Tây Ninh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước

Thứ ba - 14/04/2015 17:00 172 0
Theo Sở Thông tin và Truyền thông, thời gian qua Ủy ban nhân dân tỉnh đã đặc biệt quan tâm chỉ đạo việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cải cách hành chính, kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo cơ quan, đơn vị tăng cường sử dụng các ứng dụng đã triển khai. Đến nay, các mục tiêu được đặt ra theo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ IX “về cải cách hành chính giai đoạn 2011-2015” đối với lĩnh vực công nghệ thông tin đã cơ bản hoàn thành.

2_14_4_15.jpg

Tập huấn triển khai Phần mềm Họp không giấy cho các cơ quan, đơn vị. (Ảnh Diễm Trang)

Tỷ lệ cán bộ công chức được trang bị máy vi tính ở các cơ quan nhà nước cấp tỉnh đạt 100%; 100% các sở, ban, ngành và huyện/ thành phố đã kết nối hệ thống mạng nội bộ (LAN); 37 cơ quan, sở, ngành đã kết nối mạng diện rộng (WAN) của tỉnh được xây dựng trên nền mạng cáp quang nội thị về Trung tâm tích hợp dữ liệu. Tỉ lệ cơ quan cấp tỉnh và cấp huyện có kết nối Internet là 100% với phương thức kết nối chủ yếu là băng rộng.

Về hệ thống thư điện tử Tây Ninh, số lượng, tỷ lệ cán bộ, công chức sử dụng thư điện tử trong trao đổi công việc là 2.646/ 5.936, chiếm tỷ lệ 44,6%. Hiện tại, tỷ lệ sử dụng thư điện tử của các đơn vị thấp do nhiều nguyên nhân nhưng phần lớn là do các đơn vị đã sử dụng hiệu quả phần mềm Họp không giấy có tích hợp tính năng thông báo thông tin cuộc họp qua tin nhắn SMS và việc sử dụng hệ thống Văn phòng điện tử có tính năng liên thông dữ liệu giữa các cơ quan, đơn vị.

Trong 4 tháng đầu năm 2015, phần mềm Họp không giấy đã được triển khai sử dụng cho các huyện/ thành phố trong tỉnh, đa số các đơn vị đều thường xuyên sử dụng với tổng số các cuộc họp (tính từ đầu năm đến 05/4/2015) là 646 cuộc. Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã chỉ đạo xây dựng Phòng họp trực tuyến tại Sở Thông tin và Truyền thông nhằm đáp ứng nhu cầu họp trực tuyến của các cơ quan, đơn vị tỉnh.

Đồng thời, phần mềm quản lý Hộ tịch được triển khai tại Sở Tư pháp, Công an tỉnh và 05 UBND cấp huyện gồm Thành phố Tây Ninh, huyện Hòa Thành, huyện Dương Minh Châu, huyện Tân Châu, huyện Trảng Bàng và triển khai mở rộng đến 52 UBND cấp xã thuộc 05 huyện trên.

Đối với phần mềm giải quyết khiếu nại, tố cáo (phần mềm tiếp dân), đến nay đã được sử dụng tại 03 đơn vị cấp tỉnh (Văn phòng UBND tỉnh, Thanh tra tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường), 09 đơn vị cấp huyện và 21 đơn vị cấp xã. Phần mềm một cửa điện tử cũng được triển khai tại 09 UBND cấp huyện, và 18  UBND cấp xã.

Riêng phần mềm Văn phòng điện tử, đã có 31 đơn vị triển khai trong đó gồm các sở, ban, ngành và UBND các huyện/ thành phố. Hiện nay, phần mềm Văn phòng điện tử có tích hợp tính năng ký số nhằm tăng tiện ích trong việc triển khai ứng dụng chữ ký số cho các cơ quan quản lý Nhà nước. Và Sở Thông tin và Truyền thông đã cấp phát bàn giao thiết bị ký số (token) cho 84 đơn vị và 358 thiết bị ký số cho cá nhân là cán bộ, công chức thuộc các cơ quan nhà nước trong tỉnh.

Vừa qua, để quản lý, sử dụng chữ ký số hiệu quả theo đúng quy định; giúp công tác trao đổi, gửi nhận văn bản giữa các cơ quan nhà nước của tỉnh được nhanh chóng, tiết kiệm chi phí, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu triển khai thử nghiệm chữ ký số chuyên dùng trong hoạt động của cơ quan Nhà nước, trong đó quy định rõ thời gian, phạm vi áp dụng, quy trình thực hiện.

Cổng Thông tin điện tử tỉnh cũng đã cung cấp đầy đủ các thông tin về chỉ đạo, điều hành của tỉnh, các thủ tục hành chính...để nhân dân biết. Đặc biệt, tỉnh đã xây dựng chuyên mục "Hỏi đáp trực tuyến" phục vụ nhu cầu tìm hiểu pháp luật, các nội dung về cải cách hành chính...của cá nhân, tổ chức. Thời gian qua, chuyên mục này đã thu hút được đông đảo cá nhân, tổ chức tham gia đặt câu hỏi và các cơ quan, đơn vị liên quan trả lời công khai, kịp thời. Điều này đã góp phần giúp cho chính quyền gần dân hơn.

Năm 2015, Tây Ninh sẽ tiếp tục chú trọng việc triển khai mở rộng các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cải cách hành chính đến cấp xã nhằm phục vụ tốt cho người dân và doanh nghiệp, nâng cao nâng lực lãnh đạo từ cấp xã đến cấp tỉnh.

Vừa qua, Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã có quyết định thành lập Ban chỉ đạo về ứng dụng công nghệ thông tin tỉnh với Trưởng ban là Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; Phó Trưởng ban là Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Phó Giám đốc Sở Tài chính là Ủy viên thường trực. Ban chỉ đạo này có nhiệm vụ chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện việc ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin nhằm đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

H.M

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây