Các đồng chí chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân; Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Mai Văn Chính chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội.
Tham dự tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh, có đồng chí Nguyễn Thanh Ngọc - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh và lãnh đạo Sở Nội vụ, Ban Tổ chức Tỉnh ủy.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh
Đề án “Thí điểm đổi mới cách tuyển lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng” được thực hiện theo chủ trương mới của Đảng “về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chiến lược cán bộ từ nay đến năm 2020”. Qua thực hiện thí điểm nhằm phát hiện, thu hút, trọng dụng những người có đức, có tài, phát huy được phẩm chất, trình độ, năng lực, kinh nghiệm công tác đóng góp trí tuệ, sức lực cho sự phát triển bền vững của đất nước; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng; góp phần thực hiện tốt Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh; từng bước đổi mới quy trình bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Đề án được triển khai thực hiện thí điểm tại 14 cơ quan Trung ương và 22 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về đổi mới phương thức tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp Vụ, cấp sở, cấp phòng.
Theo báo cáo, trong 14 cơ quan Trung ương thuộc diện thí điểm thực hiện Đề án, đã có 12 cơ quan đã tổ chức thi tuyển 29 chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp vụ và cấp phòng, có 42 ứng viên trúng tuyển (cấp vụ có 32 ứng viên; cấp phòng có 10 ứng viên). Trong 22 địa phương thuộc diện thí điểm thực hiện Đề án, có 17 địa phương đã tổ chức thi tuyển 86 chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp sở và cấp phòng, có 368 ứng viên trúng tuyển (cấp sở có 33 ứng viên; cấp phòng có 335 ứng viên).
Qua kết quả cho thấy, việc thí điểm chọn, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị thông qua thi tuyển là chủ trương đúng đắn của Đảng cần tiếp tục được thực hiện thí điểm, đúc rút kinh nghiệm và chuẩn bị những điều kiện cần thiết để thực hiện ở các địa phương, tổ chức, cơ quan, đơn vị trong cả nước.
Những người trúng tuyển, được bổ nhiệm vào vị trí cán bộ lãnh đạo, quản lý đều thực sự là những người có đức, có tài làm chuyển biến mọi mặt của tổ chức, cơ quan, đơn vị người đó lãnh đạo, quản lý, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức, cơ quan, đơn vị.
Thực hiện tốt việc thi tuyển chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị thông qua thi tuyển là môi trường và dịp tốt để rèn luyện, nâng cao khả năng tư duy mới, năng lực tổ chức thực tiễn trong đổi mới phương thức công tác cán bộ nói chung và đổi mới phương thức lựa chọn cán bộ nói riêng của các cấp ủy, để công tác cán bộ có chất lượng, hiệu quả hơn xứng đáng là khâu then chốt của nhiệm vụ then chốt - xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong giai đoạn hiện nay;
Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Mai Văn Chính phát biểu ghi nhận các ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, trong đó cơ bản thống nhất với báo cáo và còn phân tích rõ thêm những ưu điểm, hạn chế, cũng như những nguyên nhân và đề xuất biện pháp xử lý, nhất là những khó khăn, vướng mắc về thiết kế nội dung thi, hình thức thi tuyển cho phù hợp, đề xuất rút gọn quy trình, quy chế kiểm tra giám sát cho đúng thực chất và bảo đảm nghiêm túc...
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đánh giá cao sự cố gắng của các cơ quan trung ương và địa phương được chọn thực hiện thí điểm chủ trương này trong 3 năm qua, nhất là đánh giá rất cao về chất lượng của cán bộ lãnh đạo, quản lý qua thi tuyển đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Với các ý kiến đóng góp, Ban Tổ chức Trung ương và Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi bổ sung hướng dẫn để hoàn thiện việc tổ chức thực hiện đề án này. Đồng thời sẽ có kiến nghị với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ có những nội dung hướng dẫn.
Bộ trưởng cho rằng, qua thực hiện thí điểm cho thấy, cần có đổi mới về phương thức tuyển chọn, mà hình thức thi tuyển là một trong những nội dung đổi mới đó. Ngoài ra, cần rà soát lại quy trình thủ tục của các phương pháp bổ nhiệm sau thi tuyển và đơn giản hóa thủ tục hành chính trong thực hiện Đề án. Bộ trưởng nhấn mạnh: “Thí điểm không làm thay trách nhiệm của tổ chức Đảng và không làm thay đổi các tiêu chuẩn của chức danh”. Đó là vấn đề cần lưu ý.
Bên cạnh những kết quả bước đầu, còn nhiều bất cập cần rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện thí điểm, vẫn còn 2 cơ quan trung ương và 5 địa phương đã được chọn thực hiện thí điểm nhưng vẫn chưa triển khai thực hiện, Bộ trưởng đề nghị, vẫn tiếp tục thực hiện đến khi có kết luận mới của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Bộ trưởng lưu ý, đối tượng tham gia thi tuyển bổ nhiệm lần đầu đối với chức danh lãnh đạo quản lý là công chức, viên chức, không thực hiện đối với cán bộ (do được bầu cử theo nhiệm kỳ) và không thi tuyển chức danh bổ nhiệm lại. Đồng thời, Bộ trưởng cũng giải thích thêm những vướng mắc, trong đó thống nhất sẽ thực hiện bảo lưu kết quả, đơn giản hóa thủ tục từ thi hai vòng, (vòng điều kiện, vòng bảo vệ đề án, vấn đáp), sẽ còn thi một vòng (bảo vệ đề án) để giảm bớt thủ tục; xem xét giảm số lượng Ban Thường vụ cấp ủy tham gia thành phần hội đồng thi tuyển và về kinh phí tổ chức thi tuyển.
Quỳnh Như