Tọa đàm quốc tế “Từ Chính quyền điện tử đến Quản trị thông minh: lộ trình cho tỉnh Tây Ninh”

Thứ sáu - 14/04/2017 17:00 81 0
Tọa đàm diễn ra trong hai ngày 12/4 và 13/4/2017 tại Trung tâm Hội nghị Sunrise – Tây Ninh.

Nhằm từng bước ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động đời sống xã hội giúp nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước; Cung cấp thông tin, dịch vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp. Xây dựng lộ trình, giải pháp triển khai mô hình quản trị thông minh tại tỉnh Tây Ninh; Đáp ứng các yêu cầu về khung kiến trúc chính phủ điện tử, định hướng đưa Tây Ninh trở thành đô thị thông minh, giúp Tây Ninh bắt kịp với xu hướng công nghệ, hướng tới sự minh bạch và phục vụ người dân tốt hơn, tìm giải pháp để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin sâu rộng và mạnh mẽ trong thời gian tới, Uỷ ban nhân dân tỉnh Tây Ninh, phối hợp với Trung tâm nghiên cứu Quốc tế (SCIS) – Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh và Văn phòng Đại diện Viện Konrad Adenauer tại Việt Nam (KAS) tổ chức Tọa đàm “Từ Chính phủ điện tử đến quản trị thông minh”.

bithu_1.jpg

Đại biểu tham dự tọa đàm.

Tọa đàm diễn ra trong hai ngày 12/4 và 13/4/2017 tại Trung tâm Hội nghị Sunrise – Tây Ninh. Tham dự Tọa đàm có đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Nguyễn Thanh Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Lãnh đạo và chuyên trách công nghệ thông tin các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện/thành phố, Doanh nghiệp viễn thông – công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh và các chuyên gia trong và ngoài nước.

Phát biểu tại buổi khai mạc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc cho biết trong những năm qua, Tây Ninh đã phát huy thế mạnh và khắc phục khó khăn để có sự phát triển nhanh, đạt được nhiều kết quả khá toàn diện, đồng đều trên các lĩnh vực. Việc đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý nhà nước trên địa bàn đã và đang được áp dụng, có nhiều chuyển biến và đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế, hệ thống quản lý chưa theo kịp tốc độ và yêu cầu của sự phát triển; việc ứng dụng CNTT vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu trong cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử phục vụ kinh tế - xã hội của tỉnh. UBND tỉnh cũng tin tưởng, qua Tọa đàm này, các chuyên gia sẽ đề xuất giải pháp mô hình quản trị thông minh cho tỉnh Tây Ninh.

Tại Tọa đàm, các chuyên gia, diễn giả đã trình bày, giới thiệu với các đại biểu tổng quan về mô hình từ Chính phủ điện tử đến quản trị thông minh đề cập đến nhiều lĩnh vực, khía cạnh như: khuôn khổ pháp lý, công nghệ, y tế, giao thông, du lịch, quản lý dân số,…Trong các phần trình bày, các diễn giả đều dẫn chứng nhiều mô hình quản trị thông minh tại các quốc gia trên thế giới như: Hàn Quốc, Mỹ, Singapore,…. Các diễn giả cũng thẳng thắn đánh giá: Tây Ninh là địa phương có nhiều lợi thế, tiềm năng để thực hiện mô hình quản trị thông minh nhưng phải giải quyết được những vấn đề mang tính then chốt như: Cơ sở dữ liệu giữa các ngành chưa đồng bộ, trình độ công nghệ thông tin của cán bộ còn thiếu và yếu.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc triển khai quản trị thông minh tại Tây Ninh không phải là vấn đề khó nếu như địa phương thực hiện được những vấn đề quan trọng cốt lõi như: Có một tầm nhìn dài hạn, bảo đảm nguồn nhân lực và sự quyết tâm của chính quyền địa phương.

Bế mạc Tọa đàm, đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cho biết Tây Ninh đã bắt đầu triển khai từ nhiều năm qua song vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện cải cách hành chính vẫn chưa đạt được nhiều kết quả như mong muốn. Qua Tọa đàm, ông rất cảm ơn sự chia sẽ những kinh nghiệm, cũng như những giải pháp mà các chuyên gia đã đề xuất. Đây cũng là dịp để các cơ quan, lãnh đạo địa phương thay đổi trong tư duy để thực hiện các giải pháp đưa tỉnh Tây Ninh ngày càng phát triển.

Kiều Oanh

                                               

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây