UBND tỉnh: Làm việc với ba xã cánh Tây huyện Trảng Bàng

Thứ ba - 04/09/2012 00:00 87 0
Nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc của địa phương cơ sở trong thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, ngày 31.8.2012, tại Nhà văn hoá xã Bình Thạnh, UBND tỉnh có buổi làm việc với 3 xã Phước Lưu, Phước Chỉ và Bình Thạnh, huyện Trảng Bàng. Tham dự có bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ - Chủ tịch UBND tỉnh, ông Nguyễn Văn Bênh - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, ông Trần Lưu Quang - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cùng lãnh đạo Uỷ ban MTTQVN tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành tỉnh, lãnh đạo huyện Trảng Bàng, các phòng của huyện và UBND ba xã cánh Tây Trảng Bàng.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Lưu Quang phát biểu trong buổi làm việc

 

Các xã Bình Thạnh, Phước Chỉ, Phước Lưu nằm ở phía Tây huyện Trảng Bàng, trong đó có 2 xã giáp biên giới Campuchia, với chiều dài đường biên là 14,7 km. Do nằm cách xa trung tâm huyện (bị ngăn cách bởi dòng sông Vàm Cỏ Đông) nên việc giao thương với khu vực bên ngoài để phát triển kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn. Kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ chiếm tỷ trọng rất thấp. Tổng vốn đầu tư trên địa bàn ba xã trong năm 2012 là 17,047 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách huyện là 8,067 tỷ đồng, vốn tỉnh hỗ trợ mục tiêu là 8,98 tỷ đồng. Tính đến tháng 8.2012, ba xã đã gieo trồng được 11.830,5 ha, đạt trên 90% kế hoạch đề ra, trong đó: lúa 11.604 ha, thuốc lá 226,5 ha. Tận dụng mặt nước sông Vàm Cỏ Đông, nhân dân tích cực phát triển nuôi trồng thuỷ sản (cá lóc, cá lóc bông…), mang lại hiệu quả khá. Đến hết tháng 7.2012, thu ngân sách ba xã được 5.583 tỷ đồng, đạt 57,68% so với dự toán. Tổng chi 4,95 tỷ đồng, đạt 50,4% so với dự toán. Trên địa bàn ba xã, có khoảng 300 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, chủ yếu là kinh doanh dịch vụ. Xã Phước Lưu, Phước Chỉ đã được phân bổ vốn để lập quy hoạch xây dựng nông thôn mới, xã Bình Thạnh mới bắt đầu triển khai công tác lập quy hoạch. Do thực hiện tốt chỉ đạo của cấp trên về công tác biên giới, nên tình hình biên giới luôn ổn định về an ninh trật tự. Các chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức vùng sâu biên giới được thực hiện đầy đủ.

Để tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, UBND ba xã cánh Tây kiến nghị: UBND tỉnh quan tâm đầu tư thêm kinh phí dự án xã nghèo, để tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tại địa phương; đầu tư kinh phí xây dựng đê bao tiểu vùng kênh Quận 2 thuộc ấp Phước Giang, giáp ranh với ấp Phước Hội, xã Phước Chỉ để thâm canh tăng vụ; xây dựng cầu giao thông nông thôn Rạch Lò 2 thuộc ấp Phước Giang để nhân dân đi lại thuận lợi; nạo vét kênh thuỷ lợi bàu Cần Thăng ấp Phước Tân, xã Phước Lưu, vừa chống ngập úng vừa phục vụ sản xuất; sớm khởi công nâng cấp phún sỏi đỏ đường Lái Mai; khởi công đê bao tiểu vùng 1 ấp Phước Đông, xã Phước Chỉ; đầu tư, sửa chữa các công trình cấp nước sạch cho ba xã cánh Tây…

Các sở, ngành đã giải trình và đề xuất hướng giải quyết cụ thể từng kiến nghị. Qua đó cho thấy, các sở, ngành biết rất rõ những khó khăn địa phương đang gặp phải, nên đã có sự quan tâm đặc biệt và có hướng tháo gỡ trong thời gian tới.

Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thu Thuỷ ghi nhận sự nỗ lực của địa phương trong thời gian qua, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng dưới sự chỉ đạo của cấp uỷ, nội bộ đoàn kết, nhất trí cao trong hành động, ba xã đã có những kết quả đáng khích lệ. Chủ tịch UBND tỉnh biểu dương các địa phương đã làm tốt công tác an sinh xã hội, ngoài việc hỗ trợ của cấp trên, địa phương đã vận động mạnh thường quân giúp đỡ, hỗ trợ kinh phí cho những công trình phúc lợi xã hội; chăm lo đời sống người dân trong lĩnh vực nông nghiệp, không để xảy ra dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi; tổ chức thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; tình hình an ninh trật tự trên tuyến biên giới và nội địa luôn ổn định. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh nhắc nhở, các địa phương chuyển dịch cơ cấu cây trồng còn chậm; việc đào tạo nghề nông thôn chưa được quan tâm đúng mức; các địa phương cần ghi nhận những góp ý cụ thể của các sở, ngành để có hướng phát triển trong thời gian tới. Với đặc điểm là địa phương vùng sông nước, để việc phát triển kinh tế - xã hội bền vững, ngoài việc nhận được hỗ trợ của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị: lãnh đạo huyện Trảng Bàng cần liên kết với các đơn vị nuôi trồng thuỷ sản để hỗ trợ cho người dân, phải làm tốt hơn nữa công tác khuyến công, khuyến ngư, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng; thực hiện tốt Chương trình 1956 của Thủ tướng Chính phủ về việc đào tạo nghề nông thôn để tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn; các xã phải chủ động trong việc phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, giải quyết việc làm cho địa phương mình.

(Theo BTNO)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây