Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh
Tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh, tham dự có đồng chí Phạm Viết Thanh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Phạm Văn Tân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Nguyễn Thanh Ngọc - Phó Bí thư Tỉnh ủy, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng, Nguyễn Mạnh Hùng.
Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị (ảnh chinhphu.vn)
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng nhấn mạnh đến thành công của nước ta trong kiểm soát dịch bệnh Covid-19, tạo tiền đề để khôi phục kinh tế, giữ gìn quốc phòng an ninh. Quốc tế đánh giá cao công tác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh của Việt Nam. Từ đó, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 quốc gia kiên quyết không để Covid-19 quay lại nước ta. Với kịch bản do thế giới nêu ra, dự báo tăng trưởng toàn cầu đều giảm mạnh trong bất cứ trường hợp nào dù đã hạn chế được sự lây lan của dịch bệnh. Trong khi các nước ASIAN có sự tăng trưởng âm thì Việt Nam được quốc tế đánh giá có khả năng tăng trưởng ở mức dương. Dù do ảnh hưởng của dịch bệnh, ở Việt Nam tiêu dùng giảm, xuất khẩu giảm nhưng kinh tế vĩ mô tiếp tục tăng trưởng ổn định, tạo nền tảng tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách đạt khá.
Để tạo sự tăng trưởng cao hơn trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị phải có cơ chế, chính sách, giải pháp đặc biệt. Hội nghị cần phân tích, tiếp tục đề xuất, hiến kế những giải pháp cụ thể để phục hồi nhanh, mạnh các mặt kinh tế-xã hội, thực hiện mục tiêu kép, không để dịch Covid-19 quay trở lại và phát triển kinh tế -xã hội, đảm bảo tăng trưởng, bảo đảm đời sống nhân dân.
Qua các báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm cho thấy nước ta cơ bản thực hiện thành công nhiệm vụ kép, vừa kiểm soát dịch thành công (đến nay đã 76 ngày không có ca nhiễm mới trong cộng đồng) và phục hồi nền kinh tế ở mức hợp lý, trạng thái bình thường mới dần được thiết lập trong mọi hoạt động kinh tế, xã hội. Đạt được điều này là nhờ có sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, người dân và xã hội, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, sự ủng hộ và phối hợp chặt chẽ của Quốc hội và đặc biệt là sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bằng các Nghị quyết, Nghị định, Chỉ thị đề ra các giải pháp đúng đắn, kịp thời cùng với sự nỗ lực, cố gắng của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Trong bối cảnh khó khăn chung của thế giới, nhiều quốc gia còn đang khó khăn chống dịch bệnh và chưa thể có giải pháp hữu hiệu phục hồi nền kinh tế và có mức tăng trưởng âm, việc đạt được tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 1,81% tuy là thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua nhưng là đáng ghi nhận, nước ta nằm trong số ít các quốc gia có mức tăng trưởng dương.
Đáng chú ý, mặc dù tăng trưởng GDP đạt thấp nhưng chúng ta đã duy trì được nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm yếu tố quyết định để phục hồi và phát triển trong giai đoạn sau khi kết thúc dịch, một số chỉ tiêu chủ yếu dần phục hồi qua các tháng. Thách thức trong 6 tháng cuối năm còn rất lớn, cần phải có những biện pháp mạnh mẽ, chính xác, kịp thời cùng sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của cả hệ thống chính trị nhằm phục hồi và phát triển kinh tế nhanh hơn, giải quyết việc làm và an sinh xã hội cho nhân dân hiệu quả hơn.
Với Tây Ninh, trong 6 tháng đầu năm 2020, công tác chỉ đạo, điều hành của tỉnh được thực hiện tốt, tỉnh đã kịp thời triển khai và cụ thể hóa các cơ chế, chính sách của Trung ương, nhằm tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020.
Tổng sản phẩm trong tỉnh GRDP (giá so sánh 2010) ước thực hiện 23.296 tỷ đồng, đạt 38,3% so với kế hoạch, tăng 3,1% so với cùng kỳ. Tỷ trọng nông - lâm - thủy sản, công nghiệp - xây dựng và dịch vụ (chưa tính thuế sản phẩm) trong GRDP theo giá hiện hành: 20,8% - 44,1% - 30,3% (kế hoạch 2020: 21 - 22%, 41 - 42%, 32 - 33%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn ước thực hiện 37.299 tỷ đồng, giảm 2,7% so với cùng kỳ.
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh ước thực hiện 5.052 tỷ đồng, đạt 50,5% dự toán, giảm 1,7% so với cùng kỳ (trong đó thu nội địa 4.632 tỷ đồng, đạt 50,1% dự toán, tăng 13,1% so với cùng kỳ). Đầu tư phát triển trên địa bàn thực hiện 14.472 tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị. (ảnh chinhphu.vn)
Sau các nội dung báo cáo về công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 6 tháng đầu năm 2020, công tác cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử và tình hình thực hiện nhiệm vụ, một số vướng mắc trong thực hiện chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, triển khai gói an sinh xã hội và việc triển khai chính sách xã hội và tình hình thực hiện ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, các địa phương, các Bộ trưởng phát biểu phân tích, làm rõ hơn những kết quả đạt được trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng qua, những khó khăn, thách thức và biện pháp khắc phục để phấn đấu đưa nền kinh tế phục hồi, tăng trưởng ở mức cao nhất có thể.
Với dự báo, diễn biến dịch bệnh còn rất phức tạp, khó lường và Việt Nam chưa thể mở cửa trở lại với các quốc gia; triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu là rất khó khăn, phụ thuộc rất nhiều vào khả năng sản xuất được vắc-xin, thuốc điều trị Covid- 19, nếu để dịch bùng phát trở lại trong nước thì hậu quả sẽ rất nặng nề, sẽ có nhiều doanh nghiệp bị tốn thương, tạm dừng hoạt động, giải thể, phá sản... ảnh hưởng rất lớn đến thành quả phát triển của đất nước trong những năm gần đây và sẽ mất rất nhiều năm, nhiều chi phí để phục hồi, gây dựng lại nền kinh tế và có thể bỏ lỡ nhiều cơ hội phát triển cho đất nước.
Tình hình 6 tháng cuối năm dự báo sẽ rất thách thức, sức ép về kiểm soát lạm phát là rất lớn, thị trường đầu ra cho sản xuất kinh doanh, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, dệt may, da giày... còn gặp rất nhiều khó khăn. Các địa phương, bộ phát biểu tại hội nghị đều khẳng định quyết tâm phục hồi phát triển kinh tế trong 6 tháng cuối năm.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận hội nghị. (ảnh chinhphu.vn)
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận các ý kiến, hiến kế của các địa phương, bộ ngành và mong muốn các biện pháp đó cần được thực hiện ngay để tận dụng cơ hội phục hồi phát triển kinh tế-xã hội với tinh thần hành động hơn nữa, chống trì trệ, nâng cao trách nhiệm.
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường, Thủ tường yêu cầu phải đề phòng, không để dịch bệnh quay trở lại đồng thời "vừa tấn công trên mặt trận kinh tế", với mục tiêu tăng trưởng phấn đấu ở mức cao nhất, khoảng 3-4%; Nhất định không được chùn bước, "không bàn lùi mà phải tiến công để phát triển đất nước, phát triển địa phương mình".
Thủ tướng chỉ đạo từng bộ, ngành địa phương thành lập ban chỉ đạo hoặc tổ công tác để thường xuyên rà soát, tháo gỡ, đôn đốc, nhất là tháo gỡ về đầu tư công và một số vướng mắc về cơ chế, chính sách hiện nay.
Trong thới gian tới, Thủ tướng yêu cầu kiên quyết không để dịch bệnh quay trở lại đồng thời thực hiện các giải pháp phục hồi phát triển kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, thu nhập; điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ chủ động hơn, linh hoạt, hiệu quả hơn để kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế phù hợp, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế, củng cố niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài.
Tín dụng năm nay phải tăng trưởng ít nhất 10%. Tỷ lệ nợ công có thể tăng thêm 2-3%. Phải có cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp để kích thích mạnh mẽ những động lực chủ yếu tăng trưởng kinh tế bao gồm đầu tư, tiêu dùng; Chú trọng các chính sách bảo đảm an sinh xã hội. đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công khi mà nguồn vốn cần giải ngân trong năm 2020 rất lớn. Nhấn mạnh về vấn đề này, Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ thành lập đoàn kiểm tra một số địa phương, đơn vị để xem xét tiến độ, kiên quyết điều chuyển vốn ngay tháng 8/2020 vì thực tế nhiều đơn vị đang thiếu vốn. Việc giải ngân vốn đầu tư công sẽ được coi là căn cứ đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ năm nay của các cấp, các ngành, các địa phương.
XV