Trong những năm gần đây, bệnh dại ở nước ta có chiều hướng gia tăng gây thiệt hại đến tính mạng và tiền của nhân dân. Quý I năm 2007, trên cả nước có 13 tỉnh có bệnh dại làm 37 người chết. Ở tỉnh ta, tuy không có người chết, nhưng trong năm 2006 có đến 18.074 người bị chó cắn và 5 tháng đầu năm 2007 số nguời bị chó cắn là 7.502 người.
Nguyên nhân của tình hình trên là do bệnh dại đã được khống chế trong nhiều năm trước, nên dẫn đến sự lơ là chủ quan của các cấp chính quyền địa phương chưa quan tâm đến công tác phòng, chống bệnh dại, cơ quan chuyên môn tập trung công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc và gia cầm nên thiếu lực lượng để tập trung cho công tác tiêm phòng bệnh dại, ý thức của người dân trong công tác phòng, chống bệnh dại chưa cao, chưa nhận thức được sự nguy hiểm của bệnh dại và tác dụng của công tác tiêm phòng bệnh dại, công tác quản lý đàn chó ở địa phương chưa thực hiện tốt.
Để tăng cường công tác phòng, chống trước diễn biến tình hình bệnh dại đầu năm 2007 có thể dẫn đến nguy cơ xảy ra bệnh dại và lan rộng, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo thủ trưởng các cơ quan, đơn vị khẩn trương triển khai thực hiện một số công việc cấp bách sau đây:
Cũng cố và kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống bệnh dại của tỉnh, phân công các thành viên tăng cường công tác kiểm tra việc tổ chức thực hiện công tác phòng, chống bệnh dại tại các huyện, thị trong tỉnh.
Chỉ đạo, triển khai thực hiện việc tiêm phòng bệnh dại, áp dụng các biện pháp phòng bệnh bắt buộc khác để phòng ngừa bệnh dại. Tổ chức giám sát, quản lý bệnh dại trên đàn chó, phát hiện sớm và xử lý chó bị bệnh dại, tiêu diệt chó không tiêm phòng tại ổ dịch và triển khai tiêm phòng chống dịch xung quanh nơi có dịch.
Giao Sở Nông nghiệp và PTNT (trực tiếp là Chi cục Thú y) tổ chức công tác tiêm phòng bệnh dại, yêu cầu tiêm phòng đạt tỉ lệ 100% so với diện tiêm. Địa phương nào đã tiêm phòng kết quả đạt thấp, yêu cầu tiêm phòng bổ sung. Tiếp tục thực hiện công tác bắt chó chạy rong ở nơi công cộng, nơi đông dân cư, khu đô thị…
Ngành Y tế chỉ đạo công tác phòng, chống bệnh dại ở người trên phạm vi toàn tỉnh, phối hợp với các ngành liên quan, xây dựng chương trình khống chế và thanh toán bệnh dại. Các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường công tác thông tin tuyên truyền giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về tính nguy hiểm của bệnh, tích cực tham gia phòng chống bệnh dại.
Văn Thế Thiện