UBND tỉnh thị sát hoạt động phòng, chống rầy nâu và cúm gia cầm: “phòng là chính” để hạn chế thiệt hại

Thứ năm - 31/05/2012 00:00 59 0

Sáng ngày 3.3.2008, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Châu cùng Ban Chỉ đạo phòng, chống rầy nâu, vàng lùn, lùn xoắn lá trên lúa (gọi tắt là Ban chỉ đạo tỉnh) và lãnh đạo Sở NN&PTNT, Chi cục Thú y đi thị sát tình hình dịch bệnh ở lúa và gia cầm tại các huyện Châu Thành, Bến Cầu.

Cảnh giác với đợt dịch rầy nâu mới

Theo Ban chỉ đạo tỉnh, trong vụ đông xuân 2007 – 2008, toàn tỉnh đã gieo sạ 41.551 ha lúa. Đến đầu tháng 3.2008, có khoảng 21.400 ha lúa đang ở thời kỳ đứng cái – làm đòng, có hơn 17.000 ha đã trổ bông và có gần 3.000 ha đã được thu hoạch.

Từ đầu vụ, hầu như không có dấu hiệu dịch bệnh đáng ngại nào, cây lúa phát triển tốt. Tuy nhiên, từ ngày 8.2 đến ngày 22.2.2008, rầy nâu gia tăng bất thường ở nhiều nơi, nhiều cánh đồng. Các giống lúa nhiễm rầy nâu nặng nhất là giống OM 1490, OM 2514, Trâu nằm, IR 50404, OM 3536, VNĐ 95-20… Theo nhận định của Chi cục Bảo vệ thực vật, đây là đợt rầy nâu mới phát sinh bởi trong hai vụ trước (hè thu và vụ mùa 2007), hầu như không có rầy nâu trên các cánh đồng.

Tổng diện tích lúa nhiễm rầy nâu trong toàn tỉnh lên đến 25.000 ha, trong đó có 4.321 ha bị nhiễm nặng (trên 3.000 đến 6.000 con/m2) tại các huyện Châu Thành (2.176 ha), Bến Cầu (1.736 ha), Gò Dầu (100 ha), Hoà Thành (2ha), Trảng Bàng (307 ha). Có 7.151 ha lúa bị nhiễm rầy nâu ở mức trung bình (trên 1.500 đến 3.000 con/m2) và có 13.938 ha bị nhiễm rầy ở mức độ nhẹ. Cho đến thời điểm đầu tháng 3.2008, sau nhiều đợt phun thuốc diệt rầy, số rầy nâu trên các cánh đồng đã giảm nhiều, chỉ còn không đầy 5.000 ha. Trong vụ đông xuân 2007 - 2008, chỉ có 2,2 ha lúa bị bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá ở mức độ nhẹ tại cánh đồng xã Phước Chỉ, Trảng Bàng.

Từ ngày 16.2 đến ngày 27.2.2008, các địa phương phối hợp cùng Chi cục Bảo vệ thực vật, các trạm Bảo vệ thực vật… tổ chức ra quân đồng loạt nhiều đợt, phun xịt thuốc diệt rầy trên gần 10.300 ha lúa tại 23 xã thuộc 5 huyện có lúa bị nhiễm rầy nâu, đồng thời lắp đặt 11 bẫy đèn diệt rầy nâu. Hiện tại, lượng thuốc diệt rầy nâu chưa sử dụng trong toàn tỉnh còn khoảng hơn 21.000 lít, có khả năng đáp ứng cho việc phòng trừ rầy trên diện tích gần 22.000 ha.

Ban Chỉ đạo phòng, chống rầy nâu, vàng lùn, lùn xoắn lá khuyến cáo: Dự báo, trong thời điểm từ ngày 1 đến ngày 15.3, sẽ có một đợt rầy nâu mới phát sinh trên lúa. Do vậy, nông dân cần thường xuyên thăm đồng để sớm phát hiện và có biện pháp diệt rầy kịp thời, hiệu quả. Đối với lúa đang làm đòng, trổ, ngậm sữa, nông dân cần tích cực kiểm tra mật độ rầy nâu. Khi phát hiện, cần phối hợp với các hộ láng giềng dùng nhóm thuốc chống lột xác xịt tập trung, phun kỹ tới gốc lúa khi rầy còn non, trước khi xịt phải đưa nước vào ruộng lúa. Mặt khác, hiện nay, do giá lúa đang ở mức có lợi cho nông dân nên tại một số địa phương, sau khi thu hoạch vụ Đông Xuân sớm, nhiều diên tích đất đã được nông dân tranh thủ xuống giống. Điều này là không nên vì cần phải có thời gian ngắt vụ (cách vụ) ít nhất từ 15 đến 20 ngày để tránh rầy nâu lây lan từ vụ này sang vụ khác.

Tích cực phòng chống, ngăn chặn lây lan dịch cúm gia cầm vào Tây Ninh

Ông Tôn Thất Hàn, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Tây Ninh cho biết: Hiện tổng đàn gia cầm, thuỷ cầm và chim cút trong tỉnh có khoảng hơn 1,5 triệu con. Trong đó, có khoảng 800.000 con vịt, 600.000 con gà, hơn 150.000 chim cút. Hầu hết số gia cầm, thuỷ cầm đều đã được tiêm vắc xin phòng cúm gia cầm. Với một số gia cầm, thuỷ cầm mới phát sinh, ngành Thú y đã liên tục tiêm bổ sung theo phương châm “Phòng là chính, cơ sở là chính, người dân là chính”,  đồng thời, ngành Thú y thực hiện công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm theo phương châm “Phát hiện sớm, xử lý gọn, bao vây ổ dịch”.

Từ đầu năm đến nay, trước tình hình dịch cúm gia cầm tái phát  tại nhiều tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cúm gia cầm các cấp và ngành Thú y đã tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm trên nhiều phương diện. Chốt chặn, kiểm tra tại khu vực các cửa khẩu và các đầu mối giao thông trong nhiều tháng qua, ngành chức năng vẫn không phát hiện có tình trạng nhập lậu gia cầm từ Campuchia sang Tây Ninh. Công tác tiêu độc khử trùng tại các chuồng trại chăn nuôi tập trung, điểm buôn bán gia cầm, cơ sở ấp trứng, lò giết mổ… được ngành Thú y duy trì thường xuyên. Đến nay, toàn tỉnh đã có 860 hộ nuôi vịt được cấp sổ đăng ký nuôi vịt chạy đồng. Theo nhận định của các địa phương, hầu hết các hộ chăn nuôi vịt chạy đồng đều chấp hành tốt quy định đăng ký xin cấp sổ trước khi nuôi thả đồng…

Sau buổi thị sát, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Châu đánh giá cao những nỗ lực của các ngành chức năng, chính quyền các địa phương trong công tác nỗ lực phòng, chống rầy nâu cũng như dịch cúm gia cầm. Tuy rầy nâu bùng phát bất ngờ diện rộng, diện tích lúa nhiễm rầy cao nhưng đến nay, công tác phòng, chống rầy nâu đã đạt hiệu quả đáng kể, không để thiệt hại nặng cho nông dân. Trong thời gian tới, các cấp, các ngành cần chủ động hơn nữa, phối hợp tốt hơn nữa, dự đoán chắc hơn, nắm bắt tình hình nhanh hơn, chính xác hơn nữa để đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh đạt  hiệu quả cao nhất, bảo vệ được mùa màng cho nông dân, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng năm 2008 và những năm tiếp theo.

HOÀNG ANH
 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây