Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước chung tay bảo vệ rừng khu vực giáp ranh

Thứ tư - 29/03/2017 17:00 87 0
Ngày 29.3, tại Tây Ninh, Chi cục Kiểm lâm các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước tổ chức hội nghị ký kết phối hợp bảo vệ rừng khu vực giáp ranh của 3 tỉnh, nhằm ngăn chặn có hiệu quả các hành vi khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép lâm sản, động vật rừng qua lại vùng giáp ranh của các tỉnh.

Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước chung tay bảo vệ rừng khu vực giáp ranh

Ông Mang Văn Thới- Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh ký kết với Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Phước.

Theo nội dung ký kết, cấp Chi cục và cấp Hạt, Đội kiểm lâm của các tỉnh sẽ thường xuyên trao đổi thông tin về tình hình khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép lâm sản; các tụ điểm, đối tượng chuyên nghiệp mua bán, cất giữ trái phép lâm sản trên các khu vực giáp ranh của các tỉnh. Từ đó, mỗi bên chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp kiểm tra, truy quét, xử lý các trường hợp vi phạm. 

Các bên được ủy thác điều tra xác minh, tống đạt quyết định và thực hiện các quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng, phát triển rừng và lâm sản đối với tổ chức, cá nhân vi phạm có địa chỉ cư trú ở tỉnh này, nhưng bị xử phạt ở tỉnh kia, theo yêu cầu của cơ quan Kiểm lâm mỗi tỉnh.

Ngoài ra, Kiểm lâm 3 tỉnh còn thường xuyên trao đổi thông tin, kinh nghiệm về công tác quản lý, tổ chức và hoạt động của ngành kiểm lâm; phương án phòng cháy chữa cháy rừng, phòng ngừa dịch bệnh gây hại cây rừng; phối hợp bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ kiểm lâm...

Ông Phạm Chí Trung- Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tây Ninh cho biết, rừng phòng hộ Dầu Tiếng có tổng diện tích 33.500 ha. Trong đó, khu vực giáp ranh giữa huyện Tân Châu (Tây Ninh) với các huyện Bình Long, Hớn Quản (Bình phước) và Dầu Tiếng (Bình Dương) diện tích khoảng 10.664 ha. Do giáp với khu rừng phòng hộ đầu nguồn, địa hình phức tạp, dân cư trong khu vực giáp ranh đời sống còn nhiều khó khăn nên thường xuyên lén lút vào rừng để chặt trộm cây, chủ yếu vào ban đêm, sau đó họ chuyển cây xuống xuồng máy vượt qua sông Sài Gòn, đưa qua Bình Dương, Bình Phước bán cho thương lái. 

Còn ông Nguyễn Hoàng Sơn- Giám đốc Ban Quản lý Dự án rừng phòng hộ Dầu Tiếng cho hay, hiện phía bên kia sông Sài Gòn (đối diện khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng) đang tồn tại các tụ điểm như: Bến đò ông 9 thầy chùa, bến đò Bà Cự, bà Cấp, bến đò Bàu Hên (ông Quê) thuộc xã Tân Hiệp, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước chuyên tổ chức thu mua, tàng trữ cây rừng non (cây cừ) do người dân trộm cắp để bán lại cho người có nhu cầu làm nọc tiêu bên Bình Dương, Bình Phước.0

Ông Sơn đề nghị kiểm lâm các tỉnh cần phối hợp hỗ trợ, xử lý dứt điểm, để kịp thời ngăn chặn tình trạng chặt phá cây rừng non ồ ạt trong khu vực rừng phòng hộ Dầu Tiếng như hiện nay.

Từ năm 2016 đến nay, Hạt kiểm lâm huyện Tân Châu, Ban Quản lý rừng phòng hộ Dầu Tiếng đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm liên huyện Bình Long - Hớn Quản (tỉnh Bình Phước) tổ chức 32 đợt truy quét tại các điểm "nóng" khu vực giáp ranh, phát hiện gần 2.500 cây rừng non (từ 3 - 5 năm tuổi) bị chặt phá, tập kết tại các bến bãi dưới sông Sài Gòn.

Ngoài ra, ngành chức năng còn phát hiện 244 cây rừng (loại cây lớn) bị khai thác trái phép, trên 15 ha rừng bị tác động (phát, đốt, lấn...) trái phép. Tất cả các trường hợp kể trên đã được lập biên bản, tịch thu tang vật và tiêu hủy tại chỗ theo quy định.

Theo Báo Tây Ninh Online

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây