Các tổ báo cáo kết quả thảo luận |
Sáng 4.12, kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh bước vào phiên làm việc thứ 2. Trong ngày này, các đại biểu chia ra 3 tổ thảo luận, trong đó có các đại biểu khách mời và 6 cử tri tiêu biểu. Các đại biểu đã dành thời gian thảo luận, đóng góp ý kiến vào các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết.
Không khí thảo luận khá sôi nổi, nhiều ý kiến thiết thực có giá trị, được các đại biểu chuẩn bị khá chu đáo qua nghiên cứu hồ sơ và liên hệ với tình hình thực tế thuộc các lĩnh vực ở các địa phương trong tỉnh.
Tổng cộng có 61 lượt ý kiến phát biểu tập trung vào các vấn đề chính: Việc đánh giá mức tăng trưởng kinh tế cần phân tích cụ thể, nêu rõ nguyên nhân một số chỉ tiêu không đạt, nhất là nguồn thu từ nội địa, chỉ tiêu xóa nghèo. Làm rõ nguyên nhân diện tích cây trồng hàng năm và chăn nuôi gia súc, gia cầm giảm. Đánh giá đúng thực chất hoạt động của các HTX, nhất là các HTX nông nghiệp.
Thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp găp khó khăn một phần do nguyên nhân chủ quan từ chính sách ưu đãi, thủ tục rườm rà. Một số dự án đầu tư tiến độ thi công quá chậm, kém hiệu quả; Công tác quản lý đất đai, nhất là đất công, đất lâm nghiệp còn lỏng lẻo; việc khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng, san lấp gây nhiều phiền hà, dị nghị trong nhân dân…
Lĩnh vực văn hóa-xã hội được khá nhiều ý kiến góp ý tập trung vào các vấn để chính: Chế độ lương hưu của người cùng cấp, cùng chức vụ nhưng nghỉ hưu trước thấp hơn nhiều so với người hiện đương chức mới nghỉ hưu; việc dùng bằng Trung cấp Chính trị để xếp lương cho cán bộ xã là bất hợp lý; Phó chủ nhiệm UBKT Đảng ủy xã và Trưởng ban công tác Mặt trận ấp có phụ cấp quá thấp, cần điều chỉnh lên.
Chất lượng dạy học có biểu hiện chạy theo thành tích, việc dạy thêm, học thêm còn diễn ra chưa được xử lý nghiêm túc. Chất lượng khám chữa bệnh còn nhiều bất cập, nhất là khám chữa bệnh cho người có thẻ BHYT. Cần đánh giá đúng lượng người tham gia BHYT và nên thí điểm việc sử dụng “thẻ từ” trong quản lý việc khám, chữa bệnh cho nhanh chóng, tiện lợi.
Việc xét tiêu chuẩn gia đình văn hóa cần có sự chỉ đạo thống nhất và cần coi trọng thực chất, không nên chạy theo chỉ tiêu (số hộ). Hoạt động của các Trung tâm Văn hóa-học tập cộng đồng trang bị chưa đồng bộ, phụ cấp cán bộ thấp, không thu hút được người có chuyên môn. Quy định có trung tâm văn hóa tới cấp ấp cần xem lại, không nên dàn trải, chạy theo số lượng.
Cần đầu tư nâng cấp trang thiết bị, máy móc, dụng cụ cho các bệnh viện và Trung tâm huấn luyện TDTT của tỉnh, hiện đã quá hạn, cũ kỹ, không đảm bảo chất lượng.
Vấn đề môi trường cũng được nhiều đại biểu quan tâm, nhiều ý kiến nêu cần kiên quyết xử lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm; việc xử lý lục bình trên sông Vàm Cỏ cần có giải pháp lâu dài, như hiện nay chỉ là giải pháp “tình thế” không đạt yêu cầu; việc xử lý chất thải y tế cần đầu tư công nghệ cao…
Tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp, còn xảy ra nhiều vụ việc nghiêm trọng, đối tượng vi phạm ngày càng trẻ hóa là mối lo ngại của toàn xã hội, cần xác định trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể từ tỉnh đến khu dân cư đều phải vào cuộc nhằm khống chế và kéo giảm tệ nạn.
Công tác thi hành án dân sự quá chậm, số lượng án tồn còn nhiều, nhiều trường hợp có điều kiện thi hành án “cố lỳ” nhưng không bị cưỡng chế; Cần đổi mới hình thức tiếp xúc giữa đại biểu HĐND các cấp với cử tri; nên có cơ chế hợp lý để cử tri cung cấp và tiếp nhận thông tin từ đại biểu HĐND…
Theo BTNO