Sơ kết 5 năm thực hiện đề án xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Thứ tư - 27/06/2018 17:00 314 0

Sau 5 năm triển khai thực hiện Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 09/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 1490/QĐ-UBND ngày 01/7/2014 của UBND tỉnh việc ban hành kế họach xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đọan 2014-2020, tỉnh Tây Ninh đã chỉ đạo các cấp các ngành tổ chức triển khai tốt các nội dung trong Đề án; đồng thời Ban chỉ đạo xây dựng xã hội học tập các cấp thực hiện tốt vai trò của mình, xây dựng được nền móng cơ bản, vững chắc để tiếp tục thực hiện, nâng cao chất lượng các nội dung của Đề án.

Theo báo cáo số 1280 của Sở GD&ĐT, hàng năm, ngành giáo dục và đào tạo phối hợp với Hội Khuyến học các cấp chỉ đạo các cấp Hội Khuyến học và các trung tâm VHTT-HTCĐ tổ chức triển khai nhiều chuyên đề, thông qua hình thức hội nghị, hội thảo, họp với nội dung tuyên truyền, giải thích về xã hội học tập, lợi ích của việc học tập suốt đời, nêu gương người tốt việc tốt trong phong trào khuyến học, khuyến tài và các giải pháp thực hiện hướng nghiệp, phân luồng học sinh, tạo điều kiện và cơ hội học tập suốt đời cho người dân, chống bỏ học tại địa phương, vận động đóng góp kinh phí hỗ trợ khuyến học, khuyến tài.

Thông qua nhiều hình thức tuyên truyền như "Bản tin Công đoàn Tây Ninh" được phát hành 1 quyển/ tháng và Chương trình phát thanh công đoàn bình quân 1.000 giờ phát thanh/tháng của Liên đoàn lao động tỉnh, huyện, thành phố về ý nghĩa của xã hội học tập, lợi ích của việc học tập suốt đời cho công nhân lao động toàn tỉnh có hiểu biết để tích cực tham gia học tập; đồng thời vào tháng 10 hàng năm, UBND tỉnh chủ trì tổ chức phát động tuần lễ hưởng ứng phong trào học tập suốt đời rầm rộ trên tất cả 9/9 huyện, thành phố theo các chủ đề dưới sự chỉ đạo và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và đào tạo.

Kết quả từ năm 2012-2017, toàn ngành đã tổ chức được 283 lớp bồi dưỡng với 33.012 người tham dự. Ngoài ra, hàng năm ngành GD&ĐT đã tổ chức cho hơn 12.000 giáo viên và cán bộ quản lý học tập bồi dưỡng thường xuyên theo quy định của Bộ GD&ĐT. Tính đến đầu năm 2017, tổng số cán bộ, công chức, viên chức các cấp của tỉnh là 22.006 người (cấp tỉnh, cấp huyện: 19.893, cấp xã: 2.113). Công tác đào tạo bồi dưỡng từng bước đi vào nề nếp theo yêu cầu chuẩn hóa, nâng cao chất lượng cán bộ, phục vụ cho nhiệm vụ trước mắt và lâu dài; chú trọng công tác đào tạo cán bộ, diện quy hoạch gắn với phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng, phát huy nhân tài để xây dựng đội ngũ cán bộ, lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của địa phương; khuyến khích cán bộ tham gia đào tạo các lớp sau đại học. Việc học tập nâng cao trình độ về mọi mặt đã tạo được ý thức tự giác trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của từng cấp, từng ngành.

Về thực hiện nhiệm vụ thường xuyên, kết quả từ năm 2010 đến tháng 06/2017 đã đào tạo, bồi dưỡng trên 15.000 lượt cán bộ; trong đó: sau đại học: trên 261 lượt; chuyên môn, nghiệp vụ: đại học, cao đẳng: trên 982 lượt; lý luận chính trị: cử nhân, cao cấp: 471 lượt, trung cấp: trên 3.047 lượt; bồi dưỡng nghiệp vụ, quản lý nhà nước: 1.090 lượt; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ 8.926 lượt.

Đối với cán bộ, công chức cấp xã đã được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; trung bình hàng năm có khoảng trên 1.000 cán bộ, công chức cấp xã được bồi dưỡng cập nhật kiến thức theo các chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng của các cấp, ngành. Giai đoạn 2014-2017, công chức cấp xã đạt tiêu chuẩn chức danh theo quy định, đối với hững người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được đào tạo trung cấp lý luận chính trị: 886/4.486, đạt 19,75% (kế hoạch đến năm 2015 đạt 20%); Cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách cấp xã ở xã khu vực biên giới biết viết, biết nói tiếng khmer: 356/1.776, đạt tỷ lệ 20,05% (kế hoạch đến năm 2015 đạt 50%).

Đề án tạo nguồn chức danh Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2010 – 2020: đã tổ chức được 02 lớp với số lượng 65 học viên;

Đề án đào tạo cán bộ, công chức, viên chức trình độ sau đại học tại các cơ sở nước ngoài giai đoạn 2010 – 2015: đã cử đi học và hỗ trợ kinh phí cho 02 trường hợp học Tiến sĩ ở Trung Quốc, 01 tiến sĩ theo Đề án 165 tại Úc (đạt 30% so với kế hoạch đề ra 10 tiến sĩ); 06 thạc sĩ theo Đề án 165; (đạt 6,67% so với kế hoạch đã đề ra 90 thạc sĩ).

Đề án về đào tạo học sinh, sinh viên học đại học, sau đại học giai đoạn 2010-2015: đào tạo 06 sinh viên trình độ đại học và 05 sinh viên trình độ thạc sĩ (trong đó có 01 sinh viên học thạc sĩ chuyên ngành Marketing tại Trường Đại học JAMES COOK – Singapore).

Đối với lao động nông thôn: số người tham gia học tập cập nhập kiến thức, kỹ năng, chuyển giao khoa học kỹ thuật công nghệ sản xuất tại các trung tâm học tập cộng đồng và các thiết chế văn hóa giáo dục khác: 659.453 lượt người. Đối với công nhân lao động thì số công nhân lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp có trình độ học vấn trung học phổ thông hoặc tương đương: 65.349  tỷ lệ: 48 %. Số công nhân lao động có tay nghề: 64.905/89.330 tỷ lệ: 73 %.

Đối với kết quả giáo dục kỷ năng sống: Số học sinh, sinh viên, người lao động đã được học kỹ năng sống tại các cơ sở giáo dục (thông qua các môn học, thông qua các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, thông qua hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, thông qua các lớp dạy các kỹ năng cơ bản,...): 475.541 lượt học sinh tham gia. Trong đó, cấp tiểu học 20.629, THCS 308.804, THPT 123.725 lược học sinh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, đề án còn có một số hạn chế như công tác vận động, tuyên truyền trong ngành giáo dục và đào tạo tuy đạt được một số kết quả nhất định, nhưng nhìn chung toàn tỉnh, công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục người dân hiểu về xã hội học tập, có ý thức học tập suốt đời đạt kết quả chưa cao. Nguyên nhân của tồn tại này là do nhận thức của cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thật sự quyết tâm thực hiện, thiếu kinh phí và sự phối kết hợp của các ban ngành, đoàn thể chưa thật chặt chẽ trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ.

Báo cáo còn đề ra các phương hướng thực hiện như tăng cường công tác tuyên truyền về xây dựng xã hội học tập bằng nhiều hình thức đa dạng. Tiếp tục củng cố kết quả xóa mù chữ trong độ tuổi 15-35 và 15-60; duy trì chuẩn mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục THCS; tiếp tục thực hiện có hiệu quả kế hoạch hoạt động của các trung tâm VHTT-HTCĐ, mở nhiều lớp phổ biến cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao công nghệ cho người dân trên địa bàn. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục tiếp tục tổ chức giảng dạy ngoại ngữ, tin học cho nhiều đối tượng, lưu ý các người học ở vùng sâu, vùng xa. Duy trì công tác hướng nghiệp và giảng dạy kỹ năng sống cho cho học sinh phổ thông.

Ngoài ra, báo cáo còn đưa ra các giải pháp để tiếp tục thực hiện tốt đề án như củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo xây dựng xã hội học tập các cấp để tham mưu cho UBND chỉ đạo hiệu quả thiết thực. Hàng năm Ban Chỉ đạo cần có kế hoạch hoạt động, tổ chức kiểm tra và đánh giá kết quả hoạt động; các sở, ngành chức năng, tùy theo nhiệm vụ được phân công của kế hoạch xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh, tiếp tục thực hiện kế hoạch thành phần đã được duyệt theo Quyết định số 1490/QĐ-UBND ngày 01/7/2014. Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng xã hội học tập tỉnh (Sở GD&ĐT) thường xuyên theo dõi, kiểm tra thực hiện của các huyện, thành phố và báo cáo tiến độ, kết quả đạt được cho Ban Chỉ đạo xây dựng xã hội học tập tỉnh kịp thời.

                                                                                 KGVX

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây