UBND tỉnh chỉ đạo: tăng cường các biện pháp cấp bách phòng chống bệnh tai xanh trên lợn.

Thứ năm - 31/05/2012 00:00 171 0

 Theo báo cáo của Cục Thú y, hiện nay cả nước có 10 tỉnh là Hà Tĩnh, Thanh Hoá, Quảng Nam, Nghệ An, Lâm Đồng, Thừa Thiên Huế, Thái Bình, Thái Nguyên, Nam Định và Ninh Bình có dịch tai xanh chưa qua 21 ngày. Tình hình dịch bệnh đang diễn biến rất phức tạp, nhiều khả năng dịch lây lan đến tỉnh ta và các tỉnh khác, gây hậu quả rất nghiêm trọng đối với kinh tế và đời sống. 

Để ngăn chặn dịch bệnh tai xanh ở lợn lây lan vào tỉnh, thực hiện Công điện số 19/CĐ-BNN-TY, ngày 01 tháng 4 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống bệnh tai xanh; Công điện số 21/CĐ-BNN-TY ngày 14 tháng 4 năm 2008 về việc bổ sung các biện pháp phòng chống bệnh tai xanh; Công điện số 22/CĐ-BNN-TY ngày 22 tháng 4 năm 2008 về việc tạm dừng vận chuyển lợn và sản phẩm lợn đi qua vùng có dịch tai xanh ở lợn, ngày 28/4/2008 Chủ tịch UBND tỉnh có công văn yêu cầu thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã khẩn trương triển khai thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống bệnh tai xanh trên lợn.

            UBND các huyện, thị xã: chỉ đạo các cơ sở chăn nuôi lợn giống, các trạm thụ tinh nhân tạo lợn tăng cường các biện pháp an toàn sinh học, vệ sinh tiêu độc, khử trùng chuồng trại, xử lý tốt chất thải chăn nuôi và hạn chế khách tham quan, kiểm tra giám sát từng con vật nuôi, dụng cụ vật tư chăn nuôi, nơi chăn nuôi. Phát hiện kịp thời các trường hợp nghi dịch bệnh và xử lý theo quy định của thú y. Khi phát hiện lợn bị bệnh, dịch phải xử lý kịp thời, kiên quyết nhằm bao vây, khống chế không để dịch lây lan.

           Sở Nông nghiệp và PTNT (Trực tiếp là Chi cục Thú y): xây dựng Kế hoạch phòng chống Hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản ở lợn năm 2008; tăng cường kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật qua biên giới cũng như vận chuyển trong nước, đặc biệt là tăng cường công tác kiểm soát vận chuyển lợn vào địa phương, kiên quyết xử lý tiêu huỷ lợn không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật hợp lệ, kiểm soát chặt chẽ lợn nhập vào các lò mổ trên địa bàn các huyện, thị xã; phát hiện có dịch bệnh phải xử lý ngay theo quy định; khuyến cáo người chăn nuôi chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng, thực hiện vệ sinh phòng bệnh; thực hiện công tác tiêu độc sát trùng chuồng trại, khu chăn nuôi và hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp an toàn sinh học; đồng thời tham mưu cho UBND tỉnh công bố dịch kịp thời khi có dịch xảy ra.

            Đồng thời, UBND tỉnh yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo Tây Ninh phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, đưa tin kịp thời, chính xác về diễn biến, nguy cơ dịch bệnh, các biện pháp phòng, chống để nhân dân biết, chủ động phòng chống dịch, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, bảo vệ phát triển chăn nuôi./.

YM
 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây