UBND tỉnh họp phiên thường kỳ tháng 5: Thông qua chương trình hành động về các biện pháp kiềm chế lạm phát

Thứ năm - 31/05/2012 00:00 85 0

Phiên họp được UBND tỉnh tổ chức ngày 14 tháng 5 năm 2008, do Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Nên chủ trì. Tại phiên họp UBND tỉnh thông qua 6 nội dung quan trọng, trong đó có Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 10/2008/NQ-CP ngày 17.4.2008 của Chính phủ về các biện pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững.

Mục tiêu của chương trình là tạo cơ sở thống nhất để phối hợp hành động giữa các cấp, các ngành và các thành phần kinh tế, thực hiện thắng lợi Nghị quyết 10/2008/NQ-CP. Chương trình bao gồm các giải pháp: Tập trung sức phát triển sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ để tăng nguồn cung hàng hoá trên địa bàn; Kiểm soát chặt chẽ, nâng cao hiệu quả chi tiêu công, triệt để thực hành tiết kiệm trong sản xuất và tiêu dùng; Tăng cường công tác quản lý thị trường, chống đầu cơ buôn lậu và gian lận thương mại, kiểm soát việc chấp hành phát luật Nhà nước về giá; Tăng cường các biện pháp hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân, mở rộng các chính sách an sinh xã hội…

Trong phần trình bày của Sở Tài chính về chỉ tiêu tiết kiệm 10% chi thường xuyên ngân sách Nhà nước năm 2008 theo Quyết định số 390/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc điều hành kế hoạch đầu tư XDCB và chi tiêu ngân sách năm 2008 phục vụ mục tiêu kiềm chế lạm phát, năm 2008 Tây Ninh được giao chỉ tiêu tiết kiệm 32,02 tỷ đồng, trong đó phần tiết kiệm của các đơn vị ngân sách cấp tỉnh là hơn 15,5 tỷ đồng và phần tiết kiệm từ ngân sách các huyện, thị là hơn 16,4 tỷ đồng. Đối với chỉ tiêu này, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Nên khẳng định dù có khó khăn các đơn vị cũng phải cố gắng vượt qua vì mục tiêu phát triển chung. Trong đó 4 nội dung tiết kiệm hàng đầu là: Hạn chế tối đa việc mua sắm xe cộ, sửa chữa lớn; Hạn chế tối đa việc tổ chức các hội nghị gây tốn kém, tham quan nước ngoài; Tiết kiệm tối đa điện, nước, xăng dầu; Dừng các khoản chi chưa thực sự cần thiết. Trong việc giao chỉ tiêu tiết kiệm phải vận dụng đúng quy định của Bộ Tài chính, đồng thời có vận dụng điều kiện thực tế tại địa phương để thực hiện được chỉ tiêu tiết kiệm, mà không gây khó khăn quá lớn cho các đơn vị, địa phương.

S.T
 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây