UBND tỉnh họp phiên thường kỳ tháng 11 năm 2020

Thứ ba - 17/11/2020 11:00 128 0
Sáng ngày 16/11, UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 11 năm 2020 để cho ý kiến một số nội dung quan trọng, chuẩn bị trình kỳ họp cuối năm HĐND tỉnh vào tháng 12 tới đây.

Quang cảnh hội nghị

Đồng chí Nguyễn Thanh Ngọc - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp. Các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Hùng, Dương Văn Thắng cùng tham dự phiên họp.

Tại phiên họp, lãnh đạo Sở Nội vụ trình các nội dung về dự thảo Nghị quyết về giao chỉ tiêu biên chế công chức đối với các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh năm 2021.


Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Đài Thy trình bày tờ trình về giao biên chế

Theo tờ trình của Sở Nội vụ, năm 2020, trong tổng số 1.818 biên chế UBND tỉnh, đã có 1.675 biên chế được sử dụng, chưa sử dụng 143 biên chế. Nguyên nhân là do chưa tuyển dụng được, do tinh giản, nghỉ hưu, nghỉ việc, thôi việc, chuyển công tác… Nhìn chung, công tác quản lý biên chế công chức được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật trên tinh thần giữ ổn định biên chế và từng bước thực hiện tinh giản biên chế. Các biên chế được sử dụng có hiệu quả, chặt chẽ, đúng quy định, phù hợp chức năng, nhiệm vụ được giao của từng cơ quan.

Theo lộ trình cắt giảm biên chế công chức, giai đoạn 2015-2021, UBND tỉnh đã thực hiện cắt giảm 204 biên chế (đạt tỷ lệ 10,41%, đảm bảo quy định của Trung ương). Do đó, trên cơ sở xem xét những thuận lợi, khó khăn, Sở Nội vụ đề nghị giao biên chế công chức năm 2021 là 1.791 biên chế, giảm 27 biên chế so với năm 2020, theo chỉ tiêu giao của Bộ Nội vụ.

Về giao số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh, các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố năm 2021. Năm 2020, các đơn vị được giao là 18.002 người, đã sử dụng 16.566 người, chưa sử dụng 1.436 người. Năm 2021, Sở Nội vụ đề nghị giao 17.548 người, giảm 454 người so với năm 2020 theo chỉ tiêu giao của Bộ Nội vụ.

Sau ý kiến của các đại biểu, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc kết luận, cơ bản thống nhất với tờ trình của Sở Nội vụ về hai nội dung giao biên chế công chức và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập; đồng thời giao Sở Nội vụ tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp, nhất là giao số lượng viên chức ở các đơn vị sự nghiệp; phối hợp với các ban, ngành tích hợp 2 nội dung vào chung 1 nghị quyết như đề xuất của các đại biểu để trình kỳ họp, đảm bảo tính chặt chẽ, đồng bộ.

Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, các ngành chưa sử dụng hết biên chế được giao phải đánh giá nguyên nhân, thực hiện công tác tuyển dụng bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, phù hợp với vị trí việc làm, đúng người, đúng việc, đáp ứng yêu cầu. Các đơn vị sự nghiệp nói chung cần nâng cao trách nhiệm, biết tính toán hiệu quả hoạt động của đơn vị, nhất là đối với đơn vị sự nghiệp tự chủ 100%; phải xây dựng vị trí việc làm tốt, thường xuyên rà soát vị trí việc làm này để bảo đảm đúng chức năng, nhiệm vụ và phát huy chất lượng hoạt động, sử dụng biên chế được giao, số lượng người làm việc hiệu quả.

Tiếp đó, lãnh đạo Sở Nội vụ cũng trình tờ trình về việc sáp nhập ấp và đổi tên ấp của xã Hoà Hội, Phước Vinh thuộc huyện Châu Thành, xã Phước Thạnh thuộc huyện Gò Dầu và xã Phước Chỉ thuộc thị xã Trảng Bàng. Theo đó, sau khi thực hiện sáp nhập ấp Chánh vào ấp Phước Đông, xã Phước Thạnh có 8 ấp (giảm 1 ấp), huyện Gò Dầu có 51 ấp và 7 khu phố (giảm 1 ấp). Sau khi thực hiện sáp nhập ấp Tràng Cát và 4 ấp liền kề, xã Phước Chỉ có 11 ấp (giảm 1 ấp), thị xã Trảng Bàng có 79 ấp, khu phố (34 ấp và 45 khu phố) giảm 1 ấp. Sau khi thực hiện sáp nhập 4 ấp, huyện Châu Thành có 69 ấp và 4 khu phố (giảm 2 ấp). Khi đó, toàn tỉnh Tây Ninh có 535 ấp (giảm 4 ấp).

Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất với tờ trình của Sở Nội vụ, chỉ đạo Sở tiếp tục quy trình thực hiện đảm bảo chặt chẽ, dân chủ, đúng quy định, đủ điều kiện để trình HĐND. Các ấp đủ điều kiện phải sáp nhập với sự đồng thuận cao của người dân, bảo đảm các yếu tố về địa lý, đi lại, sinh hoạt, tránh làm xáo trộn cuộc sống của người dân.


Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phạm Lưu Nhạn trình bày nội dung về điều chỉnh cục bộ Quy hoạch Thủy lợi tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2016-2025 và định hướng đến năm 2035

Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư trình nội dung tờ trình về điều chỉnh cục bộ Quy hoạch Thủy lợi tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2016-2025 và định hướng đến năm 2035 và  chủ trương lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án Kênh tiêu T12-17. Nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh đồng ý với sự cần thiết để điều chỉnh cục bộ Quy hoạch Thủy lợi tỉnh Tây Ninh, đồng thuận cao với tờ trình đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện lại tờ trình; đồng thời giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các ngành liên quan có báo cáo rà soát đánh giá việc thực hiện quy hoạch kênh thủy lợi trên địa bàn, từ đó tham mưu, đề xuất việc điều chỉnh tổng thể quy hoạch thủy lợi trên địa bàn.


Chánh Thanh tra tỉnh Trần Văn Minh Trí báo cáo tại phiên họp

Đối với Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020 và phương hướng nhiệm vụ năm 2021; Báo cáo giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2020 và phương hướng nhiệm vụ năm 2021, Chủ tịch UBND tỉnh kết luận cho rằng, năm 2020, nhận thức và công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng được tăng cường đẩy mạnh. Công tác phòng ngừa tham nhũng, chống lãng phí chuyển biến mạnh từ tỉnh tới cơ sở. Tính công khai, minh bạch của các cơ quan công quyền được thực hiện ngày càng tốt hơn. Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện phòng, chống tham nhũng cũng được tăng cường và đẩy mạnh. Công tác kê khai kiểm soát tài sản thu nhập được thực hiện khá tốt, thể hiện tính nghiêm túc; cải cách hành chính được đẩy mạnh góp phần rất lớn vào công tác phòng chống tham nhũng; công tác phối hợp xử lý các hành vi tham nhũng được các ngành phối hợp thực hiện tốt, khẳng định quan điểm không có vùng cấm, vùng trắng trong xử lý tham nhũng.


Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc phát biểu tại phiên họp

Trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ chính, như tiếp tục nâng cao nhận thức phòng, chống tham nhũng, lãng phí, nhất là trong hệ thống chính trị. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giám sát các hoạt động, các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí, trong đó, tăng cường kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản thu nhập của cán bộ lãnh đạo quản lý; đẩy mạnh cải cách hành chính, giám sát các hoạt động công vụ tốt hơn; đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia phát hiện tố giác hành vi tiêu cực tham nhũng lãng phí, nhất là tham nhũng vặt ở cơ sở.

Đối với công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, nhìn tổng thể, từ tỉnh đến xã đã có bước chấn chỉnh, bảo đảm thực hiện cơ bản theo đúng quy định của pháp luật về tiếp công dân; đảm bảo việc giải quyết khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định, không xảy ra khiếu kiện đông người, không để xảy ra điểm nóng trên địa bàn; đơn thư khiếu nại tố cáo giảm 6%.

Trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương cần tiếp tục nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo; đảm bảo tiếp đúng đối tượng; nâng cao trách nhiệm của bí thư, chủ tịch xã trong tiếp công dân; nâng cao trách nhiệm trong giải quyết khiếu nại, bảo đảm trình tự thủ tục chặt chẽ hơn, hạn chế khiếu nại quyết định hành chính. Tăng cường công tác hòa giải ở cơ sở xem đây là một trong những yếu tố phòng ngừa phát sinh khiếu nại tố cáo. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động tiếp công dân giải quyết khiếu nại tố; xử lý nghiêm các trường hợp thực hiện không đúng, có hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu trong giải quyết khiếu nại, tố cáo.

XV

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây