Quyền con người và quyền dân tộc trong bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2.9.1945

Thứ sáu - 18/08/2017 10:00 147 0
Chỉ khi giành được độc lập dân tộc thì quyền dân tộc tự quyết và bình đẳng mới được thực hiện, mỗi dân tộc và mỗi con người mới được hưởng tự do và những quyền cơ bản của một con người.

Quyền con người và quyền dân tộc trong bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2.9.1945

Tinh thần Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9 bất diệt.

Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược và từng bước thiết lập bộ máy thống trị ở Việt Nam, biến nước ta từ một quốc gia phong kiến thành thuộc địa nửa phong kiến. Trải qua hơn 80 năm bị thực dân, đế quốc đô hộ, nền độc lập của dân tộc ta bị xâm phạm, mọi quyền tự do, dân chủ của nhân dân đều bị tước đoạt.

Trong Bản án chế độ thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn lời của một quan chức Pháp, ông Vi-nhê Đốc-tông: “Pháp luật, công lý đối với người bản xứ ư? Thôi đi! Chỉ có ba toong, súng ngắn, súng dài mới là những thứ xứng đáng với lũ dòi bọ ấy”.

Thực dân Pháp đã thi hành những luật pháp dã man nhất, tàn khốc nhất, như đã được chỉ ra trong Tuyên ngôn độc lập: “Chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào… Chúng thi hành những luật pháp dã man… Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta…

Chúng bóc lột dân ta đến tận xương tuỷ”. Dưới chế độ thực dân, người dân Việt Nam hoàn toàn không có quyền gì, trừ quyền đóng thuế cho mẫu quốc.

Tháng 9.1940 khi phát xít Nhật vào Đông Dương, thực dân Pháp đã bán nước ta cho Nhật. Nhân dân ta lại bị thêm một tầng áp bức, bóc lột, phải sống trong cảnh một cổ hai tròng. Do chính sách của thực dân, phát xít, năm 1944-1945, hai triệu đồng bào ta đã bị chết đói. Rõ ràng là, khi đất nước bị đô hộ, quyền con người đối với nhân dân Việt Nam trở thành một điều xa xỉ và không tưởng. 

Vì lẽ sinh tồn, toàn dân tộc Việt Nam phải đứng lên đấu tranh để giành lại quyền sống, quyền được hưởng tự do độc lập. Bằng cuộc tổng khởi nghĩa long trời lở đất mùa thu năm 1945, nhân dân ta đã xoá bỏ ách thống trị của thực dân, phong kiến, mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc: kỷ nguyên độc lập dân tộc và CNXH; người dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ xã hội, làm chủ vận mệnh của mình. Ngày 2.9.1945, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, công bố với toàn thể quốc dân và thế giới sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà.

Mở đầu bản Tuyên ngôn, Người trích dẫn Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

Người cũng trích Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền năm 1791 của cách mạng Pháp: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn bình đẳng về quyền lợi”.

Bằng cách dẫn lại những “lẽ phải không ai chối cãi được” ấy, bản Tuyên ngôn độc lập không chỉ nhằm lên án chế độ phát xít, thực dân đã tước đoạt những quyền con người của nhân dân Việt Nam mà còn nhằm xác nhận rằng, quyền của con người chính là nền tảng của quyền một dân tộc.

Theo đó, “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Nước không được độc lập, tất yếu dân không thể có tự do.

Chỉ khi giành được độc lập dân tộc thì quyền dân tộc tự quyết và bình đẳng mới được thực hiện, mỗi dân tộc và mỗi con người mới được hưởng tự do và những quyền cơ bản của một con người.

Thay mặt quốc dân, đồng bào, Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên bố: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”. Lời khẳng định thật đanh thép, thể hiện rõ quyết tâm của cả dân tộc sẵn sàng chấp nhận mọi hy sinh, mất mát để bảo vệ thành quả quý giá nhất, lớn lao nhất vừa giành được.

Giữ vững lời thề độc lập, ngay sau khi cuộc mít tinh kết thúc, ngày 3.9.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì cuộc họp của Chính phủ, đề ra những nhiệm vụ cấp bách nhằm thực hiện quyền con người: cứu đói, chống giặc dốt, xoá bỏ những thứ thuế bất hợp lý do thực dân Pháp áp đặt, ban hành những quyền tự do dân chủ cho nhân dân, chuẩn bị tổng tuyển cử, thực hiện nam nữ bình đẳng, tự do tín ngưỡng...

Đặc biệt, sự ra đời của bản Hiến pháp năm 1946 đánh dấu một bước tiến quan trọng về thực hiện dân chủ và quyền con người, quyền công dân ở Việt Nam. Tiếp đó, dân tộc Việt Nam phải trải qua 30 năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, mục đích không gì khác là để bảo vệ những giá trị về quyền con người và quyền độc lập, tự do cho dân tộc.

Ngày nay, trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đất nước ta tiếp tục đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đó chính là sự kế thừa và phát triển những thành quả đã đạt được về thực hiện quyền con người ở Việt Nam trong điều kiện mới.

Đáng tiếc là, thời gian qua, các thế lực thù địch trong và ngoài nước liên tục dựng lên cái gọi là “thực trạng vi phạm quyền con người” ở Việt Nam.

Họ còn rêu rao, cổ xuý cho những quan điểm mơ hồ như “nhân quyền cao hơn chủ quyền”, “nhân quyền không biên giới”, “lợi ích cá nhân cao hơn lợi ích cộng đồng, lợi ích quốc gia” nhằm tạo cớ can thiệp vào công việc nội bộ, thậm chí kêu gào thay đổi chế độ ở Việt Nam.

Đó là những luận điệu không mới, thậm chí cũ rích, được nhai đi nhai lại nhưng không thể lừa bịp được ai. Thực tế là, nhân dân Việt Nam đã và đang được sống trong độc lập, tự do, dân chủ với tất cả quyền con người của mình.

Dân tộc Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, luôn kiên định và giữ vững niềm tin vào thắng lợi tất yếu của con đường đi lên CNXH đã được Đảng và nhân dân ta lựa chọn.

Trong không khí hào hùng của mùa thu lịch sử, nhắc lại Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa để khẳng định rằng, vấn đề quyền con người, quyền dân tộc luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, coi đó là một chân lý không gì có thể thay đổi được. Ai đó cũng như các thế lực thù địch của cách mạng Việt Nam muốn “chọc gậy bánh xe”, mưu toan xuyên tạc, thay đổi chân lý đó, nhất định sẽ thất bại, nhất định sẽ bị lịch sử lên án và đào thải.

Theo Báo Tây Ninh Online

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây