Quan niệm về hành vi mua bán người như thế nào là đúng?

Thứ ba - 09/07/2013 00:00 205 0
Qui định rõ mục đích bóc lột cũng sẽ dễ dàng cho việc xử lý những trường hợp môi giới lao động, môi giới kết hôn, môi giới con nuôi vì về “hình thức”, có dấu hiệu cấu thành tội Mua bán người.

Các đối tượng buôn bán trẻ sơ sinh bị bắt giữ tại Lạng Sơn.    Ảnh: TL

Tại Hội thảo quốc tế về chia sẻ thông tin phòng, chống mua bán người do Bộ Công an phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH tổ chức mới đây, các cơ quan này cho biết trong năm 2012, đã phát hiện và xử lý gần 500 vụ mua bán người với hơn 800 đối tượng, lừa bán trên 850 nạn nhân. Theo Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ LĐ-TB&XH, năm 2012, các địa phương đã tổ chức tiếp nhận và hỗ trợ cho 541 nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng (65% tự trở về, 25% được giải cứu, số còn lại là trao trả qua đường ngoại giao).

Đáng quan tâm, tình trạng mua bán người diễn ra ngày càng tinh vi, phức tạp, nhiều thủ đoạn mới xuất hiện như mua bán trẻ sơ sinh, bán trẻ còn trong bào thai, mua bán nội tạng, mua bán nam giới để cưỡng bức lao động… Nguyên nhân của tình trạng trên có nhiều, trong đó nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, có nguyên nhân từ các qui định của Bộ luật Hình sự hiện hành về tội danh buôn bán người. Do đó, trong việc nghiên cứu, sửa đổi Bộ luật Hình sự, phải xem xét sửa lại tội danh này cho phù hợp với thực tiễn và Nghị định thư về phòng, chống buôn bán người mà Việt Nam đã tham gia.

Bộ luật Hình sự qui định hành vi mua bán người bị xử lý theo hai tội danh là Mua bán người (Điều 119) và Mua bán trẻ em (Điều 120). “Mua bán người” được hiểu chỉ bao gồm 2 loại hành vi là “mua” và “bán”, trong khi thực tế mua bán người là cả một quá trình, gồm các hành vi tuyển mộ, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp (che giấu) và cuối cùng là tiếp nhận người bị bán (theo định nghĩa trong Nghị định thư về chống buôn bán người). Điều này đã khiến cho việc xử lý tội phạm mua bán người gặp không ít khó khăn, thậm chí bị bỏ lọt tội phạm vì việc tìm ra các chứng cứ để chứng minh các đối tượng có hành vi “mua” và “bán” – tức là dùng tiền hoặc lợi ích vật chất khác để đổi lấy người không hề dễ. Thực tế không ít nạn nhân bị bắt cóc, lừa gạt, mua đi bán lại nhiều lần nhưng ngay bản thân nạn nhân cũng không biết là mình đã bị bán với giá bao nhiêu. Nhiều trường hợp khác, nạn nhân khai bị bắt cóc, bị buộc phải bán dâm, nhưng vì không có bằng chứng chứng minh việc giao người - nhận tiền nên các cơ quan tố tụng không xử lý được về tội Mua bán người.

Hàng loạt hành vi khác trong chuỗi hành vi cấu thành tội Mua bán người như tuyển mộ, vận chuyển, đưa chuyển, chứa chấp (che giấu) và tiếp nhận người rất khó chứng minh được mục đích là “nhằm mua bán người” để xem là đồng phạm, nên trong thực tế, các cơ quan tố tụng thường chỉ xử lý những hành vi này theo các tội danh như bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, với mức hình phạt nhẹ hơn. 

Điều 119 và Điều 120 cũng không qui định thủ đoạn, phương thức mà bọn tội phạm sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội mua bán người, khiến trong trường hợp đối tượng được mua bán “tự nguyện”, các cơ quan tố tụng còn nhiều quan điểm trái chiều có nên xử lý về hành vi mua bán người hay không. Thiếu qui định rõ ràng về thủ đoạn, phương thức phạm tội cũng khiến các cơ quan tố tụng khó phân biệt giữa hành vi mua bán người với hành vi tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài, chứa mại dâm, môi giới mại dâm hay môi giới kết hôn, môi giới lao động, môi giới nhận nuôi con nuôi… vì giữa các hành vi này cùng có điểm chung là giao người và nhận tiền, hoặc lợi ích vật chất khác.

Bộ luật Hình sự cũng không qui định mục đích bóc lột là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm như theo Nghị định thư về phòng, chống buôn bán người. Trên thực tế, các đối tượng mua bán người không chỉ được lợi từ khoản tiền thu được từ việc mua bán người mà còn hưởng lợi từ việc bắt nạn nhân bán dâm, cưỡng bức lao động, lấy các bộ phận cơ thể… LS Nguyễn Thủy Nguyên, Đoàn LS Hà Nội cho rằng, cần qui định mục đích bóc lột trong tội Mua bán người vì đây là một trong những dấu hiệu quan trọng để phân biệt tội phạm mua bán người với tội Tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép. Qui định rõ mục đích bóc lột cũng sẽ dễ dàng cho việc xử lý những trường hợp môi giới lao động, môi giới kết hôn, môi giới con nuôi vì về “hình thức”, có dấu hiệu cấu thành tội Mua bán người. Nhưng trong trường hợp đối tượng bị mua bán – “bị hại”  có thể không bị thiệt hại gì, thậm chí còn có cuộc sống tốt hơn trước đó thì có cần thiết phải xử lý các đối tượng về tội Mua bán người hay không?

Nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, để phù hợp với pháp luật quốc tế và thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người, Bộ luật Hình sự được sửa đổi cần mô tả hành vi mua bán người bao gồm bất cứ hành vi nào trong quy trình mua bán người, từ tuyển mộ, vận chuyển đến chuyển giao, chứa chấp, nhận người. Những hành vi trên phải được thực hiện bằng những thủ đoạn cụ thể, nhằm mục đích bóc lột nạn nhân trái với ý muốn của họ (trừ đối tượng bị mua bán là người chưa thành niên). Đồng thời, phải thống nhất trẻ em theo pháp luật quốc tế là người dưới 18 tuổi.

Theo http://phapluatxahoi.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây