Siết chặt quản lý kinh doanh vận tải đường bộ

Thứ hai - 14/10/2013 00:00 43 0
Sau gần 5 năm thực hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2008 cũng như các văn bản hướng dẫn của Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải (GTVT), công tác quản lý nhà nước về kinh doanh vận tải bằng ô tô đã đạt được những chuyển biến tích cực.

 

 

Mặc dù vậy, qua công tác thanh, kiểm tra cho thấy ở nhiều địa phương việc xử lý vi phạm còn thiếu kiên quyết, dẫn đến tình trạng nhiều đơn vị kinh doanh vận tải, bến xe khách không thực hiện đúng các quy định, đặc biệt là những quy định có liên quan đến đảm bảo trật tự an toàn giao thông và chất lượng dịch vụ vận tải.

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, vận tải đường bộ vẫn là phương thức vận tải chủ đạo trong hệ thống vận tải ở nước ta. Tính trong 7 tháng năm 2013, vận tải hành khách bằng đường bộ đạt gần 1,6 tỷ lượt khách (chiếm 91,7% sản lượng vận tải hành khách toàn ngành), vận tải hàng hóa bằng đường bộ ước tính đạt hơn 447 triệu tấn (chiếm 78%sản lượng toàn ngành). Riêng đối với phương tiện kinh doanh vận tải, tính đến ngày 15/8, cả nước có 110.965 xe ô tô chở khách, 669.754 xe ô tô vận tải hàng hoá các loại đang hoạt động. Hiện cả nước có 410 bến xe khách được xếp từ loại 6 đến loại 1, có 20 trạm dừng, nghỉ đã được đưa vào khai thác phục vụ hành khách trên các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh.

Các quy định về kinh doanh vận tải đường bộ của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 cũng dần đi vào cuộc sống. Các đơn vị kinh doanh vận tải đường bộ đã hình thành và phát triển mạnh mẽ, có tính xã hội hoá sâu rộng nhất trong các phương thức vận tải. Bộ GTVT đã thực hiện điều hành vận tải tập trung, tổ chức và duy trì bộ phận theo dõi an toàn giao thông, áp dụng công nghệ hiện đại, lắp đặt và sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình xe ô tô trong quản lý kinh doanh của đơn vị.

Mạng lưới dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ đã hình thành rộng khắp cả nước, hầu hết các trung tâm huyện đều đã có bến xe là đầu mối phục vụ vận tải hành khách cố định, xe buýt và vận tải sức chở nhỏ kết nối đến tận xã, phường, thôn, bản. Nhiều đơn vị kinh doanh kho, bãi đầu mối dịch vụ vận tải hàng hoá đường bộ đã chủ động đầu tư mở rộng mặt bằng, xây dựng cơ sở vật chất có quy mô lớn, áp dụng công nghệ quản lý hiện đại, tích hợp nhiều dịch vụ, trở thành những trung tâm hậu cần quan trọng đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất tại các địa phương, đặc biệt là tại các trung tâm kinh tế và đầu mối vận tải lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Dù vậy, kết quả nói trên cũng chưa thể khỏa lấp được những tồn tại, yếu kém trong quản lý kinh doanh vận tải đường bộ. Trong phiên họp giải trình do Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội tổ chức gần đây, đại biểu Ngô Văn Hùng (tỉnh Lào Cai) cho rằng, trong Nghị định 91/2009 NĐ-CP và Nghị định 93/2012 NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô vẫn còn chưa chặt chẽ nên người có phương tiện dễ lợi dụng tham gia vào lĩnh vực kinh doanh vận tải, nhất là vận tải hành khách dẫn tới tình trạng xáo trộn, cạnh tranh không lành mạnh, tiêu cực trong vận tải hành khách trên các tuyến thời gian qua.

Ngoài ra, theo ông Ngô Văn Hùng, một số đơn vị kinh doanh vận tải không chấp hành đúng quy định trong kinh doanh vận tải bằng xe ô tô nhất là trong lĩnh vực vận chuyển hành khách như ký hợp đồng tuyển dụng lái xe, tay nghề và đạo đức lái xe còn yếu kém. “Khoán trắng cho lái xe, buông lỏng quản lý dẫn đến lái xe vi phạm các quy định về an toàn giao thông. Xe khách chạy quá tốc độ, tranh giành khách gây ra những vụ tai nạn thảm khốc, gây hoang mang trong nhân dân để lại những hậu quả xấu trong xã hội”, ông Hùng bức xúc.

Ông Nguyễn Thanh Hồng, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng an ninh cho rằng, cần lập lại trật tự ở các bến xe và việc quy hoạch mạng lưới hệ thống bến xe. Hiện nay tình trạng bến cóc, xe dù, tình trạng người dân không vào bến để đi xe vẫn còn phổ biến. Bộ GTVT cũng có quy định về việc này, tuy nhiên trên thực tế không được như mong muốn. “Đơn cử như bến xe Giáp Bát rất nhiều lần chúng ta có kế hoạch, có phương án để lập lại trật tự ở đây nhưng thực tế vẫn diễn ra hết sức phức tạp. Tại sao chúng ta không có giải pháp đủ mạnh để lập lại trật tự trong các khu vực bến xe này”, ông Hồng thắc mắc.

Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh, giải pháp sắp tới của Bộ GTVT là siết chặt lại các điều kiện kinh doanh, trong Nghị định 91, 93 đề nghị Chính phủ đưa kinh doanh vận tải xe khách, xe công ten nơ vào điều kiện kinh doanh đặc biệt, vì vậy điều kiện để cấp giấy phép sẽ khó hơn và quy mô phải nâng lên. Hiện nay có quy mô hợp tác xã chỉ có 1 - 3 doanh nghiệp vận tải thì quy định về điều kiện an toàn giao thông là rất khó thực hiện và không thực tế.

Bộ trưởng cũng thừa nhận, thời gian qua có sự buông lỏng trong kiểm tra cấp giấy phép. Việc tiền kiểm trước khi cấp phép, hậu kiểm sau khi cấp phép cũng chưa được làm thường xuyên, cho nên xảy ra tình trạng lộn xộn. Sắp tới trong các văn bản quy phạm pháp luật sắp tới sẽ phân định rất rõ trách nhiệm quản lý việc này.

Cùng với đó, Bộ GTVT sẽ rà soát lại quy chuẩn, tiêu chuẩn các bến xe theo hướng đảm bảo được công nghệ quản lý hiện đại, lắp toàn bộ hệ thống camera, phân loại các hệ thống bến xe từ loại 6 đến loại 1, từng loại có phân cấp quản lý và yêu cầu điều kiện, tiêu chuẩn đối với từng bến xe. Nếu bến nào không đáp ứng được yêu cầu đó một là bị hạ bậc, hai là dừng không cho hoạt động. Ngoài ra, Bộ cũng tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý mạnh đối với trách nhiệm quản lý của nhà nước tại địa phương cũng như những người chủ doanh nghiệp phương tiện, chủ các bến xe. Mặt khác, Bộ tiếp tục đẩy mạnh xã hội hoá việc xây dựng các bến xe, đồng thời xem xét đề xuất Chính phủ có những cơ chế ưu đãi, tạo điều kiện để cho doanh nghiệp tư nhân đầu tư phát triển các bến xe cũng như các trạm dừng nghỉ.

Theo dangcongsan.vn

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây