Tây Ninh tham dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển dược liệu Việt Nam

Thứ tư - 12/04/2017 17:00 182 0
Hội nghị do ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ chủ trì, diễn ra vào sáng ngày 12/4/2017 nhằm đánh giá thực trạng nuôi trồng, khai thác, chế biến, sản xuất và sử dụng dược liệu, các sản phẩm từ dược liệu và đề xuất cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể phát triển nuôi trồng, khai thác, chế biến, sản xuất dược liệu.

​Tại tỉnh Tây Ninh, Hội nghị được tổ chức tại Hội trường Văn phòng UBND tỉnh. Tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh có ông Phạm Văn Tân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, ông Trần Văn Sỹ, Phó Giám đốc Sở Y tế, ông Tạ Văn Đáo, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và đại diện lãnh đạo các sở, ngành tỉnh có liên quan.

phattrienduoc.jpg

Quang cảng Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh.

Tại Hội nghị, Bộ Y tế đã thông qua báo cáo công tác phát triển dược liệu Việt Nam, báo cáo nhận định Việt Nam có nguồn tài nguyên dược liệu phong phú và đa dạng. Cộng đồng các dân tộc có nhiều kinh nghiệm nuôi trồng và sử dụng các loài cây, con làm thuốc. Với trên 5000 loài cây thuốc và vốn tri thức bản địa sẽ là một kho tàng quý báu để triển khai các nghiên cứu nhằm tạo ra các sản phẩm từ dược liệu phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe và phát triển kinh tế xã hội. Theo kết quả điều tra đến năm 2016, Việt Nam đã ghi nhận được trên 5000 loài thực vật được sử dụng làm thuốc, 3.948 loài thực vật và nấm có công dụng làm thuốc; 52 loài tảo biển, 408 loài động vật và 75 loại khoáng vật có công dụng làm thuốc ở Việt Nam,... Trong đó có gần 200 loài có tiềm năng khai thác và phát triển trồng để đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và hướng tới xuất khẩu, như: Quế, Hồi, Hòe, Nghệ, Actiso, Sa nhân, Kim tiền thảo, Đinh lăng, Thảo quả …Việc nuôi trồng cây dược liệu cũng làm tăng hiệu quả kinh tế cho các hộ nông dân, đặc biệt là có hiệu quả kinh tế cao hơn từ 3 – 5 lần so với trồng một số loại cây trồng nông nghiệp như lúa, ngô, sắn.

Báo cáo cũng đề ra một số định hướng trong phát triển dược liệu thời gian tới như: Phát triển sản xuất nguyên liệu làm thuốc từ nguồn dược liệu sẵn có tại Việt Nam để phục vụ công nghiệp bào chế, sản xuất thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền; Phát triển nguồn dược liệu và các vùng nuôi trồng dược liệu; bảo tồn nguồn gen và phát triển các loài dược liệu, quý, hiếm, đặc hữu trở thành lĩnh vực ưu tiên trong phát triển công nghiệp Dược, giúp tận dụng được tối đa thế mạnh từ nguồn dược liệu trong nước, đồng thời phù hợp đối với năng lực thực tại của ngành Công nghiệp dược nước nhà đó là công nghiệp bào chế; Bảo tồn nguồn gen và phát triển những loài, chủng loại dược liệu quý, hiếm, đặc hữu trên cơ sở tăng cường đầu tư kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, kết hợp với kinh nghiệm truyền thống; Cấm xuất khẩu dược liệu thuộc danh mục các loài, chủng loại dược liệu quý, hiếm, đặc hữu phải kiểm soát khi chưa được phép của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để tránh tình trạng các thương lái nước ngoài cố tình thu mua tận kiệt các loài, chủng loại dược liệu quý, hiếm, đặc hữu của nước ta; Nghiêm cấm sản xuất, pha chế, bán thuốc cổ truyền có kết hợp với hoạt chất hóa dược khi chưa được phép của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nhằm ngăn chặn tình trạng nhiều “lang băm” đã núp bóng các bài thuốc đông y, bài thuốc gia truyền rồi trộn thuốc tân dược vào để bán cho người dân mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép, dẫn đến người bệnh phải gánh chịu hậu quả “tiền mất tật mang”,...

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng y học cổ truyền là một kho báu và ngành dược liệu Việt Nam có tiềm năng phát triển rất to lớn, đất nước ta có truyền thống quý báu về y học cổ truyền và có nhiều cây thuốc quý nổi tiếng. Với điều kiện tự nhiên của đất nước, chúng ta có trên 5.000 loài cây thuốc để làm dược liệu, thuốc chữa bệnh. Đây là thế mạnh của tất cả các địa phương, có thể phát triển dược liệu ở mọi miền của Tổ quốc với giá trị gia tăng lớn, trước hết là phục vụ người dân trong nước và có thể xuất khẩu.

                                                                                              KGVX

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây