Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Trần Văn Chiến và Cục Trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long đồng chủ trì hội nghị. Tham dự còn có Lãnh đạo Sở NN&PTNT các tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố.
Quang cảnh hội nghị
Hiện nay, cả nước đã có 2.230 cơ sở, vùng chăn nuôi tại 55 tỉnh, thành phố trong cả nước được chứng nhận an toàn dịch bệnh (trong đó có các cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh đối với nhiều loài động vật, nhiều bệnh), bao gồm 922 cơ sở, vùng chăn nuôi gia cầm, 1.133 cơ sở, vùng chăn nuôi heo và 175 cơ sở, vùng chăn nuôi gia súc khác.
Phó Chủ tịch Trần Văn Chiến phát biểu tại hội nghị
Tại tỉnh Tây Ninh, công tác xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật được xác định là nội dung rất quan trọng trong công tác triển khai thực hiện chiến lược phát triển chăn nuôi.
Hiện nay, cơ cấu chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Tây Ninh tiếp tục chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi quy mô trang trại tập trung, đảm bảo an toàn sinh học theo phương thức bán công nghiệp và công nghiệp, có kiểm soát, áp dụng tiến bộ kỹ thuật tiên tiến, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Sau 02 năm thực hiện Kế hoạch Chiến lược phát triển chăn nuôi, đến nay toàn tỉnh Tây Ninh đã có 01 huyện (huyện Dương Minh Châu) được chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh cấp huyện; huyện Gò Dầu có 06 vùng an toàn dịch bệnh cấp xã đối với bệnh Cúm gia cầm và Newcastle trên gà; huyện Bến Cầu có 09 vùng an toàn dịch bệnh cấp xã đối với bệnh Lở mồm long móng trên bò; có 64 cơ sở chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh (trong đó 47 cơ sở chăn nuôi gà, 15 cơ sở chăn nuôi heo, 02 cơ sở chăn nuôi bò).
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có 03 chuỗi cung ứng thịt heo an toàn chuỗi của hệ thống Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam; chuỗi giá trị chăn nuôi heo của Công ty Cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam; chuỗi giá trị chăn nuôi gà của Tập đoàn Hùng Nhơn - De Heus - Bel gà; nhà máy sản xuất trứng gà thương phẩm của Công ty TNHH QL Vietnam Agroresources và Công ty QL Farm tại huyện Tân Biên.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến kết luận tại hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị các địa phương tiếp tục triển khai các chương trình, kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ và Bộ NN&PTNT phê duyệt, theo đó hướng tới năm 2025 sẽ đạt ít nhất 04 huyện an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới, đến năm 2030 đạt 10 huyện. Theo đó, quy hoạch và phát triển chăn nuôi theo vùng sản xuất gắn với chế biến, bảo quản và thị trường tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trang trại.
Đối với các doanh nghiệp chăn nuôi cần tiếp tục duy trì các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, tổ chức đánh giá và lấy mẫu giám sát định kỳ hằng năm, bảo đảm yêu cầu tiến tới công nhận an toàn dịch bệnh theo quy định của Việt Nam, theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới đối với các cơ sở chăn nuôi hướng đến xuất khẩu. Tiếp tục xây dựng hồ sơ đăng ký chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh theo quy định của Việt Nam và mời cơ quan thẩm quyền của nước nhập khẩu đến đánh giá, công nhận chuỗi sản xuất an toàn dịch bệnh theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới và theo yêu cầu của nước nhập khẩu.
Cục Thú y tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp chăn nuôi và địa phương xây dựng thành công chuỗi chăn nuôi, vùng an toàn dịch bệnh để có thể xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật. Tổ chức tập huấn về quy định, chuyên môn, kỹ thuật trong quá trình thực hiện xây dựng chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh. Hỗ trợ thực hiện các biện pháp kỹ thuật trong việc xây dựng cơ sở chăn nuôi, giết mổ, chế biến đáp ứng các tiêu chuẩn của Tổ chức thú ý thế giới và yêu cầu các nước.
Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác xây dựng chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh
Tại hội nghị, diễn ra lễ ký kết thoả thuận hợp tác giữa Công ty De Heus Việt Nam với Cục Thú y và các tỉnh tham dự hội nghị về tổ chức xây dựng chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh.
DP