Thành phố Tây Ninh phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới

Thứ sáu - 15/05/2020 18:00 165 0
Từ một địa phương có 5 phường (phường 1, phường II, phường III, phường 4, phường Hiệp Ninh), 5 xã (xã Bình Minh, Ninh Thạnh, Ninh Sơn, Thạnh Tân, Tân Bình), năm 2013, thực hiện Nghị quyết số 135/NQ-CP, ngày 29/12/2013 của Chính phủ về việc thành lập phường Ninh Sơn, phường Ninh Thạnh thuộc Thành phố và thành lập thành phố Tây Ninh thuộc tỉnh Tây Ninh, thị xã Tây Ninh trở thành Thành phố, đánh dấu bước phát triển mới. Cũng từ đó, Thành phố nâng số đơn vị hành chính cấp phường từ 5 lên 7. Như vậy, ngoài 7 phường, thành phố Tây Ninh bắt tay thực hiện xây dựng nông thôn mới đối với 3 xã (xã Bình Minh, Thạnh Tân, Tân Bình).

Ban đầu, khi các xã tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới chỉ đạt từ 3 đến 4/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Cụ thể, xã Bình Minh đạt 3 tiêu chí; xã Tân Bình đạt 4 tiêu chí và xã Thạnh Tân đạt 3 tiêu chí.

Để việc xây dựng nông thôn mới được triển khai hiệu quả, công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới ở các cấp từ Thành phố đến các xã luôn được tăng cường. Nhất là thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, xây dựng nội bộ đoàn kết, thống nhất cao giữa các ngành, các cấp; đồng thời, phát huy tốt sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc trong phát triển kinh tế - xã hội cũng như thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó, Thành phố còn quan tâm hoàn thiện hệ thống pháp lý và văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình; xây dựng đồng bộ hệ thống bộ máy chỉ đạo thực hiện Chương trình từ thành phố đến phường, xã; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới.

Nhận thấy rằng, việc nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân trong xây dựng nông thôn mới là vô cùng quan trọng, cho nên thời gian qua, các ngành, các cấp thành phố Tây Ninh đã đẩy mạnh tuyên truyền. Kết quả trong 10 năm (2010-2020), thành phố đã tổ chức 6.298 cuộc tuyên truyền về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới với hơn 240.120 lượt người tham dự; còn cấp phát 740 Sổ tay hỏi đáp và 6.400 tờ rơi tuyên truyền Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới.

Song song đó, Thành phố còn phát động thực hiện các phong trào thi đua; xây dựng, duy trì và phát huy hiệu quả các mô hình, như "Tổ công nhân công trình tham gia giữ gìn an ninh trật tự", "Vận động họ đạo Cao Đài tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự"...tạo hiệu ứng tích cực trong cộng đồng, cùng chung tay chung sức xây dựng nông thôn mới.


 Các tuyến đường chính trên địa bàn các xã ở thành phố Tây Ninh được đầu tư nâng cấp

Qua thống kê, giai đoạn 2016-2020, Thành phố đã huy động được nhiều nguồn lực xây dựng nông thôn mới, trong đó, nhân dân đóng góp 108,955 triệu đồng tiền mặt, đóng góp bằng ngày công lao động, đóng góp bằng tài sản, lắp đặt hệ thống chiếu sáng hơn 96 triệu đồng, hiến đất, hoa màu, vật tư kiến trúc với tổng giá trị quy ra tiền mặt hơn 4.410,399 triệu đồng. Ngoài ra, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội còn vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện nhiều hoạt động mang tính thiết thực, như đóng góp hàng trăm ngày công lao động, xây mới gần 500 căn nhà đại đoàn kết, hàng chục ngàn suất quà cho người nghèo, thực hiện các công trình tuyến đường hoa làm đẹp các tuyến đường, khu dân cư.

Trong 10 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, Thành phố đã đạt một số kết quả nổi bật. Đó là các tuyến đường các xã và đường từ trung tâm các xã đến đường Thành phố được nhựa hóa và bê tông hóa đạt 100%; 46,24 km đường trục ấp, liên ấp; 15,445 km đường ngõ, xóm và 32,55 km đường trục chính nội đồng ở các xã được cứng hóa. Hiện nay, trên địa bàn Thành phố có 3 hợp tác xã nông nghiệp, 5 tổ liên kết trồng rau ăn lá và rau ăn quả đạt tiêu chuẩn VietGAP; 4 mô hình ứng dụng công nghệ nhà màng, nhà kính...  

UBND Thành phố đã triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng chính sách xã hội trên địa bàn Thành phố như: dự án phát triển sản xuất hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo chiếm 0,55%. Từ năm 2011 đến nay, Thành phố đã mở 34 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn với 1.058 học viên tham gia. Tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo của các xã đạt tỷ lệ 48,3%. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi ở các xã chiếm 13,99%. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế của 3 xã đạt 72%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 46 triệu đồng/người/năm.

Quá trình xây dựng, thành phố không để nợ đọng xây dựng cơ bản.


Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến dự và trao bằng công nhận xã nông thôn mới cho xã Thạnh Tân

Đến nay, xã Bình Minh đã được công nhận và duy trì danh hiệu xã đạt chuẩn nông thôn mới (từ năm 2014). Xã Thạnh Tân mới được công nhận là xã Nông thôn mới năm 2019, phấn đấu đến cuối năm 2020, xã Tân Bình sẽ thực hiện hoàn thành 19 tiêu chí để được thẩm định công nhận xã nông thôn mới.

Trong quá trình thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới ở thành phố còn có những hạn chế. Đó là vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước chưa đáp ứng nhu cầu thực hiện Chương trình theo kế hoạch, nhất là ở các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu kế hoạch trong khi nguồn lực huy động trong xã hội còn thấp. Cơ cấu lại nông nghiệp còn chậm, liên kết sản xuất chưa bền vững. Đời sống cư dân ở nông thôn có nâng lên nhưng chưa vững chắc. Chưa huy động được các nguồn lực tham gia hỗ trợ đào tạo nghề ngắn hạn; học viên sau đào tạo chủ yếu tự tạo việc làm, các cơ sở đào tạo nghề chưa thực sự gắn kết với doanh nghiệp để giải quyết việc làm sau học nghề…

Từ đó, để thực hiện tốt hơn công tác này trong giai đoạn tới, Thành phố rút ra bài học kinh nghiệm: cần chú trọng đến công tác tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức của đội ngũ cán bộ và tầng lớp nhân dân. Mục đích cuối cùng của việc xây dựng nông thôn mới là để nhân dân thụ hưởng, do đó quá trình xây dựng nông thôn mới cần phải có sự tham gia của người dân, tham gia bàn bạc đóng góp ý kiến, công sức, vật chất,… để công tác xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả cao.

Phải phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư địa phương, tham gia đóng góp ý kiến các dự án đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội, kiểm soát đầu tư, tăng cường hiệu quả giám sát cộng đồng. Đầu tư phải tập trung có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo công tác quyết toán, tất toán công trình hoàn thành. Phải thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch thực hiện đề án 5 năm, hàng năm và tổ chức thực hiện các nội dung kế hoạch đã đề ra và họp rút kinh nghiệm cho các hoạt động tiếp theo…

Trước mắt, mục tiêu đặt ra trong năm 2020 của Thành phố là có 3/3 xã đạt chuẩn nông thôn mới và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tiếp tục triển khai thực hiện Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao ở các xã Bình Minh và xã Thạnh Tân.

Cũng trong năm 2020, Thành phố phấn đấu đạt một số chỉ tiêu cơ bản trong thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, như: thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 59 triệu đồng/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm 1,3%; tỷ lệ người dân tham gia BHYT toàn Thành phố đạt trên 85%; tỷ lệ hộ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh 99%.

Để thực hiện đạt các mục tiêu đó, Thành phố đề ra các giải pháp: Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, đổi mới nội dung, đa dạng hóa công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức phù hợp từng đối tượng để người dân hiểu, tin, hưởng ứng và chủ động phát huy vai trò chủ thể của mình trong xây dựng nông thôn mới theo phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ".

Tiếp tục thực hiện Đề án Xã hội hoá trên lĩnh vực giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, y tế, văn hoá và thể dục thể thao trên địa bàn Thành phố. Tư vấn học nghề và việc làm; phát triển chương trình đào tạo.

Triển khai xây dựng các mô hình phát triển sản xuất hiệu quả; tập trung vào các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn

Huy động tối đa mọi nguồn vốn cho xây dựng nông thôn mới; Huy động nguồn vốn tại chỗ, trong nhân dân là chính, nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí.

Và trong định hướng xa hơn, giai đoạn 2021-2025, Thành phố phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ, có 1 xã nâng lên phường và 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Giai đoạn 2025-2030, duy trì các xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đối với các xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025.

Với những kết quả đạt được và những định hướng cụ thể, rõ ràng, chắc chắn rằng, quá trình thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Tây Ninh sẽ tiếp tục gặt hái thêm nhiều thành công, đưa cuộc sống của nhân dân ngày càng ổn định, góp phần xây dựng Thành phố trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh sạch đẹp, hấp dẫn trong tương lai không xa.

Hoàng Giang

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây