Hội nghị diễn ra ngày 23.7.2008 do Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Nên chủ trì để xem xét, thông qua Đề án phát triển kinh tế xã hội 20 xã biên giới đến năm 2010 và Quy hoạch sử dụng đất chi tiết của Công ty TNHH 1 thành viên 22.12, Công ty TNHH 1 thành viên Cao su 30.4, Công ty cổ phần cao su Tây Ninh và Công ty cao su Tân Biên.
Theo đánh giá của UBND tỉnh, 20 xã biên giới tỉnh Tây Ninh dù không còn hộ đói, giảm đáng kể số hộ nghèo, nhưng vẫn là vùng kinh tế chưa phát triển; cơ cấu kinh tế còn nặng về nông lâm nghiệp, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, một số công trình giao thông, giáo dục sau nhiều năm sử dụng đã xuống cấp, không còn phù hợp với yêu cầu phát triển; trình độ phát triển văn hoá xã hội thấp so với các khu vực khác trong tỉnh, đời sống nhân dân còn khó khăn do thu nhập thấp; đất đai và những vấn đề liên quan đến đất đai do lịch sử để lại vừa qua xảy ra tình hình khiếu kiện đông người, tranh chấp đất đai kéo dài làm cho an ninh nông thôn ngày càng phức tạp; tình hình biên giới còn nhiều yếu tố gây mất ổn định như cướp có vũ trang, buôn lậu, vi phạm quy chế biên giới…
Theo quan điểm phát triển kinh tế xã hội phải đi đôi với củng cố quốc phòng, an ninh một cách toàn diện, đồng bộ trên các lĩnh vực và là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên, lâu dài… Đề án phát triển kinh tế xã hội 20 xã biên giới xác định mục tiêu đến năm 2010 đưa thu nhập bình quân đầu người tăng lên gấp 2 lần hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chuẩn địa phương còn dưới 10%; hoàn thành việc bố trí, sắp xếp ổn định 3 khu dân cư biên giới phía Bắc Tây Ninh; ưu tiên đầu tư đồng bộ các cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh, nâng cấp, xây dựng các tuyến đường; phát triển giao lưu kinh tế biên giới, xuất khẩu hàng hoá, dịch vụ và du lịch. Trong đề án có một số nhiệm vụ cụ thể đáng chú ý là triển khai các dự án cụm công nghiệp thuộc Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, các điểm công nghiệp khu vực biên giới theo quy hoạch, phát triển công nghiệp xi măng, công nghiệp chế biến cao su ở Tân Châu, cụm công nghiệp mía đường phía Tây sông Vàm Cỏ Đông, tập trung phát triển biên mậu ở các cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, Xa Mát, các cửa khẩu quốc gia Kà Tum, Chàng Riệc, Phước Tân, Tống Lê Chân, nâng cấp 2 cửa khẩu phụ thành cửa khẩu chính và mở 4 cửa khẩu phụ, xây dựng 4 chợ cửa khẩu, tiếp tục xây dựng chợ ở 4 xã chưa có chợ; phát triển khu di tích lịch sử Trung ương Cục miền Nam thành điểm du lịch hấp dẫn, phát triển du lịch sinh thái vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát, xây dựng, phát triển các tua du lịch đến các xã biên giới và phát triển các tuyến du lịch sang Campuchia…
Đối với quy hoạch sử dụng đất chi tiết của các công ty cao su, phiên họp thường kỳ UBND tỉnh chú ý xem xét việc thu hồi một số diện tích đất giao về địa phương quản lý. Đáng chú ý có 2 công ty thuộc Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam thì một công ty (CTCP Cao su Tây Ninh) quản lý đất đai rất chặt chẽ, sử dụng đất hiệu quả, quy hoạch chi tiết gần như không thay đổi, còn một công ty (Cao su Tân Biên) thì quản lý lỏng lẻo, cho cá nhân mượn và bị dân lấn chiếm khá nhiều nên phải thu hồi một số, một số còn phải chờ ý kiến chỉ đạo xử lý của Thủ tướng Chính phủ.
N.T.H