Phiên họp thứ tư của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ

Thứ tư - 19/04/2023 17:00 173 0
Sáng ngày 19/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến đến Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Công bố Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2022 (SIPAS 2022), Chỉ số cải cách hành chính năm 2022 của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR INDEX 2022).

​Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh có: Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc - Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính tỉnh; Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Thị Thu Hiền và đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố.

phienhopt4-BCDCCHC-1.jpg 

phienhopt4-BCDCCHC-2.jpg 

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh

Thời gian qua, với sự cố gắng, nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, các thành viên Ban Chỉ đạo, công tác cải cách hành chính đã được triển khai quyết liệt, đồng bộ trên cả 6 nội dung công tác xây dựng pháp luật; cải cách thủ tục hành chính (TTHC); cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; chuyển đổi số, xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.

Việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh gắn với chuyển đổi số được đẩy mạnh, các bộ đã cắt giảm, đơn giản hóa gần 2.200 quy định kinh doanh tại 175 văn bản quy phạm pháp luật. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa gần hơn 1.000 quy định của 10 bộ, cơ quan. Các bộ đã công khai, cập nhật hơn 17.800 quy định kinh doanh. Chất lượng dịch vụ công trực tuyến được cải thiện, đã cung cấp hơn 4.400 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Đề án 06 được chỉ đạo, triển khai quyết liệt, trong quý I năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 03 Nghị quyết, 01 Chỉ thị, 01 Công điện với nhiều nội dung quan trọng để thúc đẩy triển khai. Đã cấp hơn 79,5 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử, kích hoạt trên 6 triệu tài khoản VNeID; hoàn thành tích hợp 21/25 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu. Đơn giản hóa TTHC nội bộ gắn với chuyển đổi số, đẩy mạnh phân cấp trong giải quyết TTHC được quan tâm, chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phân cấp 699/5.187 TTHC trên 100 lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của các bộ, ngành; các bộ, cơ quan ngang bộ đã thực thi phương án phân cấp 81 TTHC; rà soát, đơn giản hóa đối với 59 nhóm TTHC trọng tâm ưu tiên trên 12 lĩnh vực.

 phienhopt4-BCDCCHC-3.jpg

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Hà Nội

Bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như tiến độ xử lý văn bản quy phạm pháp luật để tháo gỡ các rào cản về thể chế, cơ chế, chính sách tại một số nơi còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu; TTHC trên một số lĩnh vực còn chồng chéo, nhiều rào cản, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Việc cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh còn chậm; chưa huy động được sự tham gia tích cực của hiệp hội, doanh nghiệp, người dân trong quá trình cải cách; tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn thấp (chiếm 57,8%), tỷ lệ hồ sơ xử lý quá hạn còn cao (gần 34%); số hóa hồ sơ, kết quả TTHC còn chậm…

Tại hội nghị, Bộ Nội Vụ đã công bố các chỉ số cải cách hành chính năm 2022. Theo đó, về chỉ số mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước của 63 tỉnh thành phố, dẫn đầu là tỉnh Quảng Ninh với 87.95%, tiếp đó là Thái Nguyên, Cà Mau, Bình Dương, Thanh Hóa. Về chỉ số cải cách hành chính năm 2022 của các bộ, cơ quan ngang bộ đứng đầu là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tư pháp, Bộ Tài Chính, Bộ Nội vụ, Bộ Thông tin và Truyền thông…

 phienhopt4-BCDCCHC-4.jpg

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, kịp thời rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, quy định pháp luật để tạo hành lang pháp lý, bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa cải cách TTHC với chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác cải cách TTHC, tạo thuận lợi, cắt giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chuyển đổi số quốc gia và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Cùng với đó, tập trung thực hiện các phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh, phương án phân cấp trong giải quyết TTHC đã được phê duyệt; đẩy mạnh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC, gắn kết việc số hóa với việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức và quá trình tiếp nhận, giải quyết TTHC của người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh tái cấu trúc quy trình, giải quyết TTHC trên môi trường điện tử.

TT

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây