Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch và Bộ trưởng Bộ Y tế

Thứ năm - 15/06/2017 10:00 82 0
Tiếp tục Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XIV, trong phiên chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch (nhóm vấn đề thứ hai), có 32 đại biểu đặt câu hỏi và 11 đại biểu tranh luận.

Trong phần trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ hai, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Chính phủ Đỗ Văn Chiến đã tham gia báo cáo giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề.

* Cần có giải pháp ngăn chặn sự xuống cấp của đạo đức xã hội và văn hóa ứng xử hiện nay

Trong phiên họp, các đại biểu Quốc hội tập trung chất vấn các vấn đề về công tác quản lý và cấp phép hoạt động văn hóa nghệ thuật còn có những sai sót, gây dư luận không tốt; việc quản lý lễ hội còn tình trạng buông lỏng dẫn đến bị lợi dụng để trục lợi gây phản cảm, lãng phí nguồn lực xã hội; việc quản lý khai thác các công trình văn hóa, thể thao kém hiệu quả, hệ thống thiết chế văn hóa thể thao tại các khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất chưa được coi trọng...

Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch và Bộ trưởng Bộ Y tế

Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện- Ảnh quochoi.vn

Tình trạng nhiều di tích bị xuống cấp, nhiều nhà văn hóa, thư viện thiếu trang thiết bị; đạo đức xã hội, văn hóa ứng xử bị suy giảm, chưa có giải pháp khắc phục rõ nét, công tác quy hoạch và quản lý du lịch còn nhiều bất cập; cơ chế, chính sách thu hút xã hội hóa đầu tư, phát triển du lịch chưa đáp ứng được yêu cầu về tiềm năng, lợi thế, sự phối hợp giữa các ngành trong quản lý du lịch còn kém hiệu quả…

Kết thúc phiên chất vấn đối với Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng tiếp tục quan tâm chỉ đạo, thực hiện quyết liệt các giải pháp để khắc phục những hạn chế bất cập, những vấn đề mà đại biểu Quốc hội đã chất vấn, ngành đã hứa, trong đó tập trung vào một số vấn đề lớn như sau:

Rà soát, sớm sửa đổi các quy định về việc quản lý tác phẩm cấp phép biểu diễn nghệ thuật, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính và phù hợp với thực tiễn; nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, nghệ thuật; đánh giá hiệu quả của hệ thống thiết chế văn hóa thể thao, thư viện để phát huy hiệu quả của các thiết chế này.

Có biện pháp cụ thể trong việc sử dụng có hiệu quả các công trình văn hóa, thể thao, trong đó quan tâm đến việc phục vụ cho hoạt động giáo dục thể chất trong nhà trường, nâng cao sức khỏe nhân dân, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao.

Rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật trong hoạt động tổ chức lễ hội. Sớm tham mưu trình Chính phủ ban hành văn bản về quản lý và tổ chức lễ hội, nghi thức, nghi lễ tổ chức hội nghị ngay trong năm 2017. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong các hoạt động văn hóa, đặc biệt là việc tổ chức lễ hội, hoạt động nghệ thuật biểu diễn.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo tồn, kế thừa và phát huy các giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc, phát huy hiệu quả mọi nguồn lực để làm tốt công tác bảo vệ, bảo tồn, trùng tu, tôn tạo di tích, di sản văn hóa, lịch sử.

Triển khai hiệu quả đề án nâng cao tầm vóc, sức khỏe người Việt Nam, tập trung xây dựng, chăm lo xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách, nhất là cho thế hệ trẻ, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, về ý thức tôn trọng pháp luật về lòng tự hào, tôn vinh lịch sử, văn hóa dân tộc, nâng cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu trong việc nêu gương người tốt, việc tốt. Phê phán, đấu tranh với những biểu hiệu sa sút về tư tưởng chính trị, vi phạm những chuẩn mực đạo đức, lối sống.

Sớm triển khai các quy định của Luật du lịch sau khi được Quốc hội thông qua. Nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, làm tốt công tác quản lý, hướng dẫn du lịch, bảo đảm hiệu quả, an ninh, an toàn. Chú trọng việc lập, thẩm định, phê duyệt, công bố và quản lý cũng như tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển du lịch. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch phát triển du lịch.

Đối với quy hoạch du lịch bán đảo Sơn Trà. Trên cơ sở cân nhắc mọi mặt, đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo, sớm có giải pháp xử lý phù hợp với quy định của pháp luật và quy hoạch phát triển chung của cả nước để cử tri, nhân dân Đà Nẵng và cả nước yên tâm.

* Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới; phát huy vai trò của hệ thống y tế cơ sở

Trong phần chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Y tế Trần Thị Kim Tiến (nhóm vấn đề thứ ba) đã có 49 đại biểu đăng ký đặt câu hỏi, 13 đại biểu tham gia tranh luận. Trong phần trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề này, Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Minh đã tham gia trả lời, giải trình thêm một số vấn đề liên quan.

Trong phiên chất vấn này, đại biểu Quốc hội Trịnh Ngọc Phương (tỉnh Tây Ninh) có ý kiến chất vấn Bộ trưởng như sau: Hiện vẫn còn nhiều phản ánh cho rằng giá thuốc tại Việt Nam đang ở mức cao hơn so với mặt bằng giá thuốc các nước trong khu vực.

Thậm chí ngay cả tại Việt Nam, vẫn có sự chênh lệch giá thuốc giữa các địa phương như truyền thông đại chúng đưa tin. Bên cạnh đó, thời gian qua, dù cho Bộ Y tế có thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo hướng đảm bảo tính đúng, tính đủ, nhưng khi giá thuốc tăng thì người bệnh vẫn phải trả chi phí tăng lên, trong khi đời sống của người dân nhiều nơi còn khó khăn. Đại biểu Trịnh Ngọc Phương đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế làm rõ các giải pháp để hạn chế ảnh hưởng này.

Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, thị trường giá thuốc của Việt Nam hoàn toàn đang ổn định và không tăng cao. Bộ trưởng cho biết, trong chỉ số giá tiêu dùng của những mặt hàng thiết yếu, thuốc vẫn đang đứng ở vị trí thứ 9, thứ 10, có nghĩa là không tăng đột biến. Hơn nữa, theo số liệu đánh giá độc lập gần đây của tổ chức quốc tế IMF, giá của thuốc biệt dược, thuốc gốc, generic của những bệnh như ung thư, tim mạch, tiểu đường thì thuốc của Việt Nam thấp hơn 10% so với giá thuốc 6 nước trung bình ASEAN.

Trong khi giá thuốc của các nước khác như Philippine, Thái Lan cũng đều cao hơn  nước ta từ 19-37%. Riêng đối với thuốc generic so với các nước trong ASEAN thì Việt Nam thấp hơn đến 33%, trong khi Philippin và Indonexia cao hơn 72% và 20%...

Các ý kiến chất vấn khác tập trung vào các vấn đề về hệ thống y tế cơ sở vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân trong tình hình mới; hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, công tác quản lý vật tư y tế còn nhiều bất cập, đội ngũ y tế còn thiếu về số lượng và hạn chế về chất lượng, văn hóa ứng xử và y đức tại một số cơ sở y tế chưa thực sự làm cho người dân hài lòng; cơ chế tài chính chưa đủ sức thu hút và khuyến khích phát triển y tế cơ sở, vẫn còn tình trạng vượt tuyến gây quá tải ở tuyến trên, lãng phí ở tuyến dưới; quản lý giá thuốc, bán thuốc chữa bệnh cơ bản không có đơn, tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh còn phổ biến, công tác quản lý thuốc nam, thuốc đông y, thực phẩm chức năng chưa chặt chẽ; còn tình trạng trục lợi, quỹ bảo hiểm y tế để xảy ra một số sự cố về y tế ở các tuyến gây lo lắng cho nhân dân; tình trạng lạm dụng kỹ thuật cao và không thừa nhận kết quả trong xét nghiệm chung của các cơ sở y tế đã gây lãng phí, khó khăn cho người bệnh…

Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch và Bộ trưởng Bộ Y tế

ĐBQH Trịnh Ngọc Phương (tỉnh Tây Ninh) có ý kiến chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế- Ảnh quochoi.vn

Kết thúc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng đây là nhiệm kỳ thứ 2 của Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, nên Bộ trưởng đã có điều kiện, có kinh nghiệm, nắm chắc được tình hình, thực trạng những vấn đề bức xúc thuộc lĩnh vực ngành Y tế quản lý. Bộ trưởng đã nỗ lực, quán xuyến, điều hành, tiếp tục thực hiện những giải pháp đã đặt ra từ nhiệm kỳ trước.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng, Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam nghiên cứu tiếp thu đầy đủ nghiêm túc ý kiến của đại biểu Quốc hội, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ khắc phục những tồn tại, hạn chế, trong đó tập trung triển khai đầy đủ, đồng bộ quy định của pháp luật về công tác khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Tiếp tục thực hiện các đề án, các chương trình đã triển khai trong thời gian vừa qua, đồng thời có các giải pháp mang tính tổng thể, dài hơi, căn cơ, quyết liệt trong chỉ đạo, để thực hiện khắc phục những tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực y tế.

Tiếp tục đổi mới phương thức quản lý cơ chế tài chính tại các bệnh viện, triển khai hiệu quả đề án giao quyền tự chủ cho các cơ sở y tế công lập, gắn với nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Sử dụng có hiệu quả cơ sở hạ tầng, trang thiết bị các cơ sở y tế nhất là các bệnh viện tuyến huyện, bệnh viện khu vực mới được đầu tư. Thực hiện tốt phối hợp lồng ghép giữa các đơn vị y tế, các tuyến y tế, các chương trình y tế giữa lĩnh vực điều trị và dự phòng.

Tăng cường quản lý và phát huy vai trò của y tế tư nhân, khám chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền, phát triển nuôi trồng dược liệu, công nghiệp dược phẩm để có sản phẩm thuốc tốt cho người Việt Nam sử dụng. Tăng cường điều động, luân chuyển, đãi ngộ thu hút cán bộ y tế về công tác tại tuyến cơ sở, công tác đào tạo hỗ trợ và chuyển giao kỹ thuật cho y tế cơ sở nhằm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của người dân tại địa phương.

Giảm tình trạng quá tải ở các bệnh viện Trung ương, phấn đấu từ năm 2020 trở đi không còn tình trạng quá tải ở bệnh viện. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc bảo đảm chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân, đặc biệt bằng nguồn bảo hiểm y tế.

Triển khai hiệu quả đề án tăng cường năng lực hệ thống chất lượng xét nghiệm y học, sớm liên thông kết quả xét nghiệm đối với các cơ sở y tế. Tiếp tục cải tiến quy trình, thủ tục hành chính khám bệnh, chữa bệnh và cơ chế kiểm soát để nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh. Thực hiện tốt quy chế ứng xử của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh.

Tăng cường thanh tra kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực y tế. Sử dụng có hiệu quả không để xảy ra thất thoát, lãng phí nguồn lực đầu tư cho y tế, khuyến khích xã hội hóa đầu tư cho y tế theo quy định của pháp luật, tránh việc lợi dụng để trục lợi.

Hoàn thiện các chính sách cơ chế liên quan đến tổ chức và hoạt động của hệ thống y tế cơ sở, nhất là y tế tuyến huyện, xã theo hướng tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả thông qua các mô hình tiên tiến.

Tăng cường hỗ trợ y tế khám, chữa bệnh ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thực hiện tốt quy định về thông tuyến, nhưng phải chú trọng chất lượng của các cơ sở.

Sớm sửa đổi quy định về đấu thầu trong mua thuốc biệt dược. Thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật, cải cách hành chính về đấu thầu thuốc chữa bệnh để tiết kiệm chi phí. Triển khai các giải pháp để quản lý chặt chẽ giá thuốc nhất là việc bán thuốc theo đơn.

Rà soát đánh giá việc sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, công tác khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế để khắc phục được những tiêu cực hạn chế trong vấn đề này…

Theo Báo Tây Ninh Online

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây