Buổi sáng, Quốc hội đã nghe Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2018; dự thảo Nghị quyết về chương trình giám sát của Quốc hội năm 2018. Sau đó, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết này với 436 đại biểu tán thành, chiếm 88,80%
Tiếp đến, ông Vũ Hồng Thanh- Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, thay mặt Ủy ban thường vụ Quốc hội trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua dự án Luật này với 410 đại biểu tán thành, chiếm 83,50%.
Quốc hội đã tiến hành thảo luận ở hội trường về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015. Nhìn chung, nhiều đại biểu cho rằng Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015 do Chính phủ trình về cơ bản là đảm bảo các yêu cầu, điều kiện để Quốc hội phê chuẩn và đánh giá cao, thống nhất với kết quả kiểm toán ngân sách nhà nước năm 2015 của Kiểm toán nhà nước cũng như nhiều vấn đề được nêu trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính- Ngân sách.
Qua báo cáo quyết toán cho thấy, mặc dù quản lý ngân sách nhà nước đã có nhiều tiến bộ, song việc lập dự toán, chấp hành dự toán và quyết toán ngân sách Nhà nước vẫn còn nhiều tồn tại yếu kém xảy ra ở nhiều bộ, ngành và địa phương.
Đại biểu Quốc hội Phạm Đình Toản (tỉnh Hưng Yên) phát biểu tại hội trường- Ảnh quochoi.vn |
Chính sách tài khóa cả về thu, chi, bội chi cũng cần được rà soát hoàn chỉnh thêm. Công tác quyết toán cũng cần chặt chẽ, đúng hơn. Qua quyết toán cho thấy, việc chấp hành dự toán còn lỏng lẻo, kỷ luật tài chính chưa nghiêm, kể cả thu, chi và quản lý bội chi, quản lý nợ công và nổi lên nhất vẫn là khâu quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, thất thoát lãng phí, nợ đọng vẫn còn.
Nhiều đại biểu cho rằng, chi cho sự nghiệp giáo dục, y tế đạt thấp, theo báo cáo chỉ đạt từ 91% - 97% dự toán và các đại biểu lo lắng khi bội chi tăng dẫn tới nợ công tăng nhanh, các đại biểu yêu cầu kỷ luật tài chính phải được thực hiện nghiêm.
Về việc thực hiện các kiến nghị của kiểm toán nhà nước, nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ phải báo cáo rõ với Quốc hội các sai phạm và việc xử lý nghiêm các sai phạm.
Buổi chiều cùng ngày, Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua Luật Quản lý ngoại thương với 433 đại biểu tán thành, chiếm 88,19%.
Sau đó, Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Trong phiên thảo luận, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Lê Minh Hưng đã phát biểu giải trình làm rõ những vấn đề mà các đại biểu quan tâm.
Các đại biểu tham gia nhiều ý kiến vào nội dung của dự thảo và đề nghị Thường vụ Quốc hội chỉ đạo rà soát thêm các điều, các khoản trong dự thảo nghị quyết cho chặt chẽ và hợp lý.
Các đại biểu Quốc hội cũng thảo luận và góp ý kiến nhiều nội dung về tính pháp lý, thời hạn của dự thảo Nghị quyết; bổ sung quy định về xử lý nợ xấu trong các văn bản pháp luật liên quan; kết quả dự kiến đạt được và tác động xã hội khi triển khai Nghị quyết; phạm vi điều chỉnh, tên gọi, đối tượng áp dụng; khái niệm nợ xấu; phân loại nợ xấu; nguyên tắc xử lý nợ xấu; về phương thức bán nợ xấu theo giá thị trường; quyền thu giữ tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng; việc xác định hiệu lực của hợp đồng cho vay, bảo lãnh tài sản bảo đảm; cơ chế xử lý tranh chấp trong quá trình thu giữ tài sản bảo đảm; vấn đề kê biên tài sản bảo đảm của bên phải thi hành án; bổ sung người chứng kiến khi kê biên tài sản; về áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm tại Tòa án; về thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm; xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân gây ra nợ xấu; trách nhiệm của các cơ quan trong việc triển khai Nghị quyết...
Đặc biệt, các đại biểu nhấn mạnh cần phải làm rõ không dùng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu, đặc biệt không dùng khoản chi ngân sách để xử lý nợ xấu.
Các đại biểu cũng đặc biệt quan tâm và thảo luận nhiều về khái niệm nợ xấu. Hiện nay, đề xuất có 2 phương án: Một là phương án xử lý nợ xấu cho đến hết thời hạn 5 năm sau, từ ngày nghị quyết này ban hành.
Hai là giới hạn việc xử lý nợ xấu, nợ xấu đến thời điểm ngày 31.12.2016. Nhưng cũng có đại biểu đề xuất thêm phương án thứ 3, trong đó phương án này là phương án trung dung lấy thời điểm 31.12.2017.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết các phương án này sẽ được Ủy ban thường vụ Quốc hội gửi xin phiếu đại biểu Quốc hội để cho ý kiến.
Trong phiên họp chiều 12.6, Quốc hội cũng đã nghe Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc báo cáo dự kiến điều chỉnh chương trình làm việc của Quốc hội từ ngày 16.6 đến bế mạc kỳ họp và biểu quyết thông qua chương trình làm việc từ ngày 16.6 đến bế mạc kỳ họp (với tỷ lệ 86,97% đại biểu Quốc hội tán thành)
Hôm nay (13.6), Quốc hội nghe Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV.
Sau đó, phiên chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội được thực hiện đến ngày 15.6.2017, các phiên chất vấn và trả lời chất vấn được phát thanh và truyền hình trực tiếp để cử tri theo dõi.
Theo Báo Tây Ninh Online