Phát huy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”

Thứ sáu - 07/07/2017 15:00 72 0
70 năm qua (1947 - 2017), Ngày Thương binh, liệt sĩ đã đi vào lịch sử đất nước- thực hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa”. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục tôn vinh các liệt sĩ, gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, thanh niên xung phong, người có công với cách mạng.

Trân trọng đánh giá những cống hiến, hy sinh to lớn của đồng bào, chiến sĩ đối với Tổ quốc, biết ơn sâu sắc các gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng. Sự cống hiến, hy sinh của họ cho độc lập tự do của nhân dân là vô giá, không chỉ cho ngày hôm qua, hôm nay mà cho muôn đời con, cháu mai sau. Việc chăm sóc gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng là nghĩa vụ, trách nhiệm, niềm vinh dự của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và của tất cả mọi người, của thế hệ hôm nay và thế hệ mai sau.

Kể từ Sắc lệnh số 20/SL do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký và ban hành ngày 16 tháng 2 năm 1947 đặt “chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sĩ” đến nay Đảng và Nhà nước ta đã xây dựng và thực hiện thống nhất trong cả nước một hệ thống chính sách, chế độ đối với gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng, nhằm ghi nhận và tôn vinh thành tích; đền đáp một phần cống hiến hy sinh của đồng bào và chiến sĩ cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc…

Các chính sách, chế độ đối với gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng ngày càng được mở rộng về đối tượng (thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến, người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hoá học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh); các định mức trợ cấp đối với chính sách ưu đãi xã hội được mở rộng đối tượng và từng bước nâng cao; đa dạng hơn hình thức chăm sóc (chế độ nhà ở, ưu đãi thực hiện chính sách thuế, ưu đãi giáo dục, đào tạo và chăm sóc sức khoẻ…).

Việc ban hành và thực hiện Pháp lệnh “Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng” và Pháp lệnh “Quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước ” đã góp phần to lớn vào việc hoàn thành các nhiệm vụ chính trị của đất nước, góp phần ổn định xã hội, tác động sâu sắc làm tăng thêm tình cảm và trách nhiệm của các tầng lớp xã hội trong phong trào toàn dân chăm sóc người có công với cách mạng.

Đảng, Nhà nước ta có chủ trương, chính sách từng bước xây dựng và hoàn thiện hệ thống các trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng, an dưỡng nhằm đảm bảo và tăng cường chất lượng chăm sóc thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng...

Hàng năm Nhà nước dành một khoản ngân sách không nhỏ để thực hiện chính sách ưu đãi người có công, tuy nhiên so với nhu cầu và thực tế cuộc sống của người có công đòi hỏi sự chung tay chia sẻ của toàn xã hội. Đã xuất hiện Phong trào toàn dân chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, phong trào đã động viên mọi nguồn lực, trước hết là các nguồn lực tại chỗ để giúp đỡ những người có công với cách mạng. Đây là phong trào có quy mô lớn, trên diện rộng, có sức thu hút và lay động lòng người, đem lại những kết quả hết sức to lớn, thiết thực.

Nhiều phong trào thi đua yêu nước hướng tới mục tiêu chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng đã được tổ chức rất thành công. Tiêu biểu là phong trào “nhận đón thương binh, bệnh binh về gia đình, sắp xếp việc làm và nuôi dưỡng”, phong trào “người con hiếu thảo chăm sóc bố mẹ liệt sĩ”; các phong trào tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, xây dựng nhà tình nghĩa, xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa, phụng dưỡng ; phong trào Trần Quốc Toản- các cháu thiếu niên giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ… Các phong trào này diễn ra trên phạm vi cả nước, đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, các phong trào đã trải qua các thời kỳ cách mạng từ đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến nay và mang lại hiệu quả thiết thực. Từ phong trào này đã dần phát triển thành các chương trình lớn như: xây dựng nhà tình nghĩa; đón thương binh nặng về chăm sóc tại gia đình; nhận chăm sóc bố mẹ liệt sĩ cô đơn, trẻ em con liệt sĩ không nơi nương tựa; phụng dưỡng …

Nhà nước đã quyết định phong tặng và truy tặng gần 50 ngàn bà mẹ danh hiệu “Mẹ Việt Nam anh hùng”, phong trào phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng nhận được sự ủng hộ của toàn xã hội, có hơn 4 nghìn còn sống được các cơ quan, đơn vị, cá nhân nhận phụng dưỡng đến cuối đời với số tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng và hàng vạn thương binh nặng ở các trung tâm nuôi dưỡng được các địa phương đón về nuôi dưỡng tại gia đình. Nhiều tỉnh, thành phố đã phấn đấu đạt 100% xã, phường, thị trấn được công nhận làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ góp phần nâng cao đời sống gia đình chính sách khó khăn.

Việc tìm kiếm, xác minh, kết luận các trường hợp bị thương, hy sinh, tù đầy, mất tích, nhiễm chất độc hoá học….còn tồn đọng đã được tích cực, thể hiện sự trân trọng, biết ơn của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân. Công tác tìm kiếm, phát hiện, quy tập mộ liệt sĩ được chú trọng và thu hút được nhiều kết quả trên nhiều mặt, đáp ứng đúng yêu cầu tình cảm đối với thế hệ sau chiến tranh.

Phát huy tinh thần tự lực, tự cường của các gia đình chính sách

Các thương binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng là những người trải nghiệm sâu sắc cuộc sống, sống bản lĩnh và giàu khát vọng, có khả năng vươn lên làm chủ đời sống trong mọi tình huống.

Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể nhân dân và sự giúp đỡ nghĩa tình của xã hội, các gia đình chính sách có điều kiện để khắc phục khó khăn, vượt lên trên di chứng chiến tranh, phát huy sức mạnh tinh thần quả cảm, tạo lập cuộc sống an bình, hoà nhập cộng đồng.

Đã có nhiều tấm gương thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng trên nhiều lĩnh vực học tập, lao động sản xuất, kinh doanh và họat động văn hoá xã hội, vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho chính mình, làm giàu cho quê hương, đất nước, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phấn đấu trở thành những “Công dân kiểu mẫu”, “Gia đình cách mạng gương mẫu”, theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là những tấm gương sáng để mọi người noi theo.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác chăm sóc gia đình thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng

Công tác thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng là công tác lớn, rất quan trọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt các chủ trương, chính sách ưu đãi xã hội; động viên toàn dân tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn đối với các lão thành cách mạng, những người có công với cách mạng, người hưởng chính sách xã hội.

Việc thực hiện đầy đủ các chính sách ưu đãi xã hội cần gắn với việc không ngừng hoàn thiện chính sách, chế độ, giải quyết các tồn đọng bất hợp lý, sửa chữa sai lệch trong việc thực hiện chính sách, chế độ, xã hội hoá công tác này nhằm góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngày trong từng bước và từng chính sách phát triển.

Tiếp tục đẩy mạnh xã hội việc chăm sóc những người thuộc đối tượng chính sách ưu đãi xã hội nhất là về lao động, việc làm, nhà ở, chăm sóc y tế, giúp đỡ phương tiện đi lại, chăm sóc đảm bảo đời sống sinh hoạt và đáp ứng nhu cầu tâm lý, tình cảm, tập trung xây dựng phát triển quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” trên cơ sở phát huy tinh thần “Hiếu nghĩa bác ái”, đề cao tình thương và trách nhiệm, huy động mọi nguồn lực xã hội; đồng thời, coi trọng việc phân bổ, sử dụng quỹ đúng đối tượng, dân chủ, công bằng, minh bạch.

Chăm sóc hơn nữa con của các đối tượng hưởng chính sách ưu đãi xã hội, về học tập việc làm và đời sống; chú trọng giáo dục truyền thống cách mạng của đất nước, quê hương, gia đình để bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm, đạo đức cách mạng, hình thành nên lớp công dân mới ưu tú, xứng đáng với những hy sinh, công hiến vô giá của lớp lớp cha anh.

Nâng cao hơn nữa nghĩa vụ và trách nhiệm chính trị của các cấp uỷ đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc và các đoàn thể trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và vận động nhân dân thực hiện đầy đủ, đúng đắn các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng trong giai đoạn cách mạng mới; đảm bảo các đối tượng hưởng chế độ ưu đãi người có công có mức sống trên mức sống bình quân của xã hội; đẩy mạnh việc tìm kiếm, quy tập mộ liệt sỹ và chỉnh trang, tu bổ, xây dựng mới các công trình ghi công các liệt sĩ đáp ứng tốt hơn nhu cầu tình cảm, tâm linh.

Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp khả thi nhằm hoàn thiện hơn nữa các chính sách ưu đãi người có công; phát hiện và xử lý những bất hợp lý, chưa phù hợp hoặc không còn phù hợp với thực tế cuộc sống; đẩy mạnh cải cách hành chính trong thực hiện chính sách, kịp thời sơ kết, tổng kết các phong trào “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, phổ biến kinh nghiệm các ngành, các cấp, các địa phương; tăng cường quan hệ quốc tế, nhất là với hai nước Lào và Căm-pu-chia trong giải quyết các vấn đề liện quan tới thương binh, liệt sỹ và người có công với nước.

Tri Ân

(Nguồn xaydungdang.org.vn)


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây