trước đây. Hiện nay, Bộ GDĐT đang tiến hành thẩm định SGK lớp 2, lớp 6 để phê duyệt đưa vào sử dụng từ năm học 2021-2022.
Đối với định hướng giai đoạn 2021 - 2025 và nhiệm vụ chủ yếu của năm học 2020 – 2021, Bộ trưởng Bộ GDĐT đã ban hành Chỉ thị toàn ngành Giáo dục tập trung thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 giải pháp cơ bản trong năm học 2020 - 2021. Trong đó, ưu tiên đẩy mạnh việc triển khai chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới; tiếp tục rà soát, bổ sung, bảo đảm đủ cơ sở vật chất và thiết bị dạy học; thẩm định, phê duyệt SGK các môn học và hoạt động giáo dục lớp 2, lớp 6 và tài liệu giáo dục địa phương theo lộ trình; xây dựng kế hoạch thực hiện việc bảo đảm SGK, bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; hướng dẫn, kiểm tra công tác chuẩn bị triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 2, lớp 6.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà ngành GDĐT đã đạt được trong thời gian qua. Đồng thời yêu cầu toàn ngành cần tập trung nâng cao hiệu quả đổi mới giáo dục; tiếp tục rà soát, bổ sung, bảo đảm đủ cơ sở vật chất và thiết bị dạy học; xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và địa phương trong việc quản lý, giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên; hạn chế trường chuyên lớp chọn, gây mất bình đẳng giáo dục; phát triển các chương trình đào tạo chất lượng, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới.
Hội nghị nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các tỉnh, thành phố giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, nâng cao chất lượng trong toàn ngành trong thời gian tới. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ Tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, các đại biểu tham dự Hội nghị; Quyết tâm khắc phục những tồn tại, hạn chế, thực hiện thành công sự nghiệp giáo dục và đào tạo.
Lệ Hoa