Mua bán người, khó xử

Thứ hai - 08/07/2013 00:00 33 0
Việc có hướng dẫn cụ thể về cấu thành tội phạm tại Điều 119, Điều 120 BLHS là cần thiết để các cơ quan tố tụng có thể dễ dàng vận dụng.

Xét xử một vụ mua bán trẻ em tại một phiên tòa lưu động ở tỉnh Lai Châu. Ảnh: Thu Hoài

BLHS năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 đã mở rộng đối tượng nạn nhân được bảo vệ trong tội mua bán người, bao gồm cả nam giới. Nhưng đến nay, thực tiễn xử lý hành vi này đang gặp nhiều vướng mắc, cần có hướng dẫn của các ngành tố tụng trung ương…

Vừa qua, TAND một tỉnh đã tuyên phạt hai bị cáo từ 30 tháng tù treo đến 36 tháng tù treo về tội tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài trái phép (Điều 275 BLHS). Trước đó, hai bị cáo này tổ chức cho 33 người vượt biên trái phép sang Trung Quốc và có ý định bán họ cho những người Trung Quốc cần người lao động...

Thiếu hướng dẫn nên chuyển sang tội khác

Hành vi của hai bị cáo có dấu hiệu của tội mua bán người (Điều 119 BLHS) hay mua bán trẻ em (Điều 120 BLHS) vì mục đích của họ là bán người nhằm thu lợi bất chính. Tuy nhiên, khi xử lý, các cơ quan tố tụng đã băn khoăn, không thể khởi tố, truy tố được hai bị cáo về các tội này vì hai bị cáo chưa được trả tiền sau khi đưa người sang Trung Quốc. Điều luật, tội danh đều đã có nhưng chưa có hướng dẫn là trường hợp này có phạm tội mua bán người hay không.

Trong khóa tập huấn của ngành tòa án về tội mua bán người mới đây, nhiều ý kiến cho rằng việc có hướng dẫn cụ thể về cấu thành tội phạm tại Điều 119, Điều 120 BLHS là cần thiết để các cơ quan tố tụng có thể dễ dàng vận dụng, tránh trường hợp lúng túng không dám xử lý, phải chuyển qua tội danh khác như trên.

Một tình huống khá phổ biến khác trong thời gian qua là có không ít nạn nhân bị mua đi bán lại nhiều lần nhưng bản thân họ cũng không biết rõ ràng mình đã bị bán với giá bao nhiêu. Nhiều trường hợp, nạn nhân khai bị bắt cóc, bị buộc phải bán dâm nhưng không có bằng chứng chứng minh việc giao người - nhận tiền nên các cơ quan tố tụng không xử lý được thủ phạm về tội mua bán người.

Cạnh đó, đối với các trường hợp mà nạn nhân bị kẻ phạm tội bán ra nước ngoài, thân nhân của họ phải tốn nhiều chi phí để tìm kiếm, thậm chí còn phải trả khoản “tiền chuộc” với giá trị lớn mới đưa được nạn nhân trở về Việt Nam. Tuy nhiên, khi họ yêu cầu đòi bồi thường thì các tòa cũng gặp lúng túng vì chưa có văn bản hướng dẫn về mức bồi thường các khoản này.

Cơ quan tố tụng lúng túng

Ngoài ra, thực tiễn xử lý hành vi mua bán người còn gặp những vướng mắc khác dẫn tới hiệu quả của công tác đấu tranh xử lý loại tội phạm này chưa cao. Theo Vụ Thống kê - Tổng hợp TAND Tối cao, từ năm 2007 đến hết năm 2011, các cơ quan bảo vệ pháp luật đã phát hiện, triệt phá 2.024 vụ/3.694 đối tượng mua bán người (4.837 nạn nhân). Tuy nhiên, VKS các cấp chỉ truy tố được 1.070 vụ/2.025 bị can (phía tòa thụ lý, giải quyết được 962 vụ/1.881 bị cáo).

Hiện nay, BLHS quy định hành vi mua bán người bị xử lý theo hai tội là mua bán người (Điều 119) và mua bán trẻ em (Điều 120). Mua bán người được hiểu chỉ bao gồm hành vi là mua và bán, trong khi thực tế thì mua bán người là cả một quá trình gồm một chuỗi các hành vi như tuyển mộ, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp (che giấu), tiếp nhận người bị bán.

Vì cách hiểu trên nên một khi không có chứng cứ về việc mua - bán, giao người - nhận tiền, các cơ quan tố tụng có phát hiện ra các hành vi tuyển mộ, vận chuyển, đưa chuyển, chứa chấp (che giấu), tiếp nhận người thì cũng chỉ có thể xử lý thủ phạm về các tội có mức hình phạt nhẹ hơn như bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật.

Mặt khác, hai điều luật trên cũng không quy định thủ đoạn, phương thức phạm tội mua bán người khiến trong trường hợp đối tượng được mua bán “tự nguyện”, các cơ quan tố tụng còn nhiều quan điểm trái chiều là có nên xử lý về hành vi mua bán người hay không.

Thiếu quy định rõ ràng về thủ đoạn, phương thức phạm tội cũng khiến các cơ quan tố tụng khó phân biệt giữa hành vi mua bán người với hành vi tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài, chứa mại dâm, môi giới mại dâm hay môi giới kết hôn, môi giới lao động, môi giới nhận nuôi con nuôi… vì giữa các hành vi này cùng có điểm chung là giao người và nhận tiền hoặc lợi ích vật chất khác.

Tội phạm diễn biến thất thường

Thực trạng tội phạm mua bán người trong những năm qua có những diễn biến và động thái thất thường, lúc tăng lúc giảm nhưng quy mô và tính chất nguy hiểm ngày càng cao, xảy ra ở nhiều địa bàn, mang tính tổ chức, hình thành các đường dây liên tỉnh và xuyên quốc gia.

Tình trạng mua bán trẻ sơ sinh, thậm chí trẻ em còn trong bào thai, làm giả hồ sơ, tài liệu để bán trẻ em ra nước ngoài dưới hình thức cho nhận con nuôi xảy ra ở nhiều địa phương như Hà Nội, Nam Định, Quảng Ninh, Quảng Nam, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Bạc Liêu và Lạng Sơn. Ngoài ra còn tình trạng bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em tại các tỉnh miền núi phía Bắc, mua bán nam giới để cưỡng bức lao động ở Lào Cai, Quảng Ninh, Quảng Ngãi..., câu kết môi giới đưa người sang Trung Quốc để bán thận, mua bán phụ nữ, trẻ em từ các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa ra đô thị làm mại dâm, bán làm vợ, đẻ thuê…

(Theo Vụ Thống kê - Tổng hợp TAND Tối cao)

Thiếu hiệp định với các nước

Theo nhiều chuyên gia, Việt Nam cần có các hiệp định song phương với các nước về vấn đề này. Bởi khá nhiều trường hợp, lao động Việt Nam sang làm việc tại nước ngoài bị tịch thu toàn bộ giấy tờ tùy thân, thẻ căn cước..., bắt lao động quá sức trong môi trường không đảm bảo mà không được trả lương...

Theo http://phapluattp.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây