Đồng chí Vũ Đức Đam - Phó Thủ tướng Trưởng Ban chỉ đạo phát biểu tại hội nghị
Tham
dự tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh có đồng chí Trần Văn Chiến – Phó Chủ tịch UBND
tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành có liên quan.
Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh
Qua 10 năm thực hiện, công tác giảm nghèo của nước ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tỉ lệ hộ nghèo đã giảm liên tục qua các năm trên phạm vi cả nước, các vùng miền. Kết quả, đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn 3,75%, bình quân trong 4 năm giảm 1,53%/năm, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân của cả nước từ 1 - 1,5%/năm. Trong 4 năm, có 58% số hộ nghèo đã thoát nghèo. Ước đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm còn khoảng 2,75%. Như vậy sau 5 năm, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm khoảng 1,43%/năm, đạt chỉ tiêu Quốc hội giao. Thu nhập bình quân hộ nghèo đến cuối năm 2018 tăng khoảng 1,4 lần so với cuối năm 2015, dự kiến đến cuối năm 2020 thu nhập hộ nghèo tăng 1,6 lần, vượt chỉ tiêu đề ra là 1,5 lần.
Bên cạnh đó, nhiều huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn đã được đầu tư cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh; hộ nghèo được hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm, tăng thu nhập, tạo điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin. Theo đó, trong giai đoạn 2016 - 2020, tại địa bàn các huyện, xã nghèo, đặc biệt khó khăn đã có khoảng 18.000 công trình cơ sở hạ tầng được đầu tư, đã đưa vào sử dụng trên 15.000 công trình; khoảng 7.000 công trình được duy tu bảo dưỡng. Tổng nguồn vốn đầu tư trên 32.000 tỷ đồng. Cơ sở hạ tầng kết nối vùng được đầu tư như điện, đường, trường, trạm và các công trình thiết yếu khác phục vụ sản xuất, lưu thông hàng hóa, dân sinh. Đối với các xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, có 550 xã đã hoàn thành Chương trình 135 và 1.286 thôn hoàn thành mục tiêu Chương trình 135…
Tại hội nghị, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất khung Chương trình mục tiêu quốc gia về Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Mục tiêu chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi. Xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực cho tất cả mọi người ở mọi nơi, đến năm 2025, giảm ít nhất 25% tỷ lệ nghèo theo tiêu chí nghèo đa chiều của quốc gia, duy trì mức giảm tỷ lệ nghèo đa chiều 1-1,5%/ năm; riêng các huyện nghèo duy trì mức giảm 3,5 - 4%/năm. Chương trình bao gồm 5 Dự án và 15 Tiểu Dự án, tập trung vào các nhiệm vụ: Giảm nghèo; phát triển hệ thống trợ giúp xã hội; phát triển hệ thống Giáo dục nghề nghiệp và Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; việc làm bền vững.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Sau hơn 30 năm, Việt Nam là một trong những hình mẫu trên thế giới về thành tựu xóa đói giảm nghèo. Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán quan điểm phát triển kinh tế gắn với xã hội, môi trường, trong đó luôn chú trọng giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội. Thời gian tới, Thủ tướng đề nghị Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các bộ, ngành liên quan cần nghiên cứu trình Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành các nghị quyết, chỉ thị về chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội bền vững đến năm 2030, trình Quốc hội ban hành nghị quyết về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bao trùm và phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn 2045 vì một Việt Nam không có đói nghèo. Đồng thời, tăng cường đầu tư hạ tầng kinh tế xã hội ở các vùng khó khăn, nhất là hạ tầng giao thông kết nối để tạo cơ hội giao thương, việc làm, đầu tư cho giáo dục và dạy nghề; tạo điều kiện cho người dân trong việc thực hiện các mô hình giảm nghèo từ xây dựng chính sách đến tổ chức thực hiện; chính quyền các cấp phải sát dân hơn, nắm vững từng hộ để có biện pháp hỗ trợ cụ thể.
ML