UBND tỉnh chỉ đạo: triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch cúm gia cầm

Thứ năm - 31/05/2012 00:00 133 0

Hiện nay cả nước có 4 tỉnh: Thái Nguyên, Quảng Ninh, Quảng Bình và Long An có dịch cúm gia cầm, nên nguy cơ dịch cúm gia cầm lây lan vào tỉnh ta là rất lớn.

Ðể chủ động phòng dịch cúm trên gia cầm và ngăn chặn virus cúm lây nhiễm cho người dân; thực hiện Công điện số 09/BNN-CĐ ngày 17/02/2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT - Trưởng ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm, về việc  triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống dịch cúm gia cầm, ngày 21/02/2008 Chủ tịch UBND tỉnh có văn bản yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã triển khai thực hiện một số biện pháp khẩn cấp sau:

Nghiêm túc thực hiện các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, BCĐ quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Y tế và của UBND tỉnh về công tác phòng chống dịch cúm gia cầm và cúm A(H5N1) ở người.

UBND các huyện, thị xã: khẩn trương áp dụng các biện pháp tổng hợp để phòng dịch tái phát, trong đó chú trọng việc giám sát phát hiện dịch sớm, tránh tình trạng để dịch xảy ra thời gian dài, lây lan rộng mới biết, khi có gia cầm chết nghi mắc bệnh truyền nhiễm phải lấy mẫu gửi đi xét nghiệm; kiểm soát chặt chẽ các đàn vịt thả rông, chạy đồng; tổ chức tiêm phòng bổ sung cho đàn gia cầm mới phát sinh, đàn đến kỳ tiêm nhắc lại, chỉ đạo ngay chính quyền cơ sở và các ban, ngành địa phương chuẩn bị các điều kiện cần thiết để chủ động đối phó khi có dịch; tổ chức kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhằm cung cấp sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.

Sở Nông nghiệp và PTNT( trực tiếp là Chi cục Thú y): chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, hóa chất, vật tư phòng khi có dịch; chỉ đạo hệ thống thú y tăng cường giám sát tình hình dịch bệnh tại cơ sở, hộ chăn nuôi, kịp thời phát hiện và xử lý dịch bệnh; hướng dẫn các huyện, thị xã tổ chức tiêm phòng bổ sung cho đàn gia cầm mới phát sinh tại địa bàn theo chỉ đạo của Cục Thú y.

Sở Y tế: Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với ngành thú y để tăng cường giám sát, ngăn chặn các trường hợp người bị nhiễm virus cúm gia cầm H5N1.

Sở Văn hoá thông tin, Báo Tây Ninh, Đài Phát thanh Truyền hình, các tổ chức đoàn thể tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho mọi người hiểu về sự nguy hại của bệnh cúm gia cầm, các biện pháp phòng bệnh cúm trên gia cầm và phòng lây nhiễm cho người; khuyến cáo người dân sử dụng gia cầm có nguồn gốc rõ ràng, có chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y, đặc biệt phải nấu chín trước khi ăn; không ăn thịt gia cầm ốm, chết, không vứt xác gia cầm bừa bãi, không bán chạy gia cầm khi có dịch.

Chủ tịch UBND tỉnh giao Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm và lở mồm long móng gia súc(PCDCGC và LMLM GS) tỉnh thực hiện nghiêm việc báo cáo dịch về thường trực Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm theo số điện thoại đường dây điện thoại nóng: 1800-5555-02 và 04.8685104; hoặc số Fax 04.8686339 hoặc email:dah.vn@fpt.vn; giao UBND các huyện, thị xã báo cáo dịch về thường trực Ban chỉ đạo PCDCGC và LMLM GS tỉnh theo số điện thoại đường dây điện thoại nóng: 800115 và 827351; hoặc số Fax 820236 hoặc email:nongnghieptn@gmail.com để phối hợp chỉ đạo phòng, chống dịch./.

YM
 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây