UBND tỉnh họp phiên thường kỳ tháng 8 năm 2020

Thứ tư - 12/08/2020 20:00 69 0
Chiều ngày 12/8, UBND tỉnh họp phiên thường kỳ tháng 8 năm 2020 cho ý kiến một số nội dung. Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Hùng và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng chủ trì phiên họp.

Quang cảnh hội nghị

Cùng tham dự còn có đồng chí Võ Đức Trong - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Huỳnh Thanh Phương - Phó trưởng đoàn phụ trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh, lãnh đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thị, xã, thành phố có liên quan.

Tại hội nghị, các đại biểu nghe trình dự thảo Đề án định hướng phát triển Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, cho thấy, Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài là cửa ngõ kết nối với các nước ASEAN, có nhiều điều kiện để thu hút dòng vốn FDI trong tình hình mới, có tiềm năng là trụ cột mới trong động lực phát triển công nghiệp vùng Đông Nam bộ theo hành lang Xuyên Á, đồng thời góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế dọc biên giới. Với những cơ hội đang được mở ra, Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài đã sẵn sàng cho những bước đột phá sắp tới để tạo nên sự phát triển mới.


Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Đức Trong phát biểu tại hội nghị

Sau khi nghe ý kiến đóng góp của các đại biểu, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Hùng kết luận, cơ bản thống nhất với những nội dung được trình có liên quan đến Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, đề nghị đơn vị tư vấn tiếp thu các ý kiến góp ý của các đại biểu xoay quanh các vấn đề về đất đai, nguồn nước, cơ sở pháp lý, về các chính sách xã hội khi thực hiện quy hoạch, cần có sự gắn kết giữa các Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài và Xa Mát để tạo ra sự phát triển.


Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Văn Cung trình bày nội dung về điều chỉnh quy hoạch

Hội nghị còn nghe Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh trình nội dung về việc cho chủ trương đề xuất thay đổi vị trí và diện tích quy hoạch Khu công nghiệp Hiệp Thạnh, theo hướng chuyển từ vị trí ấp Chánh sang ấp Đá Hàng (trong cùng xã Hiệp Thạnh, huyện Gò Dầu) và từ diện tích 250 ha thành 574 ha.


Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phạm Lưu Nhạn nêu nội dung các tờ trình

Sở Kế hoạch và Đầu tư trình Tờ trình về việc cho chủ trương lập khu vực sản xuất, chế biến sản phẩm cho ngành trang trí nội thất và ngành xây dựng diện tích 149,52ha tại xã Hưng Thuận, thị xã Trảng Bàng và đấu giá 43 ha trong tổng diện tích nêu trên để kêu gọi đầu tư dự án Nhà máy sản xuất, chế biến sản phẩm cho ngành trang trí nội thất và ngành xây dựng. Và Tờ trình phê duyệt/điều chỉnh chủ trương đầu tư 5 dự án đầu tư công thuộc thẩm quyền quyết định của UBND tỉnh gồm dự án Nâng cấp, mở rộng đường từ Huyện đội - Ngã ba Sọ - Đường huyện 3 - Đường huyện 4 (huyện Châu Thành); dự án xây dựng Trung tâm kiểm soát bệnh tật (giai đoạn 2); dự án Nâng cấp Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm (giai đoạn 2); dự án Nâng cấp khoa Khám - Cấp cứu, Trung tâm Y tế huyện Châu Thành và dự án đường Huỳnh Tấn Phát (thành phố Tây Ninh).


Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu kết luận đối với từng nội dung được trình

Về các nội dung này, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị các cơ quan tham mưu tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu, hoàn chỉnh lại nội dung để thực hiện các bước theo quy trình. Hội nghị cũng cơ bản đồng ý thông qua 3 dự án (gồm dự án xây dựng Trung tâm kiểm soát bệnh tật; dự án Nâng cấp Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm; dự án Nâng cấp khoa Khám-cấp cứu, Trung tâm Y tế huyện Châu Thành). Riêng dự án Huyện đội - Ngã ba Sọ - Đường huyện 3 - Đường huyện 4 (huyện Châu Thành) và dự án đường Huỳnh Tấn Phát cùng dự án Thiết lập hệ thống bệnh án điện tử còn có ý kiến khác nhau sẽ tiếp tục làm rõ tạo sự thống nhất để thực hiện các bước theo quy trình.

Cũng tại hội nghị, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình Tờ trình về ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Tây Ninh, giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh sẽ có 26 xã đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu có 12 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. 6 huyện (gồm: Tân Biên, Tân Châu, Dương Minh Châu, Châu Thành, Gò Dầu, Bến Cầu) đạt chuẩn huyện nông thôn mới; thành phố Tây Ninh, hai thị xã Hòa Thành, Trảng Bàng hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Tổng nhu cầu vốn cần cho giai đoạn này là 12.710 tỷ đồng, trong đó, vốn huy động trong cộng đồng dân cư là 758 tỷ đồng (chiếm 6%).

Phiên họp còn xem xét, cho ý kiến để điều chỉnh một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội trong Văn kiện trình Đại hội XI Đảng bộ tỉnh.

XV

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây