UBND tỉnh họp phiên thường kỳ tháng 6.2012: Đầu tư phát triển công nghệ thông tin phải có trọng tâm, trọng điểm

Thứ hai - 02/07/2012 00:00 82 0
Phiên họp thường kỳ tháng 6 năm 2012 của UBND tỉnh được tổ chức ngày 4.6.2012 do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Lưu Quang chủ trì phiên họp.

 

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Lưu Quang chủ trì phiên họp

Nội dung được đưa ra xem xét thông qua trước tiên tại phiên họp là Quy hoạch phát triển công nghệ thông tin (CNTT) tỉnh Tây Ninh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 do Sở Thông tin và Truyền thông trình bày. Theo đơn vị tư vấn lập quy hoạch, trong những năm qua, Tây Ninh đã quan tâm và tập trung đầu tư phát triển lĩnh vực CNTT nên kết quả đạt được khá khả quan. Về phát triển mạng và dịch vụ, hiện tất cả các huyện, thị trong tỉnh đã có hệ thống mạng cáp dung lượng lớn, tốc độ cao và có hơn 86% số xã có điểm Bưu điện văn hoá xã; tổng số thuê bao điện thoại cố định đạt hơn 113.300 máy, tổng số thuê bao điện thoại di động đạt gần 1,5 triệu máy, tổng số thuê bao internet (ADSL) là 27.000 thuê bao... Cơ sở hạ tầng CNTT trong các cơ quan Đảng và Nhà nước đã được tăng cường. Tại các cơ quan Đảng cấp tỉnh đạt 0,63 máy/1 cán bộ và các cơ quan Nhà nước cấp tỉnh có 90% cán bộ có máy sử dụng cho công việc. Ở cấp huyện, thị, các cơ quan Đảng đạt 0,87 máy/1 cán bộ và cơ quan Nhà nước trung bình có khoảng 50% cán bộ có máy tính phục vụ công việc. Tuy nhiên, việc trang bị CNTT cho cấp xã vẫn còn ở mức thấp- chỉ khoảng gần 14% cán bộ có máy tính cá nhân sử dụng cho công việc. Ở các ngành, trong thời gian qua, lĩnh vực CNTT cũng phát triển khá.

Theo dự thảo Quy hoạch phát triển CNTT đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Tây Ninh dự kiến đầu tư hơn 700 tỷ đồng để triển khai ở 7 lĩnh vực ứng dụng CNTT, cụ thể: trong cơ quan Đảng và Nhà nước; phục vụ sản xuất kinh doanh; phục vụ đời sống xã hội; phát triển hạ tầng kỹ thuật; phát triển công nghiệp CNTT; phát triển nguồn nhân lực và ban hành các chính sách về CNTT. Mục tiêu tổng quát Quy hoạch Phát triển CNTT là đến năm 2020 về cơ bản lĩnh vực CNTT ở Tây Ninh đạt cao hơn mức trung bình cả nước, trong đó lĩnh vực ứng dụng CNTT trong khu vực quản lý Nhà nước đạt mức khá. Mục tiêu cụ thể, trước tiên là phát triển CNTT trong các cơ quan Đảng và Nhà nước để tiến tới hình thành nền hành chính điện tử với chỉ tiêu đảm bảo 100% việc kết nối thông suốt, 100% cơ quan Đảng và Nhà nước từ cấp huyện trở lên áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2008… Về ứng dụng CNTT phục vụ sản xuất kinh doanh, mục tiêu là phải hoàn thành cổng giao dịch thương mại điện tử kết nối các sàn giao dịch trong cả nước và đưa các phần mềm ứng dụng vào hoạt động của các doanh nghiệp, trong đó 100% doanh nghiệp lớn có website riêng. Đối với đời sống xã hội, quy hoạch nhằm đa dạng hoá các nội dung thông tin cung cấp cho người dân, tạo điều kiện cho nhân dân tham gia Chính phủ điện tử thông qua truy nhập mạng, đồng thời phổ cập internet đến 100% các điểm văn hoá xã, 70% các điểm truy cập xóm, ấp…

Phát biểu kết luận về Quy hoạch Phát triển CNTT, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Lưu Quang cơ bản thống nhất dự thảo quy hoạch do Sở Thông tin và Truyền thông trình bày, tuy nhiên cần phải lưu ý rằng nguồn lực của tỉnh đầu tư phát triển có giới hạn nên cần phải tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Cụ thể, đầu tư theo tiêu chí tập trung cho các ngành có thể thúc đẩy các ngành khác phát triển, hoặc các ngành khác huy động vốn và tập trung đầu tư phát triển dịch vụ công để tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân. Ngoài ra, cần phải chú trọng đến công tác đào tạo nguồn nhân lực đủ đáp ứng yêu cầu phát triển CNTT trong thời gian tới. UBND tỉnh giao cho Sở Thông tin và Truyền thông cùng đơn vị tư vấn hoàn chỉnh Quy hoạch để trình Tỉnh uỷ xem xét và trình HĐND thông qua tại kỳ họp sắp tới.

Phiên họp còn xem xét thông qua một số nội dung dự kiến sẽ trình tại kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh sắp tới về mức thu, chế độ thu nộp, quản lý và sử dụng một số loại phí.

(Theo BTNO)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây