Tích cực đẩy mạnh hoạt động phòng, chống HIV/AIDS

Thứ tư - 10/07/2013 00:00 39 0
Theo số liệu báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, phòng chống AIDS, ma tuý, mại dâm tỉnh, tính đến ngày 31/5/2013, toàn tỉnh có 94/95 xã, phường, thị trấn phát hiện có người nhiễm HIV/AIDS, với tổng số người nhiễm là 3.129, trong đó có 2.139 người chuyển sang AIDS và 1.126 người đã tử vong vì AIDS.

Trước thực trạng trên, Ban Chỉ đạo tỉnh đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động nhằm giảm thiểu tác hại của HIV/AIDS trong cộng đồng.

Nổi bật nhất là hoạt động truyền thông, với nội dung và hình thức phong phú như: Phát 120.000 tờ rơi, tranh gấp, 1.140 Tạp chí AIDS và Cộng đồng, treo 05 băng ron hưởng ứng tháng chiến dịch dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Trung Tâm phát hành phim và chiếu bóng (Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch) phục vụ được 85 buổi chiếu phim 14.830 lượt người xem. Riêng tháng cao điểm chiến dịch dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đã thực hiện 25 buổi chiếu, 4.580 lượt người xem. thực hiện 02 pano cổ động theo chủ đề tuyên truyền, 12 băng rôn, 12 khẩu hiệu tuyên truyên có nội dung “Tiến tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2013” và “Hãy hành động vì mục tiêu: Không còn người nhiễm mới HIV”. Phát đĩa CD 08 câu hỏi đáp “Những kiến thức cơ bản về HIV/AIDS”, “Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con” tại địa điểm tổ chức. Tổ chức chương trình bốc thăm có thưởng với 5 câu hỏi, nội dung kiến thức phòng, chống HIV/AIDS và tặng quà cho người tham gia vào chương trình.     

Trại giam Cây Cầy đã tổ chức 01 lớp tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS cho 1.000 phạm nhân tham dự. Ngoài ra đơn vị còn thực hiện chương trình giáo dục công dân về kiến thức phòng, chống ma túy, phòng chống HIV/AIDS cho số phạm nhân sắp hết thời hạn chấp hành án phạt tù về tái hòa nhập cộng đồng: 01 lớp có hơn 230 phạm nhân tham dự.

Liên đoàn Lao động tỉnh đã tổ chức triển khai Luật Phòng, chống vi rút gây ra Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) và một số thông tin về những biện pháp phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng cho 150 báo cáo viên. Cung cấp 1.000 bản tin có nội dung tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS cho các cấp Công đoàn trong toàn tỉnh và 4.200 tờ rơi, tờ gấp. Phối hợp với chuyên môn tổ chức tuyên truyền, quán triệt Chương trình Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS, Luật Phòng, chống HIV/AIDS trong CNVCLĐ của cơ quan, đơn vị bằng nhiều hình thức như: báo cáo chuyên đề, triển khai tài liệu, thi hái hoa dân chủ, sinh hoạt câu lạc bộ, phát tờ gấp… kết hợp với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT đã góp phần nâng cao nhận thức về pháp luật nói chung, những tác hại của HIV/AIDS đối với cá nhân gia đình và cộng đồng. Tổ chức công đoàn trong các doanh nghiệp đã tuyên truyền các văn bản, pháp luật của Nhà nước, nội dung tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS tại nơi làm việc, chủ yếu bằng hình thức triển khai qua loa truyền thanh nội bộ, cuộc họp, sinh hoạt, phát tờ rơi, tờ bướm có nội dung phòng, chống HIV/AIDS. Kết quả trong 6 tháng đầu năm đã tổ chức được 340 cuộc với 29.500 lượt người tham dự.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tây Ninh kết hợp với Đội Vệ sinh phòng dịch Quân khu 7 giám sát HIV, Heroin cho 330 chiến sĩ mới tại dBB14/e174 không có trường hợp dương tính. Tổ chức tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS, ma túy cho 330 chiến sĩ mới nhập ngũ đợt 1/2013.

Tuyên truyền trên đài phát thanh huyện, xã: 3.017 lượt ước lượng 12.435 phút với các nội dung về đường lây nhiễm HIV/AIDS, cách phòng tránh lây nhiễm và Luật Phòng, chống lây nhiễm virut gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS).

Truyền thông trực tiếp thay đổi hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV cho các nhóm đối tượng là người nghiện chích ma túy (2.631 lượt); người bán dâm, tiếp viên nhà hàng (706 lượt); người có tình dục đồng giới nam (66 lượt); người nhiễm HIV (1.664 lượt); thành viên gia đình người nhiễm (1.881lượt); người thuộc nhóm di biến động (1.119 lượt); người trong độ tuổi sinh đẻ (8.131 lượt); người trong độ tuổi từ 15 – 24 tuổi (1.790 lượt); Phụ nữ, nông dân, học sinh, sinh viên (4.714 lượt). Câu lạc bộ người nhiễm HIV/AIDS (dưới sự tài trợ của Dự án Quỹ Toàn cầu) được thành lập từ tháng 6/2007, hiện nay có 42 thành viên tham gia, vẫn duy trì hoạt động thường xuyên và từng bước đi vào chiều sâu.

Số đối tượng đang được quản lý là 898 người nghiện chích ma túy, 251 người bán dâm, 220 người có quan hệ tình dục đồng giới nam, 403 tiếp viên nhà hàng, 147 người thuộc nhóm di biến động, 564 gia đình người nhiễm. Tính đến cuối quý 1 năm 2013, toàn tỉnh có 95 cộng tác viên, 7 tuyên truyền đồng đẳng cho nhóm nghiện chích ma túy, 5 tuyên truyền đồng đẳng cho nhóm phụ nữ bán dâm do các Dự án LIFE-GAP, Dự án Quỹ Toàn cầu, Dự án phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam tài trợ cho Tây Ninh. Với mạng lưới nhân viên tiếp cận cộng đồng tham gia trực tiếp triển khai các hoạt động can thiệp giảm tác hại, đội ngũ nhân viên thực hiện chương trình ngày càng thể hiện vai trò của mình trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Song song với hoạt động truyền thông, ngành y tế đã duy trì hoạt động của 04 phòng tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện (theo Quyết định 647 của Bộ Y tế) đã tư vấn cho 8.040 người, 8.040 người đồng ý xét nghiệm, 215 người có kết quả xét nghiệm dương tính. Tiếp tục duy trì hoạt động chăm sóc và điều trị tại 03 phòng khám ngoại trú cho bệnh nhân HIV/AIDS chủ yếu là điều trị cho người lớn tại khoa nhiễm Bệnh viện Đa khoa tỉnh, TTYT Trảng Bàng và TTYT Hòa Thành. Số người nhiễm HIV/AIDS hiện đang được chăm sóc tại xã, phường tính đến 31/5/2013 là 665 người. Số bệnh nhân hiện đang được điều trị ARV là 812 người. 5 tháng đầu năm 2013, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tại khoa sản Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh do dự án Quỹ Toàn tầu tài trợ đã tư vấn cho 12.440 phụ nữ mang thai, trong đó 3.404 phụ nữ mang thai đồng ý xét nghiệm, 12 phụ nữ mang thai có kết quả xét nghiệm dương tính.

Tổ chức 03 lớp tập huấn về can thiệp giảm thiểu tác hại cho nhóm nghiện chích ma túy, MSM, mại dâm: 55 người tham dự. 01 lớp tập huấn về can thiệp giảm tác hại và kỹ năng về phòng, chống HIV/AIDS cho nhóm cộng tác viên là cán bộ y tế: 19 người tham dự, 01 lớp tập huấn kỹ năng về phòng, chống HIV/AIDS cho nhóm nhân viên tiếp cận cộng đồng.

Công tác phòng, chống HIV/AIDS đạt được kết quả nêu trên là do sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh và của nhiều sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh. Trong điều kiện kinh phí hạn hẹp song các sở, ban, ngành, đoàn thể triển khai tốt công tác phòng, chống HIV/AIDS bằng cách phối hợp lồng ghép chương trình phòng, chống HIV/AIDS với các chương trình mục tiêu của Chính phủ và các chương trình khác hay các câu lạc bộ của Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên Cộng sản HCM, Hội Nông dân ...các cuộc vận động quần chúng, tuyên truyền Dân số KHHGĐ-CSBVTE, xây dựng khu dân cư ấp văn hóa, xây dựng gia đình văn hóa mới của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Bên cạnh đó, vẫn còn một số sở, ban, ngành chưa xây dựng kế hoạch cụ thể cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS và chưa báo cáo đúng thời gian quy định; Một số xã biên giới dân cư thưa thớt công tác tuyền thông khó tiếp cận đối tượng; Cán bộ phụ trách công tác HIV/AIDS đa số là kiêm nhiệm, một số nơi còn thường xuyên thay đổi cán bộ; Người nhiễm HIV còn tâm lý mặc cảm với cộng đồng nên việc tiếp xúc, tư vấn còn khó khăn; Người nhiễm HIV/AIDS khi đến tư vấn và thực hiện xét nghiệm HIV thường khai không đúng tên và địa chỉ hoặc có một số người nhiễm HIV bỏ địa phương đi làm ăn xa, nên việc quản lý đối tượng nhiễm còn gặp nhiều khó khăn.

Trong thời gian tới để công tác phòng, chống HIV/AIDS đạt hiệu quả cao hơn cần tăng cường các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ và hành vi của cán bộ, công chức, công nhân, nông dân, học sinh, sinh viên nhằm tăng tỷ lệ số người hiểu biết và thực hành các hành vi tình dục an toàn dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS. Mở rộng độ bao phủ của chương trình can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV cho nhóm đối tượng có hành vi nguy cơ cao và tăng cường can thiệp giảm tác hại tại các điểm triển khai, tập trung cho nhóm tiêm chích ma túy, mại dâm (Dự án WB). Nâng cao và mở rộng các dịch vụ STI. Mở rộng và tăng cường chất lượng dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ, tư vấn và điều trị người nhiễm HIV/AIDS, tăng cường tiếp cận thuốc điều trị đặc hiệu kháng virut HIV (ARV) cho bệnh nhân HIV/AIDS. Hoàn thiện và tăng cường năng lực cho hệ thống giám sát, theo dõi, đánh giá chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Nâng cao năng lực của hệ thống phòng, chống HIV/AIDS về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực và tăng cường hợp tác Quốc tế trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Tiếp tục triển khai học tập, quán triệt Thông báo kết luận số 27-TB/TW, ngày 09/5/2011 của Ban Bí thư (Khóa XI) về việc sơ kết chỉ thị 54-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX), Luật Phòng, chống virut gây ra Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) và Nghị định 108/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007 của Chính phủ về Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virut gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS). Các cơ sở y tế tiếp tục hỗ trợ về mặt chuyên môn cho các đơn vị, sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh về công tác thông tin - giáo dục - truyền thông phòng, chống HIV/AIDS và chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS. Phối hợp các cơ quan, đơn vị chức năng tiếp tục kiểm tra đôn đốc và động viên các đơn vị làm tốt công tác thông tin - giáo dục - truyền thông theo chiều rộng và chiều sâu, đồng thời tư vấn cho đối tượng có nguy cơ cao, cho người nhiễm HIV và gia đình người nhiễm.

Nhật Quang

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây