Tại phiên họp thường kỳ tháng 5.2007, lãnh đạo Sở Tài chính đã trình bày Đề án thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Thực tiễn cho thấy, doanh nghiệp nhỏ và vừa có vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế bởi khối doanh nghiệp này phát huy được tính chủ động sáng tạo, nâng cao năng lực quản lý của đội ngũ những người kinh doanh, góp phần phát triển khoa học – công nghệ và nguồn nhân lực, tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh và khả năng cạnh tranh trên thị trường, tạo được công ăn việc làm cho người lao động và góp phần giải quyết vấn nạn thất nghiệp…
Tuy nhiên, do hạn chế về vốn, phần lớn các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp nhiều khó khăn trong sản xuất và mở rộng quy mô sản xuất như: trang thiết bị lạc hậu, chậm cập nhật thông tin, chủ yếu hoạt động theo quy mô gia đình nên sức cạnh tranh thấp và gặp nhiều trở ngại trong việc mở rộng hợp tác với bên ngoài… Kênh hỗ trợ vốn chủ yếu hiện nay của các doanh nghiệp nhỏ và vừa là các tổ chức tín dụng. Nhưng việc tiếp cận với vốn vay từ các tổ chức tín dụng vẫn đang là điều không dễ dàng đối với doanh nghiệp. Nguyên do là hầu hết doanh nghiệp nhỏ và vừa không có đủ tài sản thế chấp hoặc giấy tờ không hoàn chỉnh nên không thể thực hiện bảo đảm tiền vay theo quy định. Các báo cáo tài chính của doanh nghiệp chưa chính xác cũng gây nhiều khó khăn trong việc thẩm định phương án sản xuất kinh doanh cũng như hình thức bảo đảm tiền vay… Trước tình hình này, lãnh đạo tỉnh và các ngành chức năng nhận định: Cần phải thành lập một tổ chức tài chính hỗ trợ để các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nhiều hơn nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng. Sau khi nghe lãnh đạo Sở Tài chính trình bày đề án dự thảo, các đại biểu dự họp đã đóng góp ý kiến để hoàn thiện đề án này.
Phiên họp thường kỳ tháng 5 cũng đã thông qua báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (2002 – 2006) về “Tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân”. Trong 5 năm (2002 – 2006), có 1.226 doanh nghiệp đăng ký mới ở tỉnh ta với tổng vốn đầu tư gần 2.900 tỷ đồng. Có 636 doanh nghiệp phải giải thể trong 5 năm qua với số vốn đầu tư hơn 355 tỷ đồng. Đã có 190 dự án (với tổng vốn đăng ký gần 5.645 tỷ đồng) được cấp giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư. Tỉnh cũng đã thành lập Quỹ xúc tiến thương mại (mỗi năm tỉnh chi khoảng 500 triệu đồng) hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh, tập huấn cho một số doanh nghiệp về ứng dụng thương mại điện tử, hướng dẫn các doanh nghiệp đăng ký thương hiệu sản phẩm đặc trưng như: Mãng cầu núi Bà Đen, bánh canh, bánh tráng Trảng Bàng, muối ớt Tây Ninh. Trong 5 năm qua, lĩnh vực kinh tế tư nhân đã giải quyết việc làm cho khoảng 125 ngàn lao động, đóng góp vào ngân sách đạt 632,5 tỷ đồng/năm. Xuất khẩu bình quân trong 5 năm chiếm 28,20% xuất khẩu toàn tỉnh. Giá trị sản xuất của khu vực kinh tế tư nhân bình quân trong 5 năm chiếm 10,48% GDP toàn tỉnh… Nhìn chung, kinh tế tư nhân tuy có phát triển nhưng chưa đạt mức cao và chưa đồng đều ở các ngành mà chủ yếu chỉ phát triển ở các ngành thương mại, dịch vụ. Các ngành sản xuất, chế biến tuy phát triển nhưng chưa tương xứng với năng lực sẵn có về nguồn nguyên liệu, chưa có những đầu tư về công nghệ cao.
BẢO TÂM