Tây Ninh hội nghị tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch Covid-19

Thứ ba - 16/06/2020 17:00 89 0
Sáng ngày 16/6, đồng chí Nguyễn Thanh Ngọc - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh và đồng chí Dương Văn Thắng - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì hội nghị tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Hội nghị được tổ chức với hình thức trực tuyến đến điểm cầu Tỉnh ủy và điểm cầu tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn.

Thaogokhokhanvuongmacdoangnghiep-1.jpg

Quang cảnh hội nghị

Thaogokhokhanvuongmacdoangnghiep-2.jpg

Các đồng chí chủ trì hội nghị

Theo đánh giá của tỉnh, sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội, các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn dần được khôi phục. Các ngành, địa phương luôn quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt mục tiêu kép với tinh thần vừa chủ động phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trên từng lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và xã hội vẫn bị ảnh hưởng và gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể như: kết nối hỗ trợ tiêu thụ qua hệ thống phân phối đối với các mặt hàng nông sản đang gặp khó; giá cả một số loại cây ăn quả thấp, thị trường xuất khẩu sang các nước hạn chế do tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Đến tháng 5/2020, tổng mức bán lẻ hàng hoá ước đạt 24.415 tỷ đồng (giảm 1,55% so cùng kỳ năm trước). Doanh thu hoạt động dịch vụ, lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành đạt 6.084 tỷ đồng (giảm 9%).

Thaogokhokhanvuongmacdoangnghiep-3.jpg

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Kiều Công Minh thông qua đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh của tỉnh

Kim ngạch xuất khẩu thực hiện 2.082,7 triệu USD (đạt 49,0% so với kế hoạch). Kim ngạch nhập khẩu thực hiện 1.626,8 triệu USD (đạt 40,5% so với kế hoạch). Đã có 30/58 doanh nghiệp ở các khu công nghiệp, khu kinh tế gặp nhiều khó khăn trong hoạt động, 12.647 lao động đã chấm dứt hợp đồng, ngừng việc…28 doanh nghiệp còn lại cũng sẽ bị ảnh hưởng với trên 16.600 lao động cũng có nguy cơ mất việc làm…

Theo phản ánh của các doanh nghiệp, việc tiếp cận chính sách hỗ trợ của Chính phủ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP cho 2 nhóm đối tượng (tạm hoãn hợp đồng, nghỉ không hưởng lương (đối tượng 1); không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp (đối tượng 3) tại một số công ty rất khó để thực hiện do chưa đáp ứng về điều kiện của Chính phủ quy tại Điều 1 Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg. Doanh nghiệp chỉ được tiếp cận nguồn vốn vay của gói hỗ trợ của Chính phủ để trả lương ngừng việc đối với người lao động theo gói hỗ trợ của Chính phủ. Tuy nhiên, để tiếp cận nguồn vốn này hầu hết doanh nghiệp có nhu cầu vay không đảm bảo theo điều kiện tại Điều 13 Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg.

Thaogokhokhanvuongmacdoangnghiep-4.jpg

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng chủ trì phần thảo luận

Bên cạnh đó, lĩnh vực viễn thông gặp khó khăn trong quá trình nhập khẩu các linh kiện, thiết bị viễn thông. Lĩnh vực sản xuất bánh kẹo, thực phẩm thì hàng hoá đã sản xuất không bán được, tồn hàng và nguyên liệu. Lĩnh vực dịch vụ du lịch, giáo dục thì doanh thu gần như không có. Lĩnh vực sản xuất có sử dụng nguyên liệu, phụ gia nhập khẩu từ Trung Quốc lại không mua được nguyên liệu, sẽ phải ngưng khi dùng hết nguyên liệu tồn kho.

Thaogokhokhanvuongmacdoangnghiep-5.jpg

Đại diện Công ty Pouhung phát biểu tại hội nghị

Từ đó, doanh nghiệp kiến nghị, trong năm 2020 được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; hoãn nộp thuế giá trị gia tăng và không tính lãi chậm nộp; giảm thuế giá trị gia tăng đối với một số ngành nghề bị ảnh hưởng trực tiếp (du lịch, dịch vụ khách sạn, ăn uống...).

Thaogokhokhanvuongmacdoangnghiep-6.jpg

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Võ Hùng Việt phát biểu tại hội nghị

Lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho rằng, hiện tại các doanh nghiệp chưa tiếp cận được các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, đề nghị thoáng hơn trong điều kiện thụ hưởng của doanh nghiệp để doanh nghiệp tiếp cận được, được hưởng chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Một số doanh nghiệp hiện tại không còn vốn hoạt động, giá bán sản phẩm giảm, nợ vay ngân hàng chưa thanh toán được, hàng tồn kho thanh lý nhiều. Lãnh đạo sở, ngành cần nhanh chóng hỗ trợ cho doanh nghiệp, đặc biệt về tín dụng để kịp thời giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tránh bị phá sản…

Theo lãnh đạo Hội doanh nhân trẻ tỉnh, các doanh nghiệp thuộc hội chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ nên gặp rất nhiều khó khăn để duy trì hoạt động. Lúc này, đa số đều thiếu vốn, nợ thuế, không có kinh phí trả lương cho công nhân. Các doanh nghiệp cũng tìm cách xoay sở như cắt giảm một số công đoạn không cần thiết, luân phiên ca kíp thực hiện, giảm nhân công. Doanh nghiệp cũng gặp khó khi thực hiện các thủ tục hành chính để thụ hưởng các chính sách hỗ trợ.

Trong tập hợp các ý kiến của các doanh nghiệp, lãnh đạo Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh cho rằng đa số các doanh nghiệp muốn có thông tin để đăng ký địa điểm cho chuyên gia thực hiện cách ly nào và thủ tục đăng ký cách ly như thế nào? Thời gian thực hiện thủ tục xin nhập cảnh cho chuyên gia nước ngoài là bao lâu. Trước tình trạng đơn hàng bị hủy nhiều ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, áp lực tiền lương lớn, doanh nghiệp mong muốn được nhà nước hỗ trợ miễn hoặc giảm tiền bảo hiểm xã hội, tiền điện.

Thaogokhokhanvuongmacdoangnghiep-7.jpg

Giám đốc Ngân hàng Nhà nước-chi nhánh tỉnh Tây Ninh Nguyễn Xuân Hiền giải đáp những ý kiến của doanh nghiệp

Với những ý kiến của các doanh nghiệp, lãnh đạo các sở, ngành tỉnh đã tiếp thu, giải trình ngay một số ý kiến, nhấn mạnh, việc giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất, kinh doanh thông qua việc giảm thuế, chậm nộp thuế và bảo hiểm xã hội, hỗ trợ vay vốn ưu đãi, giảm lãi suất các khoản vay, khoanh nợ và giãn thời gian trả nợ đều thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc chia sẻ những khó khăn mà các doanh nghiệp gặp phải, nhất là việc tiếp cận, thụ hưởng các chính sách từ các gói hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ và khó khăn trong việc nhập cảnh của các chuyên gia.

Thaogokhokhanvuongmacdoangnghiep-8.jpg

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc phát biểu kết luận hội nghị

Theo Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, hiện nước ta đang chuyển sang trạng thái bình thường mới, thực hiện nhiệm vụ kép, các giải pháp ưu tiên tập trung tránh lây nhiễm ra cộng đồng và yếu tố phòng ngừa khi nhập cảnh là cao nhất. Trong hơn 2 tháng, nước ta không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đó là thành quả rất đáng mừng. Tuy nhiên, việc này cũng ảnh hưởng đến việc các chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu, tìm cơ hội đầu tư vào Việt Nam. Thủ tướng đã có chỉ đạo nới lỏng một bước tạo điều kiện cho các chuyên gia đến làm việc nhưng vẫn phải đảm bảo cách ly theo quy định. Về việc này, lãnh đạo tỉnh đã giao Sở Y tế có văn bản hướng dẫn quy trình tiếp nhận chuyên gia nhập cảnh vào Việt Nam. Sở Y tế là cơ quan chủ trì tiếp nhận và phối hợp với cơ quan chức năng thực hiện các thủ tục nhập cảnh đối với các chuyên gia và bắt buộc phải thực hiện cách ly. Để nhanh chóng thực hiện được quy trình này, trước hết, cần có sự thống nhất giữa doanh nghiệp và địa phương về nơi thực hiện cách ly và khoản tạm thu kinh phí thực hiện cách ly cho các chuyên gia.

Về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, lãnh đạo UBND tỉnh đề nghị các doanh nghiệp cần tiếp tục tăng cường giám sát thường xuyên, kịp thời phát hiện khi có công nhân có biểu hiện bệnh, thực hiện cách ly. Lãnh đạo tỉnh cũng giao ngành Y tế sẽ có thông báo hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp về nội dung này.

Lãnh đạo tỉnh chỉ đạo Văn phòng tiếp thu tất cả ý kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp, để tổng hợp, chuyển đến các ngành, lĩnh vực giải quyết cụ thể cho các doanh nghiệp với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Song song đó, các ngành cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng đến các đối tượng thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ để các doanh nghiệp biết, nắm quy trình, đầu mối tiếp nhận và thời gian giải quyết.

Lãnh đạo tỉnh đề nghị khi doanh nghiệp gặp khó khăn cần kịp thời phản ánh đến cơ quan chức năng qua đường dây nóng để được giải quyết. Đồng thời, lãnh đạo tỉnh cũng đề nghị “các ngành, địa phương coi khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp như khó khăn vướng mắc của mình để xem xét giải quyết với trách nhiệm cao nhất và nhanh chóng”. Lãnh đạo các ngành, địa phương phải trực tiếp xem xét, giải quyết những khó khăn, vướng mắc đó và có phản hồi cho doanh nghiệp.

XV











Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây