Tây Ninh ký kết thỏa thuận hợp tác xây dựng vùng chăn nuôi bò sữa an toàn dịch bệnh để xuất khẩu, giai đoạn năm 2019-2022

Thứ tư - 14/08/2019 18:00 174 0
Chiều 14/8, tại hội trường Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh, Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh và Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Công ty Vnamilk) cùng ký kết thỏa thuận hợp tác xây dựng vùng chăn nuôi bò sữa an toàn dịch bệnh để xuất khẩu, giai đoạn năm 2019-2022.

hoptacvinamil.jpg

Quang cảnh hội nghị

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, Cục trưởng Cục Thú y Phạm Văn Đông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Trần Văn Chiến, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Võ Đức Trong, ông Nguyễn Quốc Khánh - Giám đốc điều hành Công ty Vinamilk, lãnh đạo các sở, ngành liên quan, các huyện, thành phố trên địa bàn tham dự lễ ký kết.

Theo đó, các bên cùng thỏa thuận, thống nhất thực hiện xây dựng thành công vùng chăn nuôi bò sữa an toàn dịch bệnh theo quy định của Việt Nam, khuyến cáo của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) và yêu cầu của nước nhập khẩu, bảo đảm phát triển chăn nuôi bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm, cung cấp sản phẩm an toàn phục vụ tiêu dùng trong nước, đáp ứng yêu cầu của quốc tế về xuất khẩu các sản phẩm sữa.

Trong mục tiêu cụ thể, đáng chú ý là những mc thời gian cụ thể quy định để hoàn thiện từng nội dung hướng đến đạt được mục tiêu chung đề ra. Trong đó, đối với vùng chăn nuôi bò sữa của tỉnh Tây Ninh, đến tháng 12/2019, tổ chức thông tin tuyên truyền, tập huấn và hướng dẫn ít nhất 20% số hộ, cơ sở, trang trại có nuôi gia súc trong vùng đệm nắm được mục đích, ý nghĩa và vai trò của họ trong việc chăn nuôi gia súc bảo đảm an toàn sinh học và kiểm soát tốt các loại dịch bệnh, nhất là các mầm bệnh lở mồm long móng, lao bò, nhiệt thản; xây dựng các xã có trang trại thuộc chuỗi an toàn dịch bệnh được Cục Thú y công nhận an toàn dịch bệnh.

Đến tháng 12/2020, cùng nội dung trên, sẽ được thực hiện đến ít nhất 50% số hộ, cơ sở, trang trại có nuôi gia súc trong vùng đệm; ít nhất 20% số hộ, cơ sở, trang trại có nuôi gia súc được lấy mẫu để xét nghiệm theo quy định; xây dựng huyện được Cục Thú y công nhận an toàn dịch bệnh. Tháng 12/2021, ít nhất 50% số hộ, cơ sở, trang trại có nuôi gia súc được lấy mẫu để xét nghiệm theo quy định; duy trì các huyện an toàn dịch bệnh. Đến tháng 12/2022, hoàn thiện hồ sơ đề nghị OIE đánh giá, công nhận vùng chăn nuôi bò sữa an toàn dịch bệnh.

Các bên cũng đã thống nhất nội dung, trách nhiệm trong tổ chức thực hiện, trong đó về phía tỉnh Tây Ninh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh sẽ tham mưu tỉnh thành lập Ban chỉ đạo, tổ công tác giúp việc ban chỉ đạo trong việc xây dựng chuỗi sản xuất sữa an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm để xuất khẩu; tham mưu để UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và chính quyền cơ sở tổ chức tiêm phòng, giám sát bệnh trên bò sữa tại vùng đệm có bán kính 10km xung quanh chuỗi trang trại của Công ty Vinamilk theo hướng dẫn về kỹ thuật của Cục Thú y…

Cục Thú y sẽ có những hướng dẫn, hỗ trợ về chuyên môn trong thực hiện thỏa thuận. Riêng Công ty Vinamilk sẽ thực hiện nhiều nội dung trong quá trình xây dựng vùng chăn nuôi bò sữa an toàn dịch bệnh có liên quan, tích cực chủ động phối hợp với chính quyền các cấp, cơ quan chuyên môn và người dân tổ chức tốt việc phòng chống các loại dịch bệnh tại vùng đệm xung quanh chuỗi sản xuất của công ty.

hoptacvinamil1.jpg

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến phát biểu tại lễ ký kết

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh đến tầm quan trọng của công tác phòng chống dịch bệnh để phòng tránh những hậu quả đến ngành chăn nuôi của địa phương nói riêng và cả nước nói chung. Đề cập đến tình hình dịch tả lợn Châu phi hiện nay, Thứ trưởng cho rằng, cả nước đang nỗ lực phòng, chống. Có cả một chương trình khoa học công nghệ cấp quốc gia nghiên cứu vắc xin, thuốc chữa, an toàn sinh học, nghiên cứu về giải quyết môi trường đã và đang được triển khai. Nhiều viện - trường cũng đã có kết quả bước đầu. Có những mô hình từ thực tiễn mới áp dụng hiệu quả. Chính sự thách thức đó, mà việc thực hiện thỏa thuận này có ý nghĩa trong công tác phòng chống dịch, xây dựng chăn nuôi bò sữa an toàn dịch bệnh, cần đảm bảo thời gian thực hiện trong thảo thuận để làm tốt hơn trong giai đoạn tới.

hoptacvinamil2.jpg

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến phát biểu tại buổi lễ

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến cho rằng, xây dựng thành công vùng chăn nuôi bò sữa an toàn dịch bệnh là điều cần thiết để phát triển bền vững, tạo ra những sản phẩm sữa an toàn phục vụ cho tiêu dùng và là giấy thông hành cho sản phẩm sữa mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần đưa Tây Ninh từng bước trở thành vùng nguyên liệu phục vụ cho xuất khẩu.

hoptacvinamil3.jpg

Các đơn vị cùng ký kết bản thỏa thuận

Hiện nay, chăn nuôi bò sữa tỉnh Tây Ninh tập trung chủ yếu ở huyện Trảng Bàng, Gò Dầu và Bến Cầu. Tổng đàn trên địa bàn tỉnh tính đến tháng 8 năm 2019 là 13.353 con. Trong đó 2 địa bàn trọng điểm là trang trại 8.000 con của Công ty vinamilk ở huyện Bến Cầu đã được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh và 5.300 con ở huyện Trảng Bàng. Mỗi năm sản xuất hơn 29.000 tấn sữa.

Song Trần

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây