Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm chủ trì phiên chất vấn
Sau khi nghe thông qua kết quả tổng hợp ý kiến của đại biểu thảo luận ở tổ, ý kiến giải trình của lãnh đạo các sở, ngành, phiên họp tiến hành phiên chất vấn.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Hiếu trả lời chất vấn
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Hiếu mở đầu phiên chất vấn với nội dung "Hiện nay, cử tri phản ánh rất nhiểu về tình trạng ô nhiễm trên sông Vàm Cỏ Đông, nguồn nước bị ô nhiễm nặng, chuyển sang màu đen thẫm, bốc mùi hôi thối. Đề nghị cho biết nguyên nhân nào? Biện pháp giải quyết vấn đề này trong thời gian tới?".
Lãnh đạo Sở đã phân tích 7 nguyên nhân khiến cho nước sông Vàm Cỏ Đông bị ô nhiễm, trong đó có nguyên nhân được cho là do biến đổi khí hậu; do cấu trúc địa chất vùng đất ven sông…
Giải pháp được đưa ra trong thời gian tới để bảo vệ nguồn nước, nguồn lợi thủy sản sông vàm Cỏ Đông là Sở sẽ tiếp tục chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện Kế hoạch bảo vệ môi trường nguồn nước sông, suối, ao, hồ, kênh, rạch trên địa bàn tỉnh Tây Ninh mùa khô năm 2020; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các nguồn thải công nghiệp; kiên quyết đình chỉ, xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; Duy trì thực hiện quan trắc chất lượng nước sông hàng năm, theo dõi thường xuyên diễn biến thông số tại các trạm quan trắc nước mặt tự động, liên tục trên địa bàn tỉnh, các vị trí quan trắc chất lượng nước sông có dấu hiệu bị ô nhiễm để kịp thời xử lý; Sớm xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung của thành phố Tây Ninh và một số thị trấn đông dân cư xả nước thải ra lưu vực sông. Hợp tác, phối hợp giữa Tây Ninh và một số tỉnh giáp biên giới của Campuchia trong việc Bảo vệ nguồn nước lưu vực sông Vàm Cỏ Đông.
Đại biểu Võ Văn Dũng chất vấn Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường
Đại biểu Lê Anh Tuấn chất vấn Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường
Chưa đồng ý với những nguyên nhân do Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đưa ra, các đại biểu đã tiếp tục chất vấn, đề nghị làm rõ hơn nguyên nhân chủ quan khiến cho nước sông bị ô nhiễm, nhất là trách nhiệm của ngành cùng với những giải pháp cụ thể, thiết thực hơn nữa. Cùng tham gia giải trình những vấn đề có liên quan đến nội dung chất vấn của Sở Tài nguyên và Môi trường còn có Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Nguyễn Tấn Tài và Giám đốc Sở Xây dựng Trương Văn Ngôn.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Đình Xuân trả lời chất vấn
* Trả lời câu hỏi chất vấn: "Công tác quản lý nhà nước về nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh; quy định pháp luật hiện hành, trách nhiệm của các cơ quan chức năng địa phương, biện pháp quản lý để vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, vừa tạo điều kiện phát triển ngành?", Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Đình Xuân cho biết, trên địa bàn tỉnh, hiện có 371 hộ chăn nuôi yến với 416 nhà nuôi chim yến trên địa bàn 9/9 huyện, thị xã, thành phố, tăng hơn gấp đôi so với năm 2019, tập trung chủ yếu tại các huyện: Dương Minh Châu (85 nhà), huyện Châu Thành (69 nhà), thị xã Trảng Bàng (68 nhà), Tân Châu (62 nhà) và huyện Tân Biên (61 nhà).
Có 166/416 nhà yến (chiếm gần 40%) được xây dựng trong khu vực nội thành, nội thị và khu dân cư, có 6 nhà yến bị khiếu nại, phản ánh về tiếng ồn loa dẫn dụ chim yến và phân chim vấy bẩn quần áo (thành phố Tây Ninh, thị xã Hòa Thành và thị trấn Châu Thành).
Tuy chưa có số liệu điều tra cụ thể nhưng ước tính có khoảng 50% nhà yến hoạt động có hiệu quả; nhưng bên cạnh đó vẫn còn tồn tại nhiều nhà nuôi chim yến được xây dựng trong đô thị, khu dân cư, trên đất nông nghiệp chưa đảm bảo quy định về việc xây dựng, sử dụng đất sai mục đích; việc sử dụng loa phóng phát âm thanh dẫn dụ chim yến, phân chim yến rơi vãi mất vệ sinh và mùi hôi xuất phát từ nhà yến làm ảnh hưởng nhất định đến cuộc sống, sinh hoạt bình thường của các hộ dân sống xung quanh.
Trước tình hình đó, Sở đã ban hành nhiều văn bản và tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này. Ngoài ra, còn phối hợp với các sở ngành khác hướng dẫn đảm bảo công tác an toàn dịch bệnh, an toàn trong chăn nuôi đối với loại hình này.
Với định hướng phát triển trong thời gian tới là tạo điều kiện để chăn nuôi và khai thác, chế biến tổ yến phát triển, tuy nhiên không phát triển ồ ạt, tự phát, thiếu kiểm soát về quy mô bởi (vì chim yến phát triển đàn cần phải có thời gian), song song đó tăng cường công tác quản lý chặt chẽ việc xây dựng mới nhà yến, chỉ cho phép xây dựng mới nhà nuôi chim yến khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về vùng nuôi, đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường; tập trung xử lý nhà yến xây dựng không đúng quy định, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân.
Đại biểu Trần Văn Hận chất vấn Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Với những phản ánh của cử tri, Sở tiếp tục đề ra giải pháp, trong đó, sẽ mạnh tay xử lý đối với chủ đầu tư các nhà yến thực hiện không đúng theo từng nội dung hoặc toàn bộ các hướng dẫn theo pháp luật đất đai, môi trường, xây dựng; ưu tiên phát triển nuôi chim yến tại các vùng nông thôn, đảm bảo điều kiện vị trí xây dựng, thuận lợi cho việc phát triển đàn chim yến như nguồn thức ăn, nguồn nước uống. Đáng lưu ý, đối với nhà yến đã xây dựng nằm trong khu vực nội thành, nội thị, khu dân cư không được sử dụng loa phóng, phát âm thanh theo quy định tại Nghị định số 13/2020/NĐ-CP và cần có thỏa thuận với các hộ dân liền kề xung quanh về cách thức đảm bảo vệ sinh môi trường.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai xây dựng dự thảo Nghị quyết HĐND tỉnh Quy định khu vực không được phép chăn nuôi, quy định vùng nuôi chim yến và chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, đăng ký chương trình thông qua Nghị quyết vào kỳ họp HĐND tỉnh lần 1/2021 (tháng 7/2021) để có đủ thời gian hoàn chỉnh, tạo điều kiện để Nghị quyết có tính khả thi cao và thật sự đi vào cuộc sống.
Giám đốc Sở Y tế Hoa Công Hậu trả lời chất vấn
* Giám đốc Sở Y tế Hoa Công Hậu trả lời nội dung chất vấn "Giải pháp để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; khắc phục tình trạng thiếu thuốc trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; hiệu quả sử dụng các trang thiết bị y tế được đầu tư tại các cơ sở y tế công lập?"
Theo Giám đốc Sở Y tế, đầu tư phát triển trang thiết bị y tế là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng phục vụ khám chữa bệnh, thời gian qua, đầu tư mua sắm trang thiết bị được xem xét nhằm vào hai mục tiêu chính. Một là mua sắm các trang thiết bị thiết yếu đáp ứng nhu cầu hoạt động thường xuyên, nằm trong khả năng sử dụng của các cơ sở y tế, mua sắm các chủng loại chưa có hoặc có mà chưa đủ số lượng phục vụ theo các quy định hướng dặn, hoặc thay thế bằng các trang thiết bị có tính năng cao hơn. Các trang thiết bị này hầu hết phát huy hiệu quả ngay sau khi được đầu tư.
Trường hợp thứ hai, theo quy định là hàng năm các cơ sở y tế phát triển thêm một số dịch vụ kỹ thuật mới, trong đó một số dịch vụ kỹ thuật cần được đầu tư trang thiết bị mới. Với trường hợp này, sở và đơn vị thụ hưởng đã có bước đánh giá toàn diện về hiệu quả.
Theo lãnh đạo Sở Y tế, có một số trường hợp khác do một số nguyên nhân ngoài dự kiến mà việc triển khai thực hiện chưa thật sự hiệu quả như mong muốn. Nguyên nhân được lý giải là do thay đổi chính sách về phân tuyến khám chữa bệnh, cụ thể như theo quy định của Chính phủ và Bộ Y tế về xây dựng nông thôn mới và xây dựng xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế, trạm y tế được đầu tư máy siêu âm, điện tim, xét nghiệm để thực hiện công tác khám chữ bệnh. Tuy nhiên, do quy định thông tuyến BHYT (từ tháng 3/2016), người dân có thể đi thẳng lên tuyến trên để khám chữa bệnh nên số bệnh nhân đến trạm y tế giảm nhiều, đồng thời các trung tâm y tế huyện, thành phố cũng phải điều động bác sĩ tuyến xã về hỗ trợ nên tần suất sử dụng trang thiết bị giảm nhiều.
Nguyên nhân nữa là do thay đổi về quy định đào tạo; do biến động về nhân lực. Lãnh đạo Sở Y tế cho rằng, trong hoàn cảnh nhân lực khó khăn kéo dài trong nhiều năm nay, ngành y tế luôn đối mặt với hoàn cảnh lưỡng nan: không có trang thiết bị thì không thu hút được bác sĩ; có trang thiết bị nhưng không có bác sĩ sử dụng, khai thác; bác sĩ nghỉ việc thì không thể bố trí ngay người thay thế; cộng thêm những biến động không lường trước được về chủ trương, chính sách,... Đây cũng là khó khăn chung của ngành y tể các địa phướng khác trên cả nước.
Cách thức phát triển phù hợp nhất hiện nay là phải vừa tranh thủ các nguồn vốn đầu tư vừa cố gắng sắp xếp, huy động trong phạm vi nhân lực hạn hẹp; vừa làm vừa điều chỉnh... Quá trình thực hiện vì vậy không phải lúc nào cũng đạt kết quả như ý muốn. Qua rà soát, điều chuyển giữa các đơn vị trong ngành, và qua công tác xem xét đầu tư chặt chẽ trong những năm gần đây, ngành Y tế cơ bản bảo đảm nhân lực khai thác, vận hành trang thiết bị được đầu tư, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, điều trị bệnh nhân; hỗ trợ cho các đơn vị phát triển các dịch vụ kỹ thuật mới, từng bước tăng dần tỷ lệ thực hiện các dịch vụ kỹ thuật theo quy định của Bộ Y tế.
Tới đây, Sở sẽ có phương hướng lâu dài trong kế hoạch phát triển về chuyên môn, kỹ thuật làm cơ sở chủ động chuẩn bị cơ sở vật chất, đào tạo nhân lực trước khi đề xuất đầu tư trang thiết bị để có thể đưa vào khai thác hiệu quả ngay sau khi được đầu tư. Xây dựng đề án thu hút hoặc thuê chuyên gia hỗ trợ phát triển các kỹ thuật chuyên sâu, các dịch vụ theo yêu cầu theo hướng xã hội hóa.
Đại biểu Lê Quang Tuấn chất vấn Giám đốc Sở Y tế
Đối với việc khắc phục tình trạng thiếu thuốc, nguyên nhân là do gặp khó khăn trong công tác đấu thầu thuốc, đến nay tình trạng thiếu thuốc, nhất là đối với thuốc khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT đã cơ bản được khắc phục.
Để không còn xảy ra tình trạng thiếu thuốc như thời gian vừa qua, thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục điều động, biệt phái viên chức ở các đơn vị hỗ trợ Bệnh viện Đa khoa tỉnh tổ chức lựa chọn nhà thầu; kiểm điểm, rút kinh nghiệm, cải tiến quy trình thực hiện; thay thế nhân sự không đạt yêu cầu. Khởi động sớm dự án đấu thầu mới ngay khi hoàn thành dự án đấu thầu; chỉ đạo các đơn vị nâng cao năng lực quản lý, điều hành cung ứng thuốc tại cơ sở; theo dõi chặt chẽ, dự báo kịp thời tình hình để sớm đề xụất các phương án điều chuyển thuốc phù hợp hoặc tổ chức mua sắm bổ sung nhanh theo quy định hiện hành.
Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm kết luận phiên chất vấn
* Kết thúc phiên chất vấn, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm - Chủ tọa kỳ họp đánh giá, các đại biểu đã làm việc hết sức khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, cơ bản hoàn thành các nội dung.
Tại phiên họp, thủ trưởng các sở, ngành đã trực tiếp trả lời các nội dung chất vấn của đại biểu HĐND và hầu hết những nội dung chất vấn đều xuất phát từ thực tiễn, những vấn đề bức xúc của đời sống xã hội, phản ánh khá đầy đủ ý kiến, nguyện vọng của cử tri, nội dung chất vấn có trọng tâm. Lãnh đạo các sở, ngành trả lời đã thể hiện được tinh thần trách nhiệm, cơ bản làm rõ những vấn đề mà đại biểu HĐND đặt ra, thẳng thắn nhìn nhận trách nhiệm, đề xuất được các giải pháp khắc phục những hạn chế khuyết điểm, tồn tại, vướng mắc.
Phiên họp diễn ra với bầu không khí chất vấn thẳng thắn, dân chủ, có trao đổi trên tinh thần cầu thị, tôn trọng lẫn nhau để nhận thức rõ hơn các vấn đề và đề ra các giải pháp mang tính khả thi, thiết thực hơn. Tuy nhiên, vẫn còn trường hợp các đại biểu đặt câu hỏi còn dài và chưa rõ ý, chưa đi vào trọng tâm. Có lãnh đạo sở, ngành trả lời chưa đi vào đi thẳng vào câu hỏi, chưa mạnh dạn nói đến trách nhiệm trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước được phân công.
Kết luận với từng nội dung, Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng, việc xử lý kiểm soát lục bình phương pháp hiện nay chưa hiệu quả, nhất là việc thu gom để lại số lượng lớn ngay trên sông nhưng ngành chủ quản và ngành chuyên môn không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, là nguyên nhân góp phần làm gia tăng ô nhiễm và thay đổi màu nước. Do vậy, trong thời gian tới, đề nghị Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng sớm có kết luận chính thức về nguyên nhân chính gây ra tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông Vàm Cỏ Đông năm nay và công bố, công khai cho người dân biết; phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương thường xuyên theo dõi chất lượng nguồn nước sông; tăng cường kiểm tra và giám sát chặt chẽ các nguồn xả thải, nhất là đối với hệ thống xử lý nước thải tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các cơ sở xả nước thải chưa xử lý hoặc xử lý chưa đạt chuẩn ra môi trường, xem xét đình chỉ hoạt động của các cơ sở kinh doanh không chấp hành nghiêm chỉnh quyết định xử phạt, tiếp tục tái phạm. Đồng thời, công khai kết quả xử lý để cử tri biết và cùng giám sát, cung cấp số điện thoại đường dây nóng để người dân kịp thời thông tin đến cơ quan chức năng có biện pháp ngăn chặn, xử lý hiệu quả.
Về vấn đề nuôi chim yến, Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng, nuôi và khai thác tổ yến là ngành chăn nuôi khá mới mẽ, góp phần đa dạng hóa ngành nghề chăn nuôi, một số hộ nuôi cho hiệu quả kinh tế cao, nhưng là nghề mới, nhiều vấn đề phát sinh, tiềm ẩn những rủi ro chưa thấy hết. Tây Ninh cũng là một trong những địa phương được đánh giá có tiềm năng phát triển chim yến. Vì vậy định hướng phát triển trong thời gian tới là tạo điều kiện để ngành chăn nuôi, khai thác và chế biến tổ yến phát triển; nhưng để phát triển bền vững, không tự phát, thiếu kiểm soát.
Do đó, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp ngành, địa phương liên quan tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo ngành, địa phương tăng cường quản lý chặt chẽ việc nuôi chim yến, nhất là hướng dẫn về đất đai, xây dựng, môi trường, quy định nơi được phép xây dựng, nơi không được phép xây dựng nhà nuôi chim yến đối với hộ gia đình, doanh nghiệp; kiên quyết xử lý các nhà nuôi chim yến xây dựng không đúng quy định pháp luật (về xây dựng, đất đai, môi trường, vệ sinh thú y…,) làm ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân.
Về nhóm vấn đề của ngành Y tế, Chủ tịch HĐND tỉnh ghi nhận, thời gian qua, ngành Y tế đã có nhiều cố gắng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, nhất là những nỗ lực và cống hiến của toàn thể cán bộ, nhân viên ngành y tế trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đảm bảo dịch bệnh không lây lan, phát triển ra cộng đồng.
Tuy nhiên, trong công tác khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập còn những hạn chế như: tình trạng thiếu thuốc trong khám chữa bệnh chậm được khắc phục triệt để; tình trạng trang thiết bị y tế được đầu tư khá nhiều nhưng hiệu quả sử dụng chưa cao; cử tri còn phiền hà về tinh thần, thái độ phục vụ của nhân viên y tế….
Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị Giám đốc Sở Y tế tiếp tục quan tâm triển khai quyết liệt các chỉ đạo của ngành để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tinh thần, thái độ phục vụ của nhân viên y tế, đáp ứng sự hài lòng của người dân.
Đối với vấn đề thiếu thuốc, cần có phương án chủ động đảm bảo nguồn cung ứng thuốc liên tục, kịp thời phục vụ nhu cầu người bệnh, không để xảy ra như tình trạng thiếu thuốc, vaccin như thời gian vừa qua. Trên cơ sở quy định pháp luật về đấu thầu, lập quy trình đấu thầu thuốc, trong đó xác lập, tính toán cụ thể thời gian hoàn thành mục tiêu đề ra và phải bảo đảm từ nay về sau không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc do chậm trễ trong đấu thầu. Đồng thời, cần kiểm soát chặt chẽ chất lượng thuốc do các đơn vị cung ứng để không ảnh hưởng đến quá trình điều trị của bệnh nhân.
Trang thiết bị y tế có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo và đưa các tiến bộ kỹ thuật vào bệnh viện để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Do đó, đề nghị Sở Y tế tiến hành rà soát, tổng hợp thực trạng trang thiết bị y tế, hiệu quả sử dụng tại từng cơ sở y tế công lập, nguyên nhân trang thiết bị được đầu tư nhưng hiệu quả sử dụng thấp, lãng phí kinh phí đầu tư, để tham mưu UBND tỉnh có giải pháp cụ thể khắc phục từng vấn đề nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng thiết bị y tế, tránh lãng phí nguồn ngân sách nhà nước đã đầu tư.
Chủ tọa Kỳ họp cũng đề nghị sau phiên chất vấn và trả lời chất vấn, các sở, ngành được chất vấn có những giải pháp cụ thể, thiết thực để thực hiện các vấn đề được cử tri và đại biểu quan tâm, đồng thời đề nghị Thường trực HĐND, Ban HĐND, đại biểu HĐND và cử tri cùng tham gia quá trình tổ chức thực hiện những vấn đề mà lãnh đạo các sở, ngành đã hứa tại Kỳ họp.
XV