Trách nhiệm đối với các vụ tai nạn giao thông

Thứ tư - 12/06/2013 00:00 37 0
5 tháng đầu năm nay, cả nước đã xảy ra 12.052 vụ tai nạn giao thông, làm 4.163 người chết, 12.171 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2012 giảm hơn 2000 vụ, tuy nhiên số người chết lại tăng 28 người.

Vụ tai nạn trên Quốc lộ 1A. Ảnh: Tùng Lâm.

Đáng lo ngại là số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng tăng cao. Dư luận còn chưa hết bàng hoàng sau vụ tai nạn tại tỉnh Khánh Hòa xảy ra sáng 7-6 cướp đi sinh mạng của 7 người, cùng hàng chục người bị thương, thì lúc 7 giờ 30 phút ngày 9-6, trên Quốc lộ 1A (đoạn qua xã Điện An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) lại xảy ra vụ tai nạn thảm khốc, khiến 3 người tử vong, gần 30 người bị thương… Qua các vụ tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra, nguyên nhân chính được xác định là do ý thức, đạo đức, sức khỏe của lái xe không bảo đảm; tình trạng kỹ thuật xe không bảo đảm an toàn.

Hai nguyên nhân trên đều bắt nguồn từ một vấn đề chính là chủ phương tiện (chủ hãng xe, chủ doanh nghiệp) thiếu trách nhiệm với xã hội, xuất phát từ lợi ích, lợi nhuận cục bộ. Vì thế, mặc dù xe đã hết thời hạn sử dụng, hoặc bị hư hỏng, họ vẫn "cố" đưa vào lưu thông. Việc tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn và giáo dục đạo đức cho lái xe đã bị xem nhẹ. Trên đường, không hiếm gặp cảnh lái xe tranh giành khách, giành đường, vượt ẩu. Càng không hiếm gặp những hành động thiếu văn hóa của lái xe với hành khách, với những người tham gia giao thông.

Ngoài ra, phải nói đến trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực như: Đăng kiểm, kiểm tra, kiểm soát, xử phạt… Dư luận đặt vấn đề, nếu các cơ quan quản lý Nhà nước làm nghiêm, làm triệt để, chắc chắn sẽ không để lọt những phương tiện kém chất lượng tham gia giao thông; không để những tài xế thiếu trách nhiệm, thiếu đạo đức trở thành những “hung thần” trên quốc lộ.

Bộ luật Dân sự và các văn bản về giao thông đường bộ, hướng dẫn vận tải đã nói rất rõ về nguyên tắc trách nhiệm dân sự, chủ xe cơ giới phải chịu trách nhiệm với những người bị tai nạn, về bồi thường và trách nhiệm dân sự cho người bị nạn. Đó là điều bắt buộc, nhưng dù có bồi thường, có thăm hỏi chia sẻ cũng không thể bù đắp được những thiệt thòi mất mát của các gia đình nạn nhân.

Nhà nước cũng đã có quy định xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Đấy là  các chế tài để hạn chế những tiêu cực của các chủ phương tiện. Song, với tình trạng vi phạm Luật Giao thông đường bộ như hiện nay cần phải có những biện pháp mạnh hơn, hiệu quả hơn để triệt tiêu những tiêu cực của các chủ phương tiện. Và không thể không có những biện pháp quyết liệt để chấn chỉnh thái độ, trách nhiệm làm việc của các cơ quan quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực.

Theo qdnd.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây