Phiên chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh: "Nóng" chuyện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và giao thông vận tải

Thứ năm - 11/12/2014 00:00 75 0
Ngày 10.12, ngày làm việc thứ ba của kỳ họp thứ 13 HĐND tỉnh khóa VIII, HĐND tỉnh đã dành cả ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và hiện trạng hạ tầng giao thông vận tải được đại biểu đặc biệt quan tâm.

 

Giám đốc Sở NN-PTNT Vương Quốc Thới trả lời chất vấn.

Liên kết bốn nhà không đơn giản

Mở đầu phần trả lời chất vấn, ông Vương Quốc Thới- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, việc di dời khu dân cư quận 10 ở xã Tân Hòa, huyện Tân Châu và những hộ dân đang ở trên đất thuộc khu lịch sử văn hóa Chàng Riệc sẽ hoàn thành trong năm 2015.

Trước ý kiến cho rằng xây dựng nông thôn mới có dấu hiệu lãng phí, ông Thới cho biết những hạng mục, công trình xây dựng là tiêu chí bắt buộc theo quy định của trung ương.

Đối với việc hỗ trợ hộ nghèo, ông Thới cho biết đã xây dựng 2 nhà máy sản xuất bánh tráng ở huyện Dương Minh Châu và Hòa Thành, nhưng hiện nhà máy đặt ở huyện Dương Minh Châu không còn hoạt động vì kém hiệu quả.

Liên quan đến việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp Tây Ninh, ông Thới cho biết, UBND tỉnh đã chỉ đạo sơ kết 1 năm thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp. Về lộ trình tái cơ cấu, trước mắt sẽ tập trung sản xuất rau an toàn, hiện nay mỗi năm Tây Ninh cung cấp khoảng 300 ngàn tấn rau xanh. Tuy nhiên, sản xuất và tiêu thụ rau an toàn không đơn giản, riêng việc đưa rau vào siêu thị cũng gặp nhiều khó khăn.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, sản phẩm gia cầm hiện quá nhiều, cung đã vượt cầu. Vì thế, Tây Ninh đã và đang tập trung nuôi bò sữa.

Sau khi giải trình thêm một số vấn đề ngoài văn bản, đại biểu tiếp tục chất vấn lãnh đạo ngành nông nghiệp.

Đai biểu Nguyễn Thành Tuân đặt câu hỏi, hiện có bao nhiêu hộ ở khu dân cự quận 10 (Tân Châu) chấp nhận di dời, và còn bao nhiêu hộ chưa di dời? Đại biểu Nguyễn Văn Bênh nêu vấn đề: sản phẩm tinh chế như thế nào, thị trường ra sao? Việc liên kết bốn nhà, doanh nghiệp có thường hay phá vỡ hợp đồng với nông dân hay không?

Trả lời các câu hỏi, giám đốc Vương Quốc Thới cho biết, việc quy hoạch không đảm bảo tiến độ nên vấn đề di dời khu dân cư bị chậm. Liên quan việc hỗ trợ kinh phí cho những hộ dân ở khu vực cầu Sài Gòn, nguyện vọng của bà con là muốn ở lại chỗ hiện nay. Tuy nhiên, tỉnh vẫn phải di dời chỗ ở của các hộ dân này, và hỗ trợ mỗi hộ 400 mét vuông đất ở khu tái định cư.

Về tái cơ cấu, ông Thới nói, tiếp tục phát triển “hai cây một con” là cây rau, cây lúa và con bò sữa. Vẫn theo ông Thới, liên kết bốn nhà quả thực rất khó.

Chưa thỏa mãn với câu trả lời của Giám đốc Sở NN-PTNT, đại biểu Bênh tiếp tục đặt vấn đề: “Việc cho rằng quy hoạch không sát là không đúng. Cần phải thật sự quyết liệt chứ cứ như thế này thì bài ca muôn thuở”.

Kết luận phần chất vấn lãnh đạo ngành nông nghiệp, Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hùng Việt cho rằng thật sự chúng ta thiếu hẳn sự liên kết bốn nhà; sản phẩm chưa được tiêu thụ một cách có hệ thống, người tiêu dùng phải mua thực phẩm giá cao trong khi người sản xuất lại bán cho tư thương với giá rẻ. Chủ tọa kỳ họp đề nghị Giám đốc Sở NN-PTNN quan tâm hơn đến việc sản xuất rau, thu hẹp diện tích cây mì, mở rộng diện tích cây bắp. Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng cần có chính sách đủ mạnh để phát triển nền nông nghiệp. Đối việc xây dựng nông thôn mới, đề nghị hạn chế việc đập bỏ công trình xây dựng còn sử dụng được.

Trả lời chất vấn của đại biểu về việc xử phạt các công ty gây ô nhiễm môi trường, ông Nguyễn Đình Xuân - Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường cho biết không thể nói mức xử phạt là cao hay thấp mà phải đúng quy định của pháp luật.

Liên quan đến công tác cán bộ, giám đốc Xuân cho biết sẽ xử lý nghiêm những cán bộ thuộc cấp nhũng nhiễu.  Đối với việc cấp phát sổ đỏ, Tây Ninh đã cấp được 96%, tỷ lệ đất còn lại do nhiều nguyên nhân nên hiện rất khó cấp sổ đỏ.

Trước ý kiến về sạt lở bờ sông Vàm Cỏ, ông Xuân cho rằng việc dòng sông sạt lở có hai nguyên nhân: do con người khai thác và nguyên nhân tự nhiên (dòn sông nào cũng bên lở bên bồi). Từ đầu năm đến nay Sở Tài nguyên – Môi trường đã thực hiện 18 cuộc thanh tra, xử phạt các doanh nghiệp khai thác cát hơn 600 triệu đồng.

Đại biểu Đặng Thị Phượng và đại biểu Lâm Tấn Đông tiếp tục hỏi về Công ty TNHH MTV Quốc Anh khai thác cát. Theo đại biểu Phượng, việc khai thác cát thiếu khoa học không chỉ ảnh hưởng đến môi trường mà còn tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự. “Có hộ dân tuyên bố sẽ “xử” chủ khai thác cát nếu cơ quan chức năng không ngăn chặn những công ty khai thác cát ở gần nhà họ” – đại biểu Phượng cho biết.

Ông Xuân cho biết việc doanh nghiệp sai phạm trong khai thác cát là có, sắp tới doanh nghiệp sai phạm nặng sẽ xem xét rút giấy phép khai thác.

Theo đại biểu Võ Đức Trong thì việc san lấp những địa điểm khai thác vượt quá chiều sâu cho phép là không khả thi, vì muốn san lấp cũng đi khai thác đất ở chỗ khác để đổ vào. Giám đốc Xuân đồng ý với ý kiến của đại biểu Võ Đức Trong.

Trong phần giải thích thêm về vấn đề đo đạc đất, ông Xuân đề nghị không nên lạm dụng chuyện đo đạc, vì không phải cấp nào, cơ quan nào cũng có đủ máy móc và nhân lực để đo đạc đất, “giống như khám bệnh, cần mới chụp phim, không phải cứ thích là chụp”  giám đốc Xuân ví von.

Kết thúc phần chất vấn lãnh đạo Sở Tài nguyên – Môi trường, chủ tọa kết luận: Vấn đề công ty Sinh Thành xả thải gây chết rừng, cần tổ chức lực lượng phản ứng nhanh để ngăn chặn công ty xả thải, không để công ty lợi dụng trời mưa để xả nước thải. Chủ tọa yêu cầu lãnh đạo ngành phải thường xuyên kiểm tra hoạt động của doanh nghiệp Sinh Thành. Liên quan đến việc khai thác cát làm sạt lở sông Vàm Cỏ Đông, trên cơ sở trả lời chất vấn của lãnh đạo ngành tài nguyên – môi trường, chủ tọa kỳ họp khẳng định  nguyên nhân chính của hiện tượng sạt lở là do doanh nghiệp khai thác.

Nhiều vấn đề bức xúc về giao thông

Được phân công trả lời chất vấn, Giám đốc Sở GT – VT Bùi Công Sơn lần lượt trả lời các đại biểu xung quanh những vấn đề liên quan đến hạ tầng giao thông cũng như an toàn giao thông, vấn đề quy hoạch lộ giới chậm thực hiện.

Sau khi trả lời qua đọc văn bản, ông Bùi Công Sơn còn phải trả lời thêm rất nhiều câu hỏi do các đại biểu đặt ra. Đại biểu Võ Văn Dũng có ý kiến: vì sao đường 782, 784 vừa thi công xong đã sụt lún nghiêm trọng? Công việc quản lý như thế nào, trách nhiệm của ai? Đại biểu Dũng đề nghị: đoạn đường nào đi qua huyện đó thì cứ địa phương sửa chữa rồi Sở GT – VT thanh toán, như vậy có được không? Đại biểu Huỳnh Thanh Phương nêu việc đặt trạm cân có phát huy tác dụng không, có giảm được tai nạn giao thông không…

Ông Sơn cho biết, sau khi đặt trạm cân, xe tải né tránh, tuy có giảm được xe quá tải quá khổ nhưng nhà máy đường lại gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu vì doanh nghiệp vận tải không chịu chở mía vào nhà máy.

Trước ý kiến cho rằng quy hoạch giao thông chậm thực hiện, ông Sơn cho biết, theo quy định hiện hành, không có quy định nào lấy kiến người dân khi quy hoạch giao thông.

Về vấn đề bồi thường thiệt hại trong hành lang an toàn giao thông đường bộ, ông Sơn thông tin, việc này mới có quy định của Chính phủ cách nay chưa lâu nên chưa thực hiện được, tuy vậy dự báo sẽ rất tốn kém. Việc sửa chữa đường giao thông đã được phân cấp theo quy định, đường của tỉnh thì tỉnh sửa, đường trung ương thì trung ương sửa, không có quy định nào giao cho huyện dùng ngân sách tỉnh để sửa chữa đường.

Liên quan việc phản ánh gờ giảm tốc quá cao gây nguy hiểm cho người đi xe gắn máy, ông Sơn nói sẽ cho kiểm tra lại vấn đề này.

Đại biểu Nguyễn Văn Hùng nêu ý kiến về việc thu phí bảo trì đường bộ, qua hai năm chỉ thu được hơn 15%, vì sao lại như vậy? Hỏi xong ông Hùng tự trả lời: theo địa phương thì nếu khoản thu được để lại cho họ sử dụng thì mới tích cực thu, còn thu được đồng nào nộp đồng đó thì địa phương không mặn mà. Tuy vậy, đại biểu Hùng đề nghị Giám đốc Sở GT – VT cho biết giải pháp nào để thu phí đường bộ.

Giám đốc Sở GT-VT Bùi Công Sơn cho biết, việc thu phí xe gắn máy hai bánh sẽ được xem xét theo hướng để tiền thu được dùng vào việc xây dựng nông thôn mới.

Đại biểu Lê Minh Trọng nói, ông không chất vấn Giám đốc Sở GT-VT, chỉ muốn hỗ trợ thêm giám đốc trả lời. Theo ông Trọng, những bức xúc về giao thông của địa phương mà Bộ GT-VT không biết thì là do địa phương chứ không thể đổ lỗi cho Bộ. Sau ông Trọng, đại biểu Võ Hoàng Khải nêu vấn đề: chỉ sửa một cái nắp cống mà cũng phải làm tờ trình thì vô lý quá!

Kết luận vấn đề, chủ tọa đề nghị lãnh đạo ngành GT-VT chủ động sửa chữa ngay những điểm giao thông hư hỏng, không nên cái gì cũng chờ cấp trên. Về quy hoạch lộ giới, việc quy hoạch theo luật là đúng nhưng lại thiếu sự kiểm tra dẫn đến những bức xúc của người dân có liên quan… Về thu phí bảo trì đường bộ, chủ tọa cho rằng, mức thu đạt thấp là do chính quyền địa phương chưa quyết tâm, thiếu tích cực…

Chưa thể yên tâm với con số trong báo cáo

Sau khi nghe Giám đốc Sở LĐTB-XH Diệp Thị Hiệp giải trình bằng văn bản chuẩn bị sẵn về con số hằng năm giải quyết việc làm cho 20 ngàn lao động, đại biểu Lâm Tấn Đông tiếp tục nêu sự hoài nghi về con số vừa nêu.

Trả lời đại biểu Lâm Tấn Đông, bà Hiệp cho biết, con số hơn 20 ngàn lao động được giải quyết việc làm chỉ mới là con số ước. Tuy nhiên, bà Hiệp cũng cho rằng, con số này cũng chỉ có tính tương đối, riêng số lao động được đào tạo nghề là con số thật.

Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng, trong thời gian qua, ngành LĐTB-XH đã có nhiều cố gắng. Tuy nhiên, việc thống kê con số việc làm hằng năm thực tế không phải là số lao động đang làm việc ở các doanh nghiệp, chưa kể số lao động bị doanh nghiệp sa thải.

Làm gì để nâng cao tỷ lệ dân số tham gia BHYT?

Trước việc tỷ lệ dân số tham gia BHYT còn thấp, Giám đốc Sở Y tế Trần Văn Bé cho biết, để có được 75% dân số tham giam BHYT vào năm 2015 thì cần phải có thêm 200 ngàn người mua thẻ BHYT.

Chủ tọa kỳ họp đề nghị ngành Y tế phải xắn tay vào cuộc để cải thiện những tồn tại, yếu kém hiện nay của ngành, cũng như chấn chỉnh thái độ đối xử của nhân viên y tế với người có thẻ BHYT khi họ đi khám, chữa bệnh…

Theo BTNO

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây