Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc trao Bằng khen cho các tập thể và cá nhân.
Tại hội nghị tổng kết chiều 23/12, đại tá Lý Hồng Sinh, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết, ngày 18/9/2009, UBND tỉnh phê duyệt Đề án "Phòng, chống tội phạm trộm cắp tài sản trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2015". Việc triển khai Đề án đúng thời điểm, nhiều giải pháp được thực hiện trong những năm qua đã góp phần kéo giảm 4,8% số tội phạm trộm cắp tài sản trên địa bàn tỉnh so với giai đoạn trước, tỷ lệ điều tra khám phá án tăng lên theo từng năm. Các cấp uỷ, chính quyền và nhân dân có sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động, vai trò và trách nhiệm trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trộm cắp tài sản được nâng lên, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân.
Công tác tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm trộm cắp tài sản được tăng cường với nhiều nội dung và hình thức phong phú. Song song đó, lực lượng tuần tra nhân dân, dân quân tự vệ tiến hành tuần tra kết hợp nhắc nhở từng hộ dân để xe gắn máy không an toàn hoặc không đóng cửa nhà vào ban đêm. Đặc biệt, phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được triển khai rộng khắp với mô hình "Toàn dân tham gia tố giác, truy bắt tội phạm" và "Tổ công nhân công trình đô thị tham gia giữ gìn an ninh trật tự" hoạt động rất hiệu quả. Qua đó, quần chúng nhân dân đã cung cấp cho lực lượng Công an hơn 5.000 nguồn tin có giá trị liên quan đến an ninh trật tự, trực tiếp bắt 284 đối tượng trộm cắp tài sản, qua điều tra làm rõ thêm 101 vụ trộm trước đó. Trong giai đoạn 2009 – 2015, từ phong trào này đã có 4 tập thể, 17 người dân được UBND tỉnh tặng Bằng khen; 97 tập thể và 655 người dân được Ban giám đốc Công an tỉnh và UBND huyện, thành phố tặng Giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống tội phạm.
Theo số liệu thống kê của Công an tỉnh, từ ngày 15/7/2009 đến 16/10/2015, trên toàn tỉnh xảy ra 3.784 vụ trộm cắp tài sản (giảm 192 vụ so với giai đoạn trước), gây thiệt hại 1.922 mô tô, 1 ô tô, hơn 19,8 tỷ đồng, gần 2.700 chỉ vàng, 29.700 USD và nhiều tài sản khác trị giá hơn 16,4 tỷ đồng. Địa bàn xảy ra nhiều nhất là thành phố Tây Ninh và Trảng Bàng; ít nhất là huyện Dương Minh Châu và Bến Cầu. Nổi lên là tội phạm trộm nóng xe mô tô, với 1.568 vụ - chiếm 41,43% trong tổng số vụ trộm cắp tài sản; thời gian mất trộm nhiều nhất là vào ban đêm với 2.018 vụ (chiếm 53,33%).
Lực lượng Công an đã điều tra làm rõ 2.163 vụ, bắt 2.927 đối tượng, trong đó có 494 đối tượng hoạt động liên tỉnh; thu hồi 813 mô tô, hơn 10 tỷ đồng, 2.105 USD, hơn 600 chỉ vàng và nhiều tài sản khác trị giá gần 6 tỷ đồng.
Công tác nghiệp vụ cơ bản phục vụ cho công tác phòng, chống trộm cắp tài sản có bước chuyển biến rõ rệt, công tác điều tra cơ bản được các đơn vị triển khai thực hiện có chiều sâu và đạt kết quả cao; sự phối hợp giữa Công an các đơn vị, huyện, thành phố được chú trọng, kịp thời trao đổi thông tin, quản lý đối tượng sưu tra, bắt xử lý chiếm 63%; các đối tượng hoạt động theo băng, ổ, nhóm đều được xác lập hiềm nghi để xác minh làm rõ; số lượng chuyên án trinh sát đấu tranh với tội phạm trộm cắp tài sản được xác lập nhiều hơn trước, các chuyên án trinh sát sau khi phá án đã làm rõ 1.252 vụ trộm cắp tài sản, góp phần nâng tỷ lệ điều tra khám phá…
Đối với việc thực hiện Chương trình mục tiêu 4 giảm của tỉnh, qua 5 năm, đến nay đã xây dựng và triển khai nhiều mô hình, phong trào phòng, chống tội phạm đem lại hiệu quả thiết thực như Câu lạc bộ "4 giảm", CLB gia đình hạnh phúc, Chi hội không có người thân, chồng, con nghiện ma tuý của Hội Liên hiệp Phụ nữ; Đội Tuần tra Nhân dân của Công an; Tổ dân cư tự quản của Mặt trận Tổ quốc… Một số địa phương có cách làm hay như tổ chức đoàn thể giúp đỡ, cảm hoá người lầm lỗi ở địa bàn dân cư xã Long Thuận, huyện Bến Cầu; mời gia đình và người mắc tệ nạn trao đổi thông tin, công khai hoá trước dân của xã Trường Tây, huyện Hoà Thành; phân công các đoàn thể phối hợp cùng gia đình cảm hoá, giáo dục người vi phạm pháp luật, xây dựng tổ nòng cốt trong vận động thực hiện "4 giảm" của huyện Gò Dầu… qua đó vận động nhân dân tham gia cùng với chính quyền địa phương xây dựng khu dân cư, ấp văn hoá không có tội phạm và tệ nạn xã hội.
Công tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm được tập trung chỉ đạo quyết liệt, các lực lượng chức năng tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, tổ chức truy quét trong các đợt cao điểm, trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, phức tạp. Lực lượng Công an khám phá nhiều chuyên án với tính chất quy mô lớn; công tác điều tra tố tụng đảm bảo đúng quy định pháp luật, không để xảy ra oan sai; tình hình tội phạm theo Chương trình mục tiêu 4 giảm giai đoạn 2011 – 2015 được kiềm chế, kéo giảm; tình hình tai nạn giao thông năm sau được kéo giảm so với năm trước trên cả 3mặt.
Tuy nhiên, trong thực hiện Đề án phòng, chống tội phạm trộm cắp tài sản giai đoạn 2009 – 2015 vẫn còn một số hạn chế như tình hình tội phạm trộm cắp tài sản tuy có giảm nhưng vẫn chiếm tỷ lệ cao trong tổng số vụ xâm phạm trật tự xã hội; tỷ lệ điều tra khám phá chưa đạt theo mục tiêu, lộ trình đề ra trong Đề án… Trong Chương trình mục tiêu "4 giảm", công tác phối hợp phòng, chống tội phạm, đảm bảo trật tự an toàn giao thông của các cơ quan chức năng có lúc chưa kịp thời và thiếu chặt chẽ; số người nghiện ma tuý ngày càng tăng; tai nạn giao thông được kiềm chế nhưng chưa thật sự bền vững, nhất là số người chết do TNGT…
Phát biểu tại Hội nghị, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc cho rằng, nhiều nội dung trong thực hiện Đề án phòng, chống trộm cắp tài sản và Chương trình mục tiêu "4 giảm" đạt được kết quả cao, điều đó cho thấy nỗ lực, quyết tâm cao của các ngành, các cấp trong việc đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, nhất là ngành Công an.
Ông Nguyễn Thanh Ngọc nhấn mạnh, trong thời gian tới, tình hình tội phạm ngày càng diễn biến phức tạp, nhất là các loại tội phạm hoạt động theo băng, nhóm, tội phạm có tổ chức với những thủ đoạn tinh vi, tính chất, mức độ ngày càng nguy hiểm… do đó, cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền, mặt trận, đoàn thể, các lực lượng, nhất là Công an và các lực lượng giữ gìn an ninh – trật tự địa phương trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu "4 giảm" và tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án phòng, chống trộm cắp tài sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015 – 2020, xem đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Xác định rõ trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân trong lãnh đạo thực hiện công tác này, nơi nào thiếu sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo để tội phạm, tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông gia tăng thì cấp uỷ, người đứng đầu đơn vị, thủ trưởng, người đứng đầu chính quyền, các cơ quan liên quan… phải chịu trách nhiệm với cấp trên.
Nắm chắc tình hình, đánh giá đúng thực trạng tình hình an ninh trật tự, tội phạm, tệ nạn xã hội và TNGT ở địa phương để đề ra giải pháp đồng bộ, thiết thực, hiệu quả để phòng chống, kéo giảm. Từng địa phương, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ xây dựng kế hoạch thực hiện, phối hợp với các lực lượng chức năng, nhất là Công an, trong công tác này.
Coi trọng các biện pháp phòng ngừa, kéo giảm tội phạm, tệ nạn xã hội ngay tại cơ sở, kịp thời phát hiện, giải quyết tận gốc những mầm móng gây bất ổn về an ninh trật tự, phát sinh tội phạm, tệ nạn, TNGT. Củng cố, xây dựng và nhân rộng các mô hình tự quản ở khu dân cư; thiết lập các mạng lưới, hệ thống trao đổi, cung cấp, tiếp nhận, xử lý thông tin liên quan đến tội phạm, tệ nạn xã hội và TNGT. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền đi đôi với công tác tuần tra, kiểm soát, đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông; lập lại trật tự, chuyển hoá nhanh, ổn định các địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh – trật tự và những "điểm đen" thường xuyên xảy ra TNGT.
Quan tâm củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Công an và các lực lượng giữ gìn an ninh trật tự địa phương đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Quan tâm đào tạo, nâng cao trình độ nghiệp vụ cho lực lượng chuyên trách trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết cho lực lượng chức năng thực hiện và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, nhất là những lực lượng trực tiếp đối mặt với các mối nguy hiểm về tính mạng, sức khoẻ… Tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp đồng bộ để bảo đảm an toàn tuyệt đối Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Tết nguyên đán Bính Thân 2016.
Đặng Hoàng Thái