Tập trung các nguồn lực thực hiện các giải pháp khống chế dịch tả lợn (heo) Châu Phi

Thứ tư - 28/08/2019 17:00 96 0
Chiều ngày 28/8/2019, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến – Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh Tây Ninh (Ban Chỉ đạo) chủ trì cuộc họp với các thành viên Ban chỉ đạo nhằm đánh giá tình hình thực hiện công tác phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua và chỉ đạo một số nội dung tăng cường khống chế dịch bệnh.

hop-giaiphapdtaheo.jpg

Quang cảnh Hội nghị

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến ngày 25/8/2019, bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại 468 hộ thuộc địa bàn 45 xã, phường, thị trấn của 7/9 huyện, thành phố của tỉnh Tây Ninh. Số lợn chết và tiêu hủy là 8.887 con, chiếm 4,52% tổng đàn lợn của tỉnh. Trọng lượng tiêu hủy là 557.113,9 kg. Hiện có 07/09 huyện, thành phố bị nhiễm bệnh dịch tả lợn Châu Phi, chỉ còn lại 02 huyện Dương Minh Châu và Hòa Thành chưa phát hiện lợn bị nhiễm bệnh. Các huyện có số lượng ổ dịch nhiều bao gồm: Châu Thành, Trảng Bàng, Gò Dầu, Bến Cầu. Trong đó, các huyện có dịch bệnh đang phát sinh nhanh là Trảng Bàng, Bến Cầu, Gò Dầu. Các huyện có số ổ dịch phát sinh hàng ngày ít là Châu Thành, Tân Biên.

hop-giaiphapdtaheo1.jpg

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn báo cáo tỉnh hình thực hiện công tác phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh

Các huyện có dịch bùng phát nhanh do chăn nuôi theo mô hình trại kín còn ít, nhiều hộ nuôi trang trại hở, gia trại, nuôi nhỏ lẻ xen lẫn trong khu dân cư nên khó hoặc không thực hiện đầy đủ, thường xuyên các biện pháp vệ sinh phòng bệnh; còn sử dụng thực phẩm thừa trong chăn nuôi; địa hình trũng thấp, nhiều bào, vũng, kênh rạch, ao hồ.., khoảng cách nuôi giữa các hộ, trại gần nhau nên dễ bị dịch lây lan. Ngoài ra, thời tiết biến đổi mưa nắng thất thường, tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát triển, lây lan; thuốc sát trùng dễ bị rửa trôi không phát huy được  tác dụng tối đa, trong khi hiện nay chưa có vắc xin và thuốc điều trị được bệnh dịch tả lợn Châu Phi.

hop-giaiphapdtaheo2.jpg

Lãnh đạo UBND huyện Gò Dầu phát biểu ý kiến không nên nóng vội tái đàn lợn tại các cơ sở chăn nuôi đã mắc bệnh dịch tả lợn

Tình hình dịch tả lợn Châu Phi hiện nay vẫn đang diễn biến phức tạp, mầm bệnh xuất hiện tại nhiều địa bàn trong tỉnh, dịch lây lan nhanh tại các huyện phía Nam, nơi có số lượng đàn heo lớn. Đa phần là chăn nuôi nhỏ lẻ, xen lẫn trong khu dân cư, không đảm bảo an toàn sinh học. Người chăn nuôi vẫn sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt; khi phát hiện lợn có bệnh không thông báo với chính quyền địa phương và thú y cơ sở, tự ý điều trị. Ngoài 04 chốt chính kiểm dịch động vật tạm thời kiểm soát lợn nhập tỉnh (Suối Sâu, Cầu Tàu, Cầu 33, và Cầu Sài Gòn), các chốt kiểm dịch động vật tạm thời khác tại các huyện chỉ phát huy hiệu quả khi giai đoạn tỉnh chưa có dịch hoặc dịch còn ở diện hẹp.

hop-giaiphapdtaheo3.jpg

Lãnh đạo UBND huyện Châu Thành phát biểu ý kiến về công tác kiểm soát chặt chẽ thịt lợn ra vào khu vực huyện, chú trọng kiểm soát phương tiện vận chuyển

Tại Hội nghị, thành viên Ban Chỉ đạo đã có nhiều ý kiến tập trung về các giải pháp kiểm soát, khống chế dịch bệnh lây lan. Huyện Châu Thành mặc dù là huyện xuất hiện dịch tả lợn đầu tiên trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên đã khống chế tốt dịch bệnh bằng các giải pháp kiểm soát chặt chẽ thịt lợn ra vào trên địa bàn huyện, kiểm soát chặt chẽ phương tiện vận chuyển liên quan như vận chuyển thịt lợn, thức ăn chăn nuôi lợn…, kiên quyết chỉ tiêu thụ thịt lợn trong nội huyện; Đồng thời không cho tái đàn đối với trại hở. Hiện nay, huyện Châu Thành có 4 xã công bố hết dịch tả lợn.

hop-giaiphapdtaheo4.jpg

Lãnh đạo Sở Tài chính phát biểu ý kiến về việc sử dụng kinh phí dự phòng hỗ trợ bệnh dịch

Hội nghị cũng được nghe các ý kiến thảo luận về hoạt động hiệu quả chưa cao của các chốt kiểm dịch lưu động do không đảm bảo lực lượng trực phun thuốc tiêu độc khử trùng; Sử dụng giải pháp thiêu hủy thay cho việc chôn lấp lợn chết do mắc bệnh; Các địa phương còn lúng túng trong việc sử dụng kinh phí dự phòng chi hỗ trợ người dân có lợn mắc dịch bệnh.

hop-giaiphapdtaheo5.png

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến – Trưởng Ban Chỉ đạo phát biểu chỉ đạo

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến – Trưởng Ban Chỉ đạo đề nghị tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh; Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khẩn trương hướng dẫn hỗ trợ tài chính cho người chăn nuôi có lợn phải tiêu hủy do dịch bệnh; Về kinh phí dự phòng sử dụng hỗ trợ người dân có lợn mắc bệnh dịch, nếu địa phương sử dụng quá 50% kinh phí dự phòng của huyện thì lập đề xuất gửi Sở Tài chính thẩm định, tổng hợp, đề xuất UBND tỉnh sử dụng kinh phí dự phòng của tỉnh thực hiện hỗ trợ cho người dân; Các địa phương căn cứ tình hình hoạt động của chốt kiểm dịch lưu động, cho phép ngưng hoạt động nếu không hiệu quả để tập trung nguồn lực thực hiện công tác phòng chống dịch; Về việc sử dụng giải pháp thiêu hủy lợn chết do dịch bệnh, địa phương có điều kiện ưu tiên sử dụng giải pháp này, còn lại thực hiện chôn lấp theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đồng thời chú trọng công tác hậu kiểm, phun thuốc khử trùng và gia cố hố chôn lợn chết.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh các địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt công tác phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn.

Trọng Hữu

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây