Ngày làm việc thứ 2: Quốc hội thảo luận về dự kiến chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh 2018 và dự án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

Thứ tư - 24/05/2017 17:00 85 0
Buổi sáng ngày làm việc thứ 2 của kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XIV (23.5.2017), Quốc hội đã nghe Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017; Tờ trình về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2018. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về 2 nội dung này.

Buổi chiều cùng ngày, Quốc hội đã nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Quốc hội thảo luận về dự kiến chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh 2018 và dự án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

Đại biểu tham gia thảo luận tại tổ- Ảnh quochoi.vn

Trong quá trình thảo luận, đa số ý kiến của các ĐBQH thống nhất với phạm vi điều chỉnh của dự án luật là Luật chủ yếu nêu những vấn đề mang tính nguyên tắc cốt lõi về nội dung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật, việc hỗ trợ cụ thể về thuế, đất đai và các chương trình hỗ trợ tín dụng sẽ do các luật và nghị định quy định.

Một số đại biểu băn khoăn về tính khả thi, tính cụ thể của luật chưa tạo ra điểm mới để các doanh nghiệp nhỏ và vừa yên tâm phát triển, cũng như các vấn đề xác định nguồn lực hỗ trợ như thế nào cho hiệu quả và hợp lý.

Nhiều ý kiến đồng tình với dự thảo luật lần này đã thu hẹp phạm vi đối tượng để tập trung hỗ trợ có trọng tâm và trọng điểm. Có ý kiến cho rằng không nên áp dụng luật này mà nên sửa các luật khác như Luật thuế, Luật đất đai và cũng nên cải cách thủ tục hành chính.

Đại biểu cũng bày tỏ sự lo lắng về việc mở rộng chính sách ưu đãi sẽ ảnh hưởng đến thu ngân sách nhà nước và tác động đến vấn đề nguồn lực. Nhiều ưu đãi sẽ dàn trải, nhất là trong điều kiện các ngân sách địa phương đang còn khó khăn, nên cũng cần làm rõ ngân sách trung ương hỗ trợ thế nào, ngân sách địa phương hỗ trợ thế nào. Có ý kiến phân loại doanh nghiệp nhỏ và vừa để có hình thức hỗ trợ cho phù hợp.

Các đại biểu cơ bản đồng tình với việc lựa chọn 3 tiêu chí, đó là tiêu chí về lao động, vốn, doanh thu và dự thảo luật chỉ quy định mức trần của các tiêu chí; tiêu chí cụ thể trong từng ngành, từng lĩnh vực sẽ do Chính phủ quy định để bảo đảm phù hợp với thực tiễn trong từng thời kỳ. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị bỏ tiêu chí về vốn, chỉ cần 2 tiêu chí là lao động và doanh thu.

Cũng có ý kiến cho rằng, nếu quy định cứng nhắc các tiêu chí trong luật sẽ khó thực hiện, nên căn cứ vào nguồn lực của nhà nước từng thời kỳ mà quy định tiêu chí; đại biểu đề xuất quy định doanh nghiệp phải chấp hành luật, nhất là những luật về bảo vệ môi trường và các luật khác mới được hỗ trợ.

Về các chính sách hỗ trợ cụ thể, các đại biểu nhất trí với quy định là có chính sách ưu tiên, ưu đãi về thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thấp hơn mức thuế phổ thông theo quy định của luật và việc hỗ trợ có thời hạn. Cũng có ý kiến đề nghị cần phải quy định cụ thể, không nên quy định chung chung; cần rà soát lại các chính sách hỗ trợ để đảm bảo tránh vi phạm các điều ước quốc tế như WTO, FTA; rà soát lại các chính sách hỗ trợ về tiền thuê đất, phí tư vấn, về một số chính sách khác như vấn đề giá thuê mặt bằng cũng như vấn đề chuyển giao công nghệ.

Về hỗ trợ tiếp cận tín dụng, các đại biểu đồng tình với quyết định giao Chính phủ quyết định chính sách hỗ trợ các tổ chức tín dụng tăng cho vay đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong từng thời kỳ. Song, trong luật cũng cần xem xét lại chính sách bảo lãnh tín dụng cho hợp lý.

 Về chức năng, nhiệm vụ và hiệu quả hoạt động của các Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa và Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, một số ý kiến thống nhất dự thảo luật chỉ quy định về 3 quỹ trong đó có 2 quỹ đang hoạt động và hình thành 1 quỹ mới.

Tuy nhiên, cần tiếp tục kiện toàn tổ chức và mô hình hoạt động của các quỹ để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có hiệu quả hơn. Cũng có ý kiến băn khoăn về tính khả thi của việc đầu tư 3% của các quỹ vào doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo và nếu thua lỗ, trách nhiệm như thế nào, cần làm rõ.

Vấn đề doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ được hưởng ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật đấu thầu khi tham gia mua sắm công, có ý kiến đại biểu tán thành nên tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng cũng có ý kiến nên theo cơ chế thị trường…

Tại hội trường, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Hôm nay (24.5), Quốc hội tiếp tục làm việc ở hội trường, thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13.

Theo Báo Tây Ninh Online

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây