Theo các báo cáo và số liệu thống kê từ năm 2007 đến 6 tháng đầu năm 2017, tội phạm mua bán người xảy ra trên địa bàn tỉnh theo hướng gia tăng, năm 2007 khởi tố 3 vụ/9 bị can thì đến năm 2013 khởi tố 10 vụ/70 bị can và xảy ra nhiều ở giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2015 (khởi tố 46 vụ/231 bị can), đây cũng là thời điểm tội phạm mua bán người hoạt động rộng khắp trên địa bàn tỉnh, xảy ra hầu hết các huyện, thị. Tuy nhiên, bằng sự quyết tâm kéo giảm tình trạng trên, các cơ quan tiến hành tố tụng tại địa phương đã phối hợp xử lý nghiêm, nên từ sau năm 2015 đến nay tình hình tội phạm mua bán người đã lắng dịu, mỗi năm khởi tố từ 2 đến 6 bị can.
Về phương thức, thủ đoạn phạm tội, thì tại địa phương, tội phạm mua bán người tập trung chủ yếu vào sự nhẹ dạ, cả tin của các cô gái trẻ ở vùng nông thôn chưa có công ăn việc làm ổn định, muốn thoát ly gia đình để mưu cầu cuộc sống đầy đủ hơn, rồi dụ dỗ, lừa gạt, bán họ cho những đường dây mua bán người xuyên quốc gia; mà chưa xảy ra tình trạng các nạn nhân bị đối tượng tiếp cận làm quen qua mạng xã hội (facebook, zalo), tán tỉnh yêu đương, sau khi chiếm được tình cảm của nạn nhân thì rủ rê nạn nhân đi du lịch rồi đưa các nạn nhân sang nước ngoài bán, như các tỉnh thành khác. Tuy nhiên, trong công tác phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người, các cơ quan tiến hành tố tụng cũng đã dự liệu tình huống này để nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật trong quần chúng nhân dân thông qua các phiên tòa.
Qua công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án mua bán người thấy phần lớn phụ nữ Việt Nam bị bán sang Trung Quốc với mục đích làm vợ, còn bán sang Malaysia với mục đích mại dâm. Đây là đặc điểm chung tại địa phương mà chúng ta cần chú ý khi làm công tác tuyên truyền.
Từ tình hình diễn biến phức tạp trên địa bàn, lãnh đạo ngành Kiểm sát tỉnh Tây Ninh đã quan tâm chỉ đạo sát sao, quyết liệt, nhất là đối với những vụ việc có tính chất phức tạp; phân công cán bộ, Kiểm sát viên có năng lực, trình độ, kinh nghiệm kiểm sát tin báo, thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử tội phạm về mua bán người, tăng cường hướng dẫn chỉ đạo và kiểm tra đôn đốc; trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, tổ chức tập huấn, hội thảo (nếu có đủ điều kiện), ... nâng cao trách nhiệm, kinh nghiệm, trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm về mua bán người nói riêng và phòng, chống các loại tội phạm nói chung; phối hợp với các cơ quan Công an, Toà án, Bộ đội biên phòng... thực hiện đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm về mua bán người, kịp thời chỉ đạo, khởi tố, điều tra, truy tố, đưa ra xét xử nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với các vụ án về tội mua bán người.
Phiên toàn xét xử vụ án mua bán người năm 2014 (Ảnh baotintuc.vn).
Do làm tốt công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra nên các quyết định xử lý của Viện kiểm sát ở giai đoạn truy tố đều có căn cứ, đúng pháp luật, việc truy tố đúng người, đúng tội, đúng thời hạn luật định. Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án mua bán người đã thụ lý thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử 53 vụ/ 317 bị cáo (án cũ 6 vụ/ 72 bị cáo, án mới 47 vụ/ 245 bị cáo). Tòa án đã đưa ra xét xử 51 vụ/ 312 bị cáo. Hiện còn tồn tại Tòa 2 vụ/5 bị cáo; công tác truy tố tội phạm mua bán người đã được Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh thụ lý 47 vụ/ 245 bị can. Đã giải quyết truy tố 47 vụ/ 245 bị can, đạt tỷ lệ 100%.
Phiên toàn xét xử vụ án mua bán người năm 2015 (Ảnh toaan.gov.vn)
Ngoài ra, Viện kiểm sát còn xem xét bồi thường thiệt hại cho người bị hại trong các vụ án mua bán người đảm bảo thực hiện đúng quy định của Bộ luật dân sự; phối hợp với Cơ quan điều tra và Tòa án xác định 39 vụ án trọng điểm, để đẩy nhanh quá trình điều tra, truy tố, xét xử phục vụ tình hình chính trị tại địa phương; Phối hợp với Tòa án tổ chức 36 phiên tòa lưu động, nhằm mục đích tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong quần chúng nhân dân./.
THP